Nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc:

Tìm đường đi riêng trong nhiếp ảnh

Với dự án "Chloris" mới được ra mắt công chúng trong nước, Phạm Tuấn Ngọc thuộc số ít tay máy Việt bỏ qua khâu chụp ảnh thông thường, tiến thẳng tới việc tạo ra hình ảnh bằng cách dùng đạo cụ thật (ở đây là hoa, cành hoa) hấp thụ ánh nắng để in trên giấy bạc. Anh là một trong tám nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam được mời tham gia sự kiện Photo Hanoi ’23 (từ ngày 21/4 đến 3/6). Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh.
0:00 / 0:00
0:00
Khách thăm triển lãm Chloris của Phạm Tuấn Ngọc. Ảnh: NVCC
Khách thăm triển lãm Chloris của Phạm Tuấn Ngọc. Ảnh: NVCC

Tác phẩm ảnh độc bản-tại sao không?

- Anh có thể chia sẻ về ý tưởng của mình để hình thành nên các bức ảnh không trải qua kỹ thuật chụp và in tráng thông thường?

- Tôi tập trung vào thử nghiệm với các chất liệu nhạy sáng của nhiếp ảnh thủ công. Bộ "Chloris" ra đời xuất phát từ thí nghiệm in nắng (lumen) trên giấy ảnh đen trắng với hoa, tức là sử dụng ánh nắng, nhiệt độ, độ ẩm để những cánh hoa tự in hình hài trên nền giấy ảnh phủ bạc… Sau đó, tôi tiếp tục phát triển ý tưởng đó ở góc độ tạo hình và dần hoàn thiện kỹ thuật, để thành một bộ tác phẩm.

Với tôi, thế giới các chất liệu nhạy sáng là vô cùng phong phú và kỳ diệu, lại chưa có nhiều người khám phá. Càng đi sâu nghiên cứu, sẽ càng thấy nhiều ý tưởng sáng tác nhờ những hiệu ứng thị giác hết sức độc đáo từ kỹ thuật này.

- Phải chăng, anh còn muốn chứng minh, nhiếp ảnh không chỉ làm nhiệm vụ ghi chép hiện thực?

- Theo tôi, nhiếp ảnh không chỉ làm nhiệm vụ ghi chép lịch sử và tái tạo hiện thực. Cao hơn thế, nhiếp ảnh còn là phương tiện để một nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm thị giác mang thông điệp và quan niệm thẩm mỹ giàu tính cá nhân. Tôi tìm hiểu sâu về kỹ thuật, kết hợp với cảm xúc và ý tưởng tạo hình của bản thân, từ đó cố gắng tạo ra một thứ gì đó mới, đẹp đẽ, rồi triển lãm để chia sẻ với đồng nghiệp và công chúng quan tâm.

Nếu nói về một hướng chung cho nhiếp ảnh của bản thân, dự án "Chloris" giúp tôi đi thêm một bước nữa trên con đường khám phá sự song hành của kỹ thuật, công nghệ và nghệ thuật. Tôi hướng đến triết lý làm chủ và cân bằng kỹ thuật, chất liệu và các yếu tố tự nhiên để tạo ra các tác phẩm ảnh với chất liệu nhạy sáng.

- Được biết, trong khuôn khổ của Photo Hanoi ‘23, anh và cộng sự tại Noirfoto (TP Hồ Chí Minh) mang đến một không gian trưng bày bao gồm cả nhiếp ảnh thủ công và nhiếp ảnh nghệ thuật. Trưng bày này có gì đặc biệt so với "Chloris"?

- Bộ ảnh cá nhân của tôi có tên gọi "Eternal Flow", in cyanotype trên lụa Việt Nam, thể hiện các hình thái khác nhau của nước, để kể câu chuyện về nguyên tố cơ bản, cổ xưa và quan trọng nhất của Trái đất, đồng thời cũng là câu chuyện của tình yêu.

Phần còn lại là trưng bày hai bộ ảnh của Noirfoto quy tụ một số tên tuổi nhiếp ảnh trong và ngoài nước, đánh dấu bước trưởng thành của Noirfoto trên hành trình đưa nhiếp ảnh thủ công, nhiếp ảnh nghệ thuật đến với công chúng yêu mến bộ môn nghệ thuật này. Thật khó để diễn tả bằng lời về những điều đặc biệt từ ba bộ ảnh trong trưng bày của chúng tôi. Nhưng tôi hy vọng, chúng tôi có thể đưa người xem đi qua những khoảnh khắc, có khi xung đột, đối lập, có khi giao hòa, giữa con người và thiên nhiên, đồng thời nhận biết sâu sắc hơn sự khác biệt giữa tác phẩm ảnh từ kỹ thuật thủ công và ảnh nhờ công nghệ.

- Kỹ thuật thủ công phức tạp trong chế tác, đặc biệt như ở dự án "Chloris"- ảnh mà không chụp ảnh, sẽ khiến sáng tác của anh dễ trở thành độc bản, khác hoàn toàn với bản chất của nhiếp ảnh là có nhiều phiên bản, thậm chí không giới hạn số lượng. Vậy có thể có sự mất cân bằng giữa chi phí đầu tư và thù lao nhận lại được từ việc bán tác phẩm của anh, anh giải quyết vấn đề này thế nào?

- Chất lượng, giá trị nghệ thuật của tác phẩm mới là yếu tố chính. Một số tác phẩm của tôi, do bản chất chất liệu mà trở nên độc bản. Điều đó cũng thú vị ở khía cạnh kỹ thuật.

Về thị trường của nhiếp ảnh như là tác phẩm nghệ thuật đã có chỗ đứng từ hơn 100 năm nay trên thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn còn quá mới mẻ, số lượng công chúng khá hạn chế. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi rất nhanh theo chiều hướng tích cực. Ngay trong năm nay, các tác phẩm của tôi và Noirfoto cũng sẽ bắt đầu được giới thiệu ra các nước khác.

Tìm đường đi riêng trong nhiếp ảnh ảnh 1
Nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc

Sáng tạo nghệ thuật không phải để kiếm sống

- Những tiêu chí để định vị cá nhân trong cộng đồng nghề nghiệp và công chúng thường là giải thưởng trong và ngoài nước, mức độ phổ biến trên truyền thông chính thống và mạng xã hội, trị giá tác phẩm và sức mua trên thị trường… Về khía cạnh này, anh ít nhiều cũng có quan tâm chứ?

- Tôi luôn cố gắng làm tốt nhất có thể, để dần tiệm cận kết quả mà bản thân mong muốn và hướng tới. Được công nhận, nếu có thì cũng rất vui, nhưng không phải là mục tiêu của cá nhân tôi. Ngoài ra, nói chung tôi không tìm kiếm giá trị của bản thân dựa trên sự đánh giá của người khác, nhất là ở Việt Nam, khi lĩnh vực này còn mới, còn rất ít người thực hành.

- Vậy thu nhập của anh từ ảnh và công việc với nhiếp ảnh thế nào?

- Để có được sự thảnh thơi về tài chính từ nghề mà mình làm thì chưa, nhưng tôi tin là sẽ và sắp. Còn nếu sống tốt là làm việc mình thích và thích những thứ mình làm ra, và qua công việc, cảm thấy cuộc sống này đáng sống, thì tôi sống tốt. Thêm vào đó, tôi không biết có ai trở thành nghệ sĩ để kiếm sống cả! (cười).

- Anh du học ở châu Âu về thương mại nhưng lại quay về nước và làm nghệ sĩ, có gì đó thật khác thông lệ ở thế hệ của anh?

- Tôi đã luôn yêu thích vẻ đẹp của nhiếp ảnh từ những ngày còn thơ bé. Đặc biệt, từ khi du học ở Thụy Điển, tôi bắt đầu được trải nghiệm chụp, tráng phim đen trắng và rọi ảnh trong phòng tối. Lúc đó, tôi nhận ra ảnh đen trắng rất phù hợp bản thân. Từ đó tôi chụp nhiều hơn và tìm hiểu kỹ hơn về chất liệu này. Với tôi, ảnh đen trắng tuy giản dị nhưng cuốn hút, kinh điển, sang trọng và trường tồn với thời gian. Nó cũng giúp truyền tải cảm xúc mạnh mẽ và sâu đậm hơn.

Học xong thì tôi về nước thôi, không có gì bất thường cả. Nhưng càng lúc, tôi càng chỉ muốn làm những công việc phù hợp với bản thân. Tôi quyết định đi theo nhiếp ảnh. Hiện tại ở trong nước, có rất nhiều chất liệu cho sáng tác cũng như cơ hội quảng bá công việc của mình, khiến tôi rất hài lòng. Thêm nữa, tôi chứng kiến ngày càng có nhiều người nước ngoài và người gốc Việt về nước tìm kiếm cơ hội làm việc, vậy là tôi đã về đúng chỗ của mình rồi.

- Anh nhận thấy điểm khác biệt giữa đời sống nhiếp ảnh trong nước và thế giới là gì?

- Việt Nam có nhiều tay máy giỏi. Về kỹ thuật, trình độ thẩm mỹ… họ không hề thua kém các tay máy quốc tế. Nhưng nếu tính số lượng các tay máy trên tỷ lệ dân số, điều kiện xã hội khác thì Việt Nam còn thua kém nhiều nước. Đặc biệt, về khâu truyền thông, các sự kiện trong nước chưa đầu tư nhiều nên tầm ảnh hưởng chưa rộng rãi. Nhưng tôi tin là từ các sự kiện, như Photo Hanoi, có sự phối hợp chỉ đạo từ phía chính quyền và các tổ chức quốc tế, sẽ tạo động lực để anh em sáng tác và tạo cơ hội, điều kiện cho công chúng biết tới và hiểu hơn về nhiếp ảnh đương đại.

- Xin cảm ơn anh!

Nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc tốt nghiệp thạc sĩ ngành Thương mại điện tử tại Thụy Điển năm 2008. Năm 2017, anh sáng lập Noirfoto (TP Hồ Chí Minh), một không gian nhiếp ảnh được trang bị chuyên nghiệp tại Việt Nam với gallery, phòng tối và studio. Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, thường xuyên có các khóa đào tạo về nhiếp ảnh thủ công. Trước dự án Chloris, anh có triển lãm cá nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh: Paris 9, năm 2019.