Cứu sông ngòi ô nhiễm - cách nào? (*)

Kỳ 3: Từ phương thức, nguồn lực đến mô hình

Nhiều văn bản pháp luật quan trọng xác định khung khổ pháp lý cũng như định chế bảo vệ tài nguyên nước nói chung và các dòng sông nói riêng đã được ban hành trong những năm gần đây. Dẫu vậy, để có thể tạo nên những tác động thật sự tích cực, hồi sinh những dòng sông đang "chết mòn", theo nhiều chuyên gia, cần nâng cao trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng, đồng thời tập trung xây dựng các mô hình cộng đồng bảo vệ sông ngòi.
0:00 / 0:00
0:00
Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè - một dự án hồi sinh dòng chảy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: QUỲNH TRẦN
Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè - một dự án hồi sinh dòng chảy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: QUỲNH TRẦN

Dấu mốc quan trọng trong quản lý tài nguyên nước

Ngày 27/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1622/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tài nguyên nước). Đây là quy hoạch mang tính tổng thể để triển khai các quy định pháp luật về tài nguyên và được xem là văn bản quan trọng, đánh dấu lần đầu có quy hoạch tài nguyên nước trên phạm vi cả nước.

Quy hoạch tài nguyên nước và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh cũng đưa ra các mục tiêu, giải pháp về pháp luật, chính sách; giải pháp về tài chính, đầu tư; giải pháp về khoa học-công nghệ và hợp tác quốc tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo, tăng cường năng lực; tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch. Đó là những căn cứ rất quan trọng để triển khai các giải pháp cải thiện môi trường nước cho các dòng sông.

Quy hoạch còn hướng đến kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả nước thải từ các cơ sở sản xuất, khu đô thị, khu dân cư tập trung để bảo vệ chức năng nguồn nước; điều hòa, phân phối tài nguyên nước bảo đảm duy trì dòng chảy cho các dòng sông; tăng cường bảo vệ các nguồn nước có chức năng cấp nước cho sinh hoạt, các nguồn nước có đa dạng sinh học cao, nguồn nước gắn liền với giá trị văn hóa, lịch sử và phát triển du lịch.

Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tám quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, trong năm 2024 sẽ trình Chính phủ năm quy hoạch còn lại. Như vậy, ngoài Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, sẽ có 13 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, qua đó, cụ thể hóa các giải pháp bảo vệ an ninh nguồn nước.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 161/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch đưa ra các bước rất cụ thể, như: Lập, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; lập, rà soát các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có khai thác, sử dụng nước; rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng thể chế, chính sách; xây dựng và vận hành hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước và giám sát tài nguyên nước quốc gia; điều hòa, phân phối, phát triển tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nước; chương trình an toàn đập, hồ chứa nước…

Chuyên nghiệp hóa hoạt động quản trị sông ngòi

Thực tế cho thấy, có chính sách, quy hoạch mà việc thực thi không bảo đảm quyết liệt, thực chất thì sẽ không đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung nhiều quy định, chính sách, như quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Cụ thể tại Điều 34 của Luật quy định rõ việc phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và nguồn kinh phí cho hoạt động này. Đồng thời, tại Điều 74 của Luật quy định hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm là hoạt động được Nhà nước khuyến khích xã hội hóa.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Môi trường, Quy hoạch tài nguyên nước đặt mục tiêu giai đoạn 2025-2030, khoảng 30% nước thải đô thị từ loại II trở lên được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường. "Trách nhiệm này không chỉ Bộ Tài nguyên và Môi trường mà của tất cả bộ, ngành, rồi đến các địa phương có khai thác, sử dụng tài nguyên nước", ông Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm thực hiện việc cải thiện, phục hồi các dòng sông đã được quy định rất rõ: Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp bộ, ngành, địa phương lập, phê duyệt danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

PGS, TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, kiến nghị, việc phân công rõ người, rõ trách nhiệm sẽ bảo đảm việc cụ thể hóa công việc. Cũng từ đó các cơ quan sẽ phân bổ ngân sách nhà nước, thu hút nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho việc thu gom, xử lý nước thải, rác thải và nâng cấp, xây dựng các công trình nhằm điều tiết, duy trì dòng chảy cho các con sông.

Qua nhiều năm nghiên cứu đa dạng sinh học, môi trường, GS, TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đặt vấn đề: "Mặc dù chúng ta có rất đầy đủ các quy định pháp luật để bảo vệ các dòng sông và trong thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên, các giải pháp đưa ra vẫn chưa đủ để tạo ra hiệu quả rõ rệt. Bởi thế, chúng ta cần rà soát lại xem chính sách cũng như phương pháp thực hiện đã thật sự ổn chưa". Ông Đặng Huy Huỳnh nhìn nhận: Những năm qua, từ việc thực thi, kiểm tra, giám sát đến vấn đề quản trị sông ngòi của chúng ta chưa đi vào thực chất, còn hiện tượng hình thức, nửa vời. Chuyện ô nhiễm các dòng sông, kênh rạch đều mang tính lưu vực, liên vùng, liên tỉnh, do vậy, cần có một tổ chức tham mưu và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết các nguyên nhân gây ô nhiễm.

Kỳ 3: Từ phương thức, nguồn lực đến mô hình ảnh 1
Sau khi được phục hồi, suối Cheonggyecheon trở thành điểm tham quan nổi tiếng của Hàn Quốc. Nguồn: VIETLAND TRAVEL

Xác lập phương thức và mô hình mới

Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định về mô hình các ủy ban lưu vực sông. Đây là tổ chức rất quan trọng trong việc tham gia các hoạt động điều phối, giám sát liên quan tài nguyên nước trên phạm vi lưu vực. Theo nhiều chuyên gia, những năm qua đã hình thành một số tổ chức, như Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-Đáy,… tuy nhiên, hoạt động của các đơn vị này chưa đạt hiệu quả cao bởi thiếu ràng buộc, sự phối hợp giữa các địa phương còn chưa chặt chẽ. Do vậy, khi thành lập các mô hình mới, cần quy định các phương thức hoạt động sao cho hiệu quả hơn.

GS, TSKH Phạm Ngọc Đăng, chuyên gia môi trường cho biết thêm: Nhà nước nên tăng vai trò, song cũng tăng trách nhiệm cho các ủy ban lưu vực sông (khi được thành lập). Nếu làm không tốt, các ủy ban phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Ngoài ra, chúng ta cần học tập các quốc gia trên thế giới là cải thiện các dòng sông để trả lại đặc tính tự nhiên vốn có, đồng thời, tạo cảnh quan để dành cho các hoạt động vui chơi, thể thao, du lịch, dịch vụ thương mại… của nhân dân.

Nhiều chuyên gia liên hệ tới các quốc gia như Hà Lan, Pháp, Nga, Thái Lan, Hàn Quốc… rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ sông ngòi. Trong đó một điển hình là Dự án phục hồi suối Cheonggyecheon của Hàn Quốc. Đây là một trong những dự án khôi phục và chỉnh trang bộ mặt đô thị lớn nhất lịch sử Hàn Quốc cho thành phố Seoul. Dự án đã thực hiện tổng thể nhiều giải pháp để mở rộng khu vực bờ suối theo hướng "trả về tự nhiên". Nơi đây nhanh chóng trở thành không gian ngập bóng cây xanh cho người dân thư giãn, thu hút hàng trăm triệu khách du lịch ghé thăm kể từ ngày mở cửa.

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam có thể nghiên cứu, chọn lựa áp dụng giải pháp của các quốc gia trên thế giới để cải thiện ô nhiễm sông ngòi. Đặc biệt, có thể xây dựng mô hình lồng ghép công tác bảo vệ sông ngòi vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa tiêu chí chống ô nhiễm sông ngòi vào xét điểm, hoặc đưa tiêu chí môi trường sông ngòi vào việc xét duyệt nông thôn mới, xét duyệt mức độ hoàn thành nhiệm vụ ở các cấp xã, phường, quận, huyện.

(*) Xem Nhân Dân cuối tuần từ số 28, xuất bản ngày 14/7/2024.