Hành trình đến với “Đuôi rồng trắng”

Mỗi lần ra biển trong tôi không khỏi hồi hộp, rạo rực đợi chờ… Cái giây phút bước lên boong tàu đánh thức trong ta một cảm giác thật khác biệt, cảm giác của một người bước ra khỏi mặt đất đến với thế giới của sóng, gió và nước mênh mông. Tháng 4/1988, tôi ra Trường Sa háo hức trong tinh thần bảo vệ biển đảo quê hương trên mặt trận truyền thông với nhiệm vụ của một phóng viên ảnh. Lần này là đến với “Đuôi rồng trắng” - Bạch Long Vĩ trong thời bình yên rộng mở.
0:00 / 0:00
0:00
Ngọn hải đăng trên đảo. Ảnh: TIẾN DŨNG
Ngọn hải đăng trên đảo. Ảnh: TIẾN DŨNG

Ra Trường Sa là đến với đảo cực đông còn đi Bạch Long Vĩ là đến với đảo xa nhất Vịnh Bắc Bộ. Mỗi chuyến đi mang dấu ấn và cảm xúc thật riêng biệt…

Khởi hành

Bước chân lên boong tàu Hoa phượng đỏ, con tàu mang tên rất riêng của thành phố cảng Hải Phòng, chúng tôi được người bạn đồng nghiệp từ Đài Truyền hình thành phố nhắc nhở: Các anh chị có hai giờ tàu chạy trong sông, vịnh để chợp mắt dành sức cho hơn bốn giờ chịu sóng gió khi ra biển mở. Hôm nay gió đông nam cấp 3, 4 sóng sẽ lớn, khó chịu cho những ai chưa quen đi biển.

Tiếng còi tàu rúc lên mấy hồi báo hiệu tàu nhổ neo rời bến. Mấy anh em lục tục rủ nhau lên trên boong tàu tầng 2, hy vọng chụp được vài hình ảnh thành phố cảng hai bờ sông Cấm.

Đất cảng Hải Phòng sau mấy chục năm trở lại, với tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay, phát triển của thành phố. Các cảng nội địa đến quốc tế nối đuôi nhau, mở rộng nhộn nhịp lên nhiều. Những khu đô thị mới khoác lên bờ sông Cấm những tấm áo đa sắc thật vui mắt...

Hành trình đến với “Đuôi rồng trắng” ảnh 1
Dấu thời gian trên khu bảo tồn biển. Ảnh: VINH QUANG

Sau chừng hai giờ, con tàu bắt đầu lắc lư khi biển lớn mở ra trước mắt... Sóng vỗ thân tàu mạnh dần, có những khi giội thẳng vào khung cửa sổ, tung bọt trắng xóa. Qua kinh nghiệm chuyến ra Trường Sa, khi sóng lớn, tàu lắc và chòng chành nhiều càng nằm càng dễ say sóng, tôi quyết định lấy máy ảnh leo lên buồng lái, lờ mờ nhìn ra phía trước có bóng dáng của đảo. Hỏi các bạn lái tàu được biết đó chính là Bạch Long Vĩ .

“Đuôi rồng trắng” hiện lớn dần, giây phút mong chờ đến với Bạch Long Vĩ rồi cũng tới. Còi tàu rúc lên ba hồi báo hiệu chuẩn bị vào cảng. Mấy anh em trong đoàn nhao hết ra mũi tàu bấm máy liên tục ghi lại những hình ảnh, cảm nhận đầu tiên về Bạch Long Vĩ...

Hành trình đến với “Đuôi rồng trắng” ảnh 2
Âu tàu phía Đông Nam đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: VINH QUANG

Trải nghiệm nơi “Phù thủy châu”

Ngày đầu tiên, 4 giờ 30 phút sáng, mấy anh em lục tục hò nhau dậy ôm máy ghi hình lọ mọ ra biển đón bình minh. Khi ánh dương đã tràn không gian “Đuôi rồng trắng”, là lúc tôi chạm tới xóm chài, nơi cư ngụ của ngư dân và các gia đình làm dịch vụ phục vụ những nhu cầu của nghề cá trước âu tàu của đảo.

Dân đảo nơi đây thật cởi mở, thân thiện. Ông Lê Văn Ước,

65 tuổi, mở lòng: Theo lời kêu gọi đi xây dựng quê hương mới, gia đình ông cùng ba đứa con nhỏ từ Sầm Sơn, Thanh Hóa chuyển hẳn ra Bạch Long Vĩ từ 30 năm trước. Những ngày đầu khó khăn, thiếu thốn đủ đường thử thách gia đình nhỏ của ông. Giờ đây, cuộc sống trên đảo đã trở nên thân quen và dễ chịu hơn nhiều với đầy đủ điện, đường, trường, trạm. Con đường bê-tông chạy vòng quanh đảo đi qua trước cửa nhà được hoàn thành hơn chục năm nay giúp cho cuộc sống dân đảo được cải thiện. Mấy đứa con ông giờ đã lớn, chúng vào đất liền học hành, chuẩn bị cho cuộc sống tương lai trong đó. Ông bà vẫn bám đảo, cho tới lúc nào chân chậm mắt mờ mới tính trở về quê hưởng tuổi già…

Hành trình đến với “Đuôi rồng trắng” ảnh 3
Ông Lê Văn Ước chuẩn bị thuyền câu. Ảnh: TIẾN DŨNG

Chúng tôi có thêm những hình dung về cuộc sống nơi đảo xa qua tiếp xúc với lứa thanh niên xung phong đầu tiên ra đảo từ tháng 2/1993. Một số trong họ bám đảo từ ngày ấy nay đã trưởng thành, tham gia gánh vác công việc chung trong bộ máy quản lý, điều hành huyện đảo. Vũ Thị Ngân bồi hồi: Đảo ngày đó nguyên sơ, điều kiện sống thiếu thốn mọi bề, toàn đội bắt đầu cuộc sống từ việc cất lán trại, lương thực, thực phẩm trông vào sự cung cấp từ đất liền, lo từ việc trữ nước mưa để ăn uống, sinh hoạt tối thiểu. Điện khi đó như giấc mơ bất tận… Rồi mọi chuyện cũng qua đi theo thời gian, giờ đây, cô đang gánh vác trách nhiệm của người phụ trách công tác tuyên giáo của huyện đảo. Hạnh phúc từ một hành trình dài gian khó, gắn bó với mảnh đất này hiển hiện trên gương mặt của người nữ cán bộ trẻ.

Hành trình đến với “Đuôi rồng trắng” ảnh 4
Đồng chí Vũ Thị Ngân, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bạch Long Vĩ. Ảnh: VINH QUANG

Đến với Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Bạch Long Vĩ, qua sự hướng dẫn của Giám đốc Phạm Văn Toan, cũng là một thanh niên xung phong lứa đầu tiên ra đảo, tôi gặp những bạn trẻ tới thư viện đọc sách báo. Nhờ nỗ lực của chính quyền địa phương đầu tư cho hệ thống thư viện, hội trường, nhà thi đấu của Nhà văn hóa huyện..., nhu cầu văn hóa, thể thao của cư dân được đáp ứng ngày một tốt hơn .

Thắc mắc trong tôi, người dân nơi đây làm gì để yên tâm với cuộc sống trên đảo được giải tỏa khi tiếp xúc chuyện trò với họ. Anh bạn Đinh Như Thạnh, sinh năm 1979, có nước da bánh mật đặc trưng của dân biển từ Thủy Nguyên, Hải Phòng ra đảo vừa tròn 20 năm. Anh gọi với vào con thuyền cũ (cũng là nơi cả nhà anh cư ngụ), đặt trên con đường ven biển, ới vợ con ra giới thiệu với khách. Được hỏi, ở trên thuyền thế này liệu có thoải mái? Anh tự tin trả lời: Quen rồi bác ạ. Cháu còn có chiếc thuyền đánh cá đang neo dưới biển kia, thu nhập chính của cả nhà từ nó. Cá mú đánh bắt được bán ra mỗi tháng trung bình cũng được dăm ba chục triệu đồng. Trừ chi phí còn lại bao nhiêu, tôi hỏi, - đấy là đã trừ hết đầu vào rồi, Thạnh trả lời, rồi cười nói thêm, vậy mới tạm đủ lo cho cả nhà cùng mấy đứa nhỏ ăn học trong đất liền bác ạ. Mừng cho anh yên tâm bám đảo.

Hành trình đến với “Đuôi rồng trắng” ảnh 5
Anh Đinh Như Thạnh, dân xóm chài . Ảnh: VINH QUANG

Tôi cũng hiểu hơn khi gặp gỡ, chuyện trò với vợ chồng anh Vũ Tiến Xê và chị Đồng Kim Lan trong đội thanh niên xung phong ngày đầu tiên ấy. Họ có được tình yêu và hạnh phúc từ trong sẻ chia những ngày gian khó, còn giờ đây tiếp tục chung tay gánh vác doanh nghiệp gia đình sản xuất nước uống tinh khiết phục vụ bà con trên đảo.

Ngày cuối cùng trên “Đuôi rồng trắng” chúng tôi mê mẩn trên khu bảo tồn biển của đảo với những rãnh đá được nước biển bao năm tỉa tót tạo hình. Những vân đá, gam màu trầm ấm của thời gian, như nham thạch từ núi lửa hút hồn đám cầm máy chúng tôi. Xa xa nơi mớn nước, mấy bạn trẻ từ Ban quản lý Khu bảo tồn biển đang lúi húi đong đo kiểm tra chất lượng nước biển sau đó nhao ra ngoài xa lặn ngụp quay chụp những gì đang diễn biến dưới nước.

Hành trình đến với “Đuôi rồng trắng” ảnh 6
Buổi sáng trên xóm chài. Ảnh: VINH QUANG

Được biết, rạn san hô ở đây được xếp loại đẹp nhất trong Vịnh Bắc Bộ cùng với 28 loài động, thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam đang cần được bảo vệ nghiêm ngặt để bảo tồn, phát triển. Đề tài cấp thành phố, nghiên cứu quá trình sinh sản và nhân giống ốc đụn cái do anh Đào Minh Đông (chủ nhiệm đề tài nay là Chủ tịch huyện) làm chủ nhiệm đã có những kết quả tích cực. Giờ đây, nhiệm vụ thường xuyên của Trung tâm bảo tồn biển Bạch Long Vĩ là sản xuất giống ốc đụn. Việc nhân giống san hô, bào ngư đã được đăng ký sở hữu trí tuệ đang chuẩn bị triển khai trong vài tháng tới.

Hành trình đến với “Đuôi rồng trắng” ảnh 7
Vợ chồng ông bà Xê-Lan với công việc hằng ngày. Ảnh: TIẾN DŨNG

Chiều vàng cuối ngày dẫn chúng tôi lên ngọn Hải đăng Bạch Long Vĩ. Câu chuyện đời của Trạm trưởng Phạm Trọng Đồng làm chúng tôi say sưa hơn khi từ điểm cao nhất của ngọn đèn ngắm nhìn toàn cảnh “Phù thủy châu”… Miên man hình dung về tương lai của mảnh đất nơi biển xa này, tôi nhớ tới những điều chia sẻ của Bí thư Huyện ủy Bùi Trung Tiến: Huyện đang lên kế hoạch xây dựng một hồ trữ nước ngọt cho đảo, kết hợp với việc xây công viên ven hồ trở thành trung tâm văn hóa cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân đảo. Ông cũng mơ đến một ngày, khi phương tiện đi lại kết nối với đất liền và hạ tầng của đảo phát triển, Bạch Long Vĩ có thể đón khách du lịch muôn phương đến khám phá mảnh đất “Phù thủy châu” này.

Hành trình đến với “Đuôi rồng trắng” ảnh 8

Chợ cá trên biển. Ảnh: TIẾN DŨNG

Ngày hôm sau, chúng tôi chia tay “Đuôi rồng trắng”. Sáng sớm, con tàu Hoa Phượng đỏ lại rúc lên những hồi còi quen thuộc rời cảng, để lại những cuộn sóng trắng xóa sau lưng.

Hình ảnh “Phù thủy châu” mờ xa dần, nhưng những gì chúng tôi lưu giữ được trong tâm trí còn mãi lung linh, rõ nét…

Tháng 8/2024.

Đảo Bạch Long Vĩ - đơn vị hành chính cấp huyện thuộc thành phố Hải Phòng được thành lập năm 1992. Tên của đảo theo từ Hán-Việt có nghĩa là “Đuôi rồng trắng”. Bạch Long Vĩ trước đây còn được gọi với những tên “Vô thủy” (không có nước), “Hải bào” vì có bào ngư là đặc sản nơi đây, hay “Phù thủy châu” (Viên ngọc nổi trên mặt nước). Trên bản đồ thế giới thế kỷ 19, Bạch Long Vĩ có tên Nachtigal (tiếng Đức) hay Nightingale (tiếng Anh, hoặc tiếng Pháp) dịch ra tiếng Việt là “Chim dạ oanh”.

Hành trình đến với “Đuôi rồng trắng” ảnh 9

Ông PHẠM VĂN TOAN, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Bạch Long Vĩ.