Cứu sông ngòi ô nhiễm - cách nào?

Sông ngòi bị ô nhiễm nặng nề là thực trạng nhức nhối diễn ra từ nhiều năm qua trên cả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Dù đã có nhiều dự án cải tạo, cải thiện nguồn nước được triển khai, song, hầu hết các dự án đều chưa thật sự phát huy hiệu quả. Cách nào để các dòng chảy thật sự là nguồn sống trong lành cho môi trường và con người? Đó vẫn đang là câu hỏi lớn treo lơ lửng...
0:00 / 0:00
0:00
Sông Cầu đoạn chảy qua Bắc Ninh phải tiếp nhận nhiều nguồn nước thải chưa được xử lý từ các làng nghề. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Sông Cầu đoạn chảy qua Bắc Ninh phải tiếp nhận nhiều nguồn nước thải chưa được xử lý từ các làng nghề. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Kỳ 1: Khi dòng sông không... chảy

Sông ngòi, kênh rạch nghẽn dòng, sền sệt mầu đen và ngập rác thải... là hình ảnh có thể bắt gặp ở nhiều địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam… Dẫu cơ quan chức năng đã thực hiện các giải pháp, song vẫn chưa đủ để “chữa bệnh” cho những con sông đang hấp hối.

Lững lờ những “dòng đen”

“Lâu lắm rồi chưa được thấy một ngày sông thôi nặng mùi”, ông Lê Văn Việt, người dân ở phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) đã thốt lên như thế khi nói về Tô Lịch, con sông xưa kia từng đi vào thơ ca, nhạc họa. Trong các tài liệu địa chí, lịch sử đều viết rằng Tô Lịch là một tuyến sông quan trọng, là một cạnh của “tứ giác nước Thăng Long” bao quanh kinh đô Thăng Long xưa, vừa là nơi người dân đánh bắt cá, vừa là tuyến đường vận tải thủy. Vào thời cụ thân sinh ra bố ông Việt, người dân trong khu vực vẫn tắm táp, gánh nước về tưới cho những vườn rau húng xanh ngát. Giờ đây, Tô Lịch chẳng khác gì dòng sông chết, lúc nào cũng một mầu nước đen, dẫu ngày nắng hay ngày mưa.

Ở Hà Nội, sông Sét, Kim Ngưu, Nhuệ cũng có số phận tương tự. Đặc biệt, sông Nhuệ còn bị lấn chiếm, đổ phế thải, vật liệu xây dựng làm nghẽn đặc dòng nước. Ở địa phận tỉnh Hà Nam, sông Nhuệ cũng được “tiếp thêm” nguồn nước thải chưa được xử lý triệt để. Suốt nhiều năm, phóng viên đã làm việc với các cơ quan chức năng của huyện Thanh Oai, huyện Thanh Trì, nhưng chỉ nhận được những câu trả lời chung chung. Đến nay vẫn chưa có một phương án tối ưu khơi dòng Nhuệ Giang.

Sông Đáy đoạn chảy qua Hà Nội bắt nguồn từ xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ), qua một số quận, huyện của Hà Nội, chảy xuống Hà Nam, rồi thành ranh giới tự nhiên giữa Ninh Bình và Nam Định trước khi đổ ra Biển Đông tại cửa Đáy cũng chẳng khả quan hơn. Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam), nước sông Nhuệ và sông Đáy tại cống Nhật Tựu (huyện Kim Bảng) cho thấy nồng độ chất ô nhiễm amoni đều vượt ít nhất là 53 lần quy định, còn hàm lượng oxy hòa tan trong nước đều thấp hơn ít nhất 3,3 lần giới hạn cho phép.

Bắc Hưng Hải, công trình thủy lợi quan trọng, từng nổi tiếng một thời, đảm nhận việc tưới tiêu cho cả một vùng trồng hoa màu rộng lớn thuộc bốn địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương cũng đã bị “nhuộm mầu” đen kịt, ngập đầy rác thải.

Sông Cầu, Ngũ Huyện Khê trở thành nỗi nhức nhối của người dân ở Bắc Ninh mà bao năm không được “chữa trị” hiệu quả. Ở các địa phương khác, hệ thống sông ngòi, kênh rạch cũng đang oằn mình vì phải tiếp nhận nguồn nước ô nhiễm: sông Phó Đáy (Vĩnh Phúc), sông Trà Giang, sông Mã (Thanh Hóa), Kênh Ba Bò (Bình Dương), lưu vực sông Đồng Nai, kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên chảy qua nhiều quận của Thành phố Hồ Chí Minh…

Hệ thống sông ngòi, kênh rạch có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với đời sống con người, nhưng vì sao từng ngày, từng giờ bị đầu độc? Theo ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng báo động như hiện nay, trong đó, nước thải sinh hoạt hiện được xác định là nguồn gây ô nhiễm chính đối với các nguồn nước, đặc biệt là các lưu vực sông quan trọng. Đây là nguồn ô nhiễm lớn nhất và khó quản lý nhất. Đối với nước thải công nghiệp, mới kiểm soát và xử lý khoảng 89% lượng nước thải trong tổng số 280 khu công nghiệp; đối với các cụm công nghiệp, tỷ lệ này vẫn đang ở mức thấp (chỉ có khoảng 16,8% trong tổng số 698 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động). Một nguồn ô nhiễm khá nghiêm trọng bởi chứa nhiều hóa chất độc hại song lại hầu như chưa được xử lý là nước thải từ các làng nghề, được đổ trực tiếp ra hệ thống kênh rạch chung hoặc ra sông, tác động trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt và gây ô nhiễm không khí, làm giảm chất lượng sống của người dân nhiều địa phương có làng nghề.

Một thách thức lớn nữa, theo lãnh đạo Cục Quản lý Tài nguyên nước, đó là nước thải từ hoạt động chăn nuôi và trồng trọt. Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 3.308 trang trại trồng trọt, 12.349 trang trại chăn nuôi, 133 trang trại lâm nghiệp, 1.810 trang trại nuôi thủy sản, 2.060 trang trại tổng hợp. Lượng nước thải trong hoạt động chăn nuôi ước tính là 260,48 triệu m3 (tăng 4,5% so năm 2022). Đáng lo ngại, nước thải trồng trọt có chứa hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, là thành phần độc hại cho môi trường và sức khỏe con người. Ước tính mỗi năm có khoảng 70.000 kg và hơn 40.000 lít thuốc trừ sâu cùng khoảng 70.000 kg vỏ bao hóa chất không được xử lý xâm nhập vào môi trường, làm gia tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước.

Cùng với sự gia tăng các nguồn gây ô nhiễm, theo nhiều chuyên gia phân tích, biến đổi khí hậu và việc thiếu các công trình có chức năng điều tiết, tạo dòng chảy cho các con sông làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước sông gia tăng, khiến cho ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng. Thêm vào đó, việc người dân thiếu ý thức xả chất thải bừa bãi vào các kênh mương, sông ngòi làm tắc nghẽn dòng chảy, khiến cho việc tiêu thoát nước càng khó khăn hơn.

Cứu sông ngòi ô nhiễm - cách nào? ảnh 1

Đoạn sông Nhuệ chảy qua huyện Thanh Trì vừa ô nhiễm, vừa bị lấn chiếm. Ảnh HẢI MIÊN

Căn bệnh mạn tính và mục tiêu... trên giấy

Việc cải tạo, xử lý ô nhiễm các dòng sông, kênh rạch chưa bao giờ là dễ dàng. Nhiều con sông chỉ được “chẩn trị” một thời gian rồi bị bỏ rơi, lại có con sông càng được cải tạo thì càng ô nhiễm.

Có thể lấy câu chuyện của con sông Cầu là thí dụ. Ngày 28/7/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án Tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu” (gọi tắt là Đề án bảo vệ sông Cầu) với quan điểm giữ gìn chất lượng nước đi đôi bảo đảm đủ khối lượng nước, mục tiêu đến năm 2020 đưa “sông Cầu trở lại trong sạch”. Ngay sau đó, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu được thành lập để chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng, thống nhất thực hiện Đề án.

Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án bảo vệ sông Cầu tổ chức vào tháng 12/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngoài những kết quả đạt được, vẫn còn không ít vướng mắc, như: vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trên lưu vực sông Cầu vẫn diễn biến phức tạp; các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động vi phạm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm đối phó với các cơ quan chức năng; ý thức trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo các cấp chính quyền còn chưa cao, còn nặng ưu tiên phát triển kinh tế mà xem nhẹ các yêu cầu bảo vệ môi trường.

Cơ quan chức năng xác định, lưu vực sông Cầu có hơn 4.000 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh, cụm, khu công nghiệp, làng nghề, bệnh viện, riêng tỉnh Bắc Ninh có gần 1.000 nguồn thải và nước thải từ làng nghề là một trong những tác nhân chính gây suy giảm chất lượng môi trường nước mặt. Từ đó đến nay, nước mặt sông Cầu vẫn chưa được cải thiện, gây bức xúc cho người dân sinh sống tại Bắc Ninh. Ông Nguyễn Văn Lai, người dân làng nghề giấy Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) chia sẻ: “Có lúc, vì ô nhiễm, ngột ngạt, tôi ao ước thôi không giàu nữa!”. Nhiều người dân chung nỗi niềm, khi hằng ngày phải sống trong cảnh khói bụi và sông Ngũ Huyện Khê ô nhiễm trầm trọng.

Tại Hà Nội, nhiều năm qua, các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm hệ thống sông, hồ nội đô như kè bờ, thu gom một phần nước thải sinh hoạt, song, cũng chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Lý giải nguyên nhân, ông Ngô Thái Nam, Phó Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), cho biết:

Mỗi ngày, 90% của khoảng 400.000 m3 nước thải sinh hoạt và hơn 1.000 m3 rác thải không hề được xử lý, đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi. Trong khi đó, Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (xây dựng tại địa bàn huyện Thanh Trì) dự kiến bàn giao năm 2022, hiện vẫn chưa đi vào hoạt động. Bốn dự án khác tại Hà Đông, Sơn Tây, lưu vực tả sông Nhuệ và Yên Sở mới chỉ ở giai đoạn triển khai thủ tục đầu tư.

Cũng theo ông Ngô Thái Nam, nguồn lực đầu tư cho cải thiện môi trường sông ngòi trên địa bàn thành phố còn hạn chế. Theo quy hoạch chung của thành phố có xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn, bảo đảm xử lý toàn bộ 100% lượng nước thải. Tuy nhiên, ngân sách của thành phố chưa đáp ứng được, nên những mục tiêu, công trình hết sức thiết yếu với đời sống dân sinh đó vẫn chỉ tồn tại trên... giấy!

Trước vấn đề này, PGS, TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam lý giải thêm: Nguyên nhân chính là thiếu nguồn lực và sự quyết tâm của chính quyền địa phương. “Tôi xin nói rằng, nếu thành phố Hà Nội mà quyết tâm thì chắc chắn ít nhất sẽ cải tạo được sông Tô Lịch từ lâu rồi. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, phải thực hiện trước. Chúng ta có hệ thống di sản sông, nhưng đã không gìn giữ và bảo vệ tốt để di sản ấy phát huy giá trị”.

(Còn nữa)

Cứu sông ngòi ô nhiễm - cách nào? ảnh 2

Kênh Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm trầm trọng. Ảnh: THANH HÀ

Kỳ 2: "Cắt ngọn" hay "cải tạo gốc"?