Diễn… như không diễn
Lâu nay, các địa phương tổ chức các sự kiện như thế này theo kiểu, có kịch bản sẵn cho từng đoàn, nghệ nhân "biểu diễn" trên sân khấu như các nghệ sĩ chuyên nghiệp, hoặc ít nhất là văn nghệ quần chúng với ánh sáng màu, tăng âm loa đài phụ kiện, và ban giám khảo ngồi dưới chấm các tiết mục.
Lần này, 800 nghệ nhân của 16 đơn vị huyện, thị xã trực thuộc tỉnh đã tham gia hai ngày hội văn hóa cực kỳ hào hứng và đầy bản sắc, theo cách làm hoàn toàn khác trước. Ban tổ chức đã không can thiệp gì nhiều. Mỗi đoàn nghệ nhân được "cấp" một diện tích đất nhất định ở quảng trường Đại đoàn kết. Và bà con sống ở đấy, như đang sống ở nhà mình, làng mình. Họ bày ra tất cả những gì họ cho là tinh túy nhất. Chiêng, tất nhiên là món đầu tiên, đoàn nào cũng có chiêng và đội xoang (múa). Và tất nhiên, hoàn toàn khác nhau. Từng dân tộc có chiêng khác nhau, từng thời điểm, sự việc, chiêng cũng khác nhau. Chiêng ma khác chiêng lúa mới, chiêng vui khác chiêng buồn. Các động tác xoang cũng khác nhau. Rồi dệt, đan, làm tượng nhà mồ... Đàn ông đan, đàn bà dệt. Những người được cử lên đây là những người tài hoa nhất trong những người tài hoa, xử lý khéo những công việc thường nhật thành nghệ nhân, và những công việc thường nhật điêu luyện tới mức được coi là nghệ thuật. Thì đánh chiêng, xoang, đan, dệt, đẽo tượng mồ... đều là công việc thường nhật của họ, họ làm hằng ngày, ai cũng làm được, giờ được coi là nghệ thuật. Nên nhớ, người dân tộc Tây Nguyên không có các kíp thợ chuyên nghiệp như người Kinh, như thợ nề, thợ mộc, mà ai cũng có thể làm nhiều việc trong sinh hoạt, đụng việc là làm, và truyền nghề cho nhau, tất nhiên có người tài hoa hơn, người có khả năng chỉ huy để làm những việc cực khó một cách thô sơ nhất như làm nhà rông.
Đời sống hiện đại đang khiến những công việc thủ công thất truyền, nên những sự kiện như thế này là một cách để hâm nóng, để lưu giữ, để tôn vinh văn hóa dân tộc...
Nghệ nhân-tín hiệu mừng
Hai ngày đắm chìm trong không khí lễ hội của buôn làng (dù làm ở phố) tôi nhận ra rất nhiều nghệ nhân trẻ rất xuất sắc, điêu luyện. Tối khai mạc, một cháu bé 8 tuổi ở huyện Ia Pa lũn cũn chơi t’rưng rất điêu luyện. Các cháu tám tới mười lăm tuổi rất đông. Lâu nay chúng ta luôn tâm niệm nghệ nhân là những người... già. Cuộc liên hoan này đã chứng minh là, quan niệm ấy sai. Điều nữa, độ tuổi ấy chứng minh là, những gì thuộc về truyền thống không lo thất truyền. Những gương mặt trẻ măng, rất đẹp, chơi t’rưng, chiêng, xoang rất nhuyễn. Phần lớn các cháu đều đang đi học ở các trường phổ thông, việc biết và thể hiện vốn văn hóa cổ truyền kia là do tự học từ chính gia đình và dân làng. Và cũng có yếu tố nhà trường nữa. Một số trường học ở Gia Lai đã đưa các nhạc cụ truyền thống vào giảng dạy cho học sinh.
Một điều rất thú vị nữa, rất nhiều người ở phố, khá đông thanh niên, hào hứng nhập cuộc, họ cũng vào vòng xoang, cùng nhún nhảy. Vài bạn sẵn năng khiếu thì nhập cuộc rất nhanh, nhuyễn, các động tác rất ngọt. Trước, người ta đi xem vì tò mò, giờ nhập cuộc vì nó thú vị thật sự. Tối đầu tiên, khi tan cuộc, rất đông thanh niên "phố" và "làng" vẫn quây quần ở mấy cái nhà lục giác chơi đàn...
Nhưng rồi tiếp theo sẽ thế nào?
Tỉnh Gia Lai đã có quyết định là sẽ tổ chức sự kiện này thường niên, và sẽ xã hội hóa. Nhưng câu hỏi lớn hơn là, làm sao để những sản phẩm văn hóa ấy trở lại nuôi được bà con, để không thất truyền, không bị mai một mà ngày càng điêu luyện?
Trong những ngày diễn ra hội ấy, nhiều sản phẩm của bà con làm ra được bày bán, nhưng lượng người mua rất ít. Tất cả sản phẩm đều làm thủ công, đơn lẻ nên giá thành khá cao. Mẫu mã cũng chưa phù hợp thị trường. Những tấm dồ (vải dệt tay từ sợi tự nhiên) rất nhiều công dụng, từ làm tấm đắp, khố, váy, địu, khăn... nhưng giá thành rất cao, chỉ ai có điều kiện và thích thật sự mới mua để trang trí hoặc sử dụng làm ga trải giường, còn lại chủ yếu là ngắm và... trầm trồ.
Lại nhớ làng gốm Bàu Trúc của người Chăm dạo nào. Đây là nơi bà con tự nung gốm để phục vụ chính đời sống của mình, nó rất đơn sơ, từ cách nặn tới cách nung bằng rơm, củi trên mặt đất. Vẫn biết là nó độc đáo, nó quý, nhưng để bán ra thị trường quả là rất khó. Nhưng rồi các họa sĩ chuyên nghiệp tham gia, họ tạo mẫu, cải tiến một vài công đoạn, và giờ gốm Bàu Trúc đã tham gia vào đời sống, được nhiều người mua để trưng bày và sử dụng.
Trở lại với các nghệ nhân và những cái có thể coi là nghề truyền thống của họ. Nguyên thủy họ làm ra là để sử dụng cho chính cuộc sống hằng ngày của họ. Giờ nâng lên hàng "mỹ nghệ", hàng hóa... rõ ràng không hề đơn giản. Ở Gia Lai có mấy nghệ nhân nổi tiếng sống bằng "tên" và nghề như Ksor H’nao và Rơ Chăm Tih. Nhưng thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, một chuyên gia về văn hóa Tây Nguyên, Trưởng phòng Quản lý văn hóa của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết, nhìn vậy mà không phải vậy. Ksor H’nao thì mở nhà hàng với các món ăn Tây Nguyên nhưng là do tài của anh con rể người Kinh. Rơ Chăm Tih thì làm đủ thứ, từ nhạc cụ tới mở lớp, nhưng phần nhiều là... thua lỗ, dù có cả những dự án được cấp kinh phí. Giờ anh sống bằng những cuộc mời đi giao lưu, nhất là ở nước ngoài. Tức là anh chỉ lo được cho mình chứ không kéo được cả cộng đồng. Nhớ, cách đây ba chục năm, tôi từng viết bài và gọi Siu Khang, một cô gái Ba Na ở Plei Bông, quê ông họa sĩ nổi tiếng Xu Man, là người Tây Nguyên đầu tiên tham gia vào đời sống thị trường. Chị dệt rất đẹp, rồi trực tiếp nhảy xe đò đi bỏ mối. Ban đầu là lên Pleiku, rồi Kon Tum, sau rộng ra cả Hà Nội và Sài Gòn. Kết quả cuối cùng của bốn năm bươn chải là... hết sạch vốn.
Cũng đang có những manh nha cộng đồng làng tham gia vào du lịch bằng chính sản phẩm của làng, như chị Uyên Nie, người Mơ Nông, dâu của làng Ia Mơ Nông (Chư Păh, Gia Lai), kết nối để bà con có thể sống bằng việc bán sản phẩm nghề dệt, và chính công việc của họ, ai vào chụp hoặc quay phim bà con thì trả tiền mẫu...