Bảo hộ nông sản xuất khẩu:

Làm ngay khi có thể

Đời sống sung túc lên từ cây vải thiều, nhưng có lẽ vụ thu hoạch năm nay là dấu ấn đậm nét nhất đối với gia đình ông Trần Văn Lân (xã Nam Dương, Lục Ngạn, Bắc Giang) cũng như nhiều bà con trồng vải. Khi những chùm quả bắt đầu trĩu cành, hứa hẹn một mùa bội thu, cũng là lúc tin chính thức vải thiều Bắc Giang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản loan về. Bao nhiêu công sức, tiền của, tâm huyết của cả guồng máy chạy đua với thời gian.

Vải thiều Bắc Giang được sơ chế trước khi đóng gói xuất khẩu. Ảnh | An Nhiên
Vải thiều Bắc Giang được sơ chế trước khi đóng gói xuất khẩu. Ảnh | An Nhiên

Là người trong cuộc, người dân thấm thía một điều, có thương hiệu, quả vải của họ được giá hơn. Việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm của họ giờ đã trở thành vấn đề sống còn.

Bền bỉ để nông sản được định danh

Ông Lân có 650 gốc vải thiều  áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP, thời gian đầu ông hoang mang, bởi nó quá khác so với thói quen hơn 20 năm trồng vải của ông. Việc chăm sóc đòi hỏi kỹ lưỡng, mất công sức, và khác nhiều so với cách truyền thống, cho nên ông lo lắm. Nhưng rồi chất lượng, sản lượng của quả vải thu về cao hơn hẳn, khiến ông khấp khởi mừng. Sau nhiều nỗ lực vào cuộc của cả guồng máy, kỹ sư khuyến nông luôn theo sát, đồng hành sẵn sàng hỗ trợ, chính quyền quan tâm tạo mọi điều kiện, quả vải đặc sản quê ông đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Và kể từ mùa vải này, toàn bộ vườn vải đã được bao tiêu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

 Bốn năm ròng rã, có những thời điểm, việc xây dựng bổ sung để hoàn thiện hồ sơ tưởng chừng rơi vào ngõ cụt khi phía Việt Nam không cung cấp được những thông số của sản phẩm mà Nhật Bản yêu cầu. Nhà khoa học tìm kiếm các dữ liệu nghiên cứu để đưa ra các con số cụ thể, chi tiết để chứng minh tính ưu việt và đặc trưng của sản phẩm. Giữa lúc cuộc chiến pháp lý để định danh thương hiệu đang vào thời điểm cam go thì trên nhiều tuyến phố của Thủ đô xuất hiện các trào lưu giải cứu vải thiều Lục Ngạn với giá bán thậm chí còn thấp hơn so với giá bà con bán cho doanh nghiệp thu mua tại vườn!

Anh Lê Đức Cương, một doanh nhân quê Lục Ngạn mấy năm qua gắn bó với con đường nông sản sạch đã bày tỏ bức xúc khi đề cập đến vấn nạn “giải cứu”  mỗi mùa vụ thu hoạch. “Bắc Giang không cần giải cứu, Bắc Giang cần hỗ trợ các kênh tiêu thụ”. Giải cứu chính là làm hỏng giá trị thương hiệu của vải Bắc Giang... Ý kiến của anh bày tỏ trên trang cá nhân tuy có phần gay gắt nhưng đã nhận được hàng trăm lượt tương tác bày tỏ sự đồng tình.

Chứng kiến nỗ lực của người dân trồng vải để khẳng định thương hiệu, mới thấy tác hại của sự nhiệt tình không đúng cách của kênh tiêu thụ kiểu “giải cứu”. Nhận thức người dân còn hạn hẹp, cứ nghĩ rằng tiêu thụ được cho bà con là tốt, không tính chuyện đường dài. Nhưng như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ khi nói về câu chuyện quả vải: Không nên dùng từ “giải cứu” bởi nó hạ thấp giá trị kinh tế của nông sản và làm thương tổn người nông dân.  Anh Cương trăn trở: Lâu nay vẫn hô hào “liên kết bốn nhà” nhưng nói mãi vẫn cứ chuội đi. Tôi coi đó là hướng đi hiệu quả nhất bởi mối liên kết này hình thành nên chuỗi giá trị hàng hóa nông sản an toàn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của những thị trường khó tính. Các hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã... nên phát huy hơn nữa vai trò của mình để tăng cường khả năng bảo vệ, hỗ trợ lẫn nhau và bảo vệ quyền lợi cho hội viên.

Bà Bùi Thảo Lê, người nhiều năm đóng vai trò tư vấn cho dự án về chỉ dẫn địa lý nông sản nhiều địa phương trên khắp cả nước, bày tỏ sự tiếc nuối: Thời điểm năm 2019, trong các chuyến khảo sát, tôi nhận thấy một số chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã và đang dần bị mất đi, thí dụ như gạo Đồng Văn, muối Sa Huỳnh, mạch nha Đức Phổ... Nguyên nhân thì nhiều, do tác động của điều kiện tự nhiên, do yếu tố con người như cơ chế quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, cơ sở hạ tầng khoa học - kỹ thuật, rồi cơ chế đăng ký bảo hộ... Thói quen người Việt chú trọng sản lượng trong khi khách hàng ngày càng có xu hướng tìm đến những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đạt được những tiêu chí rõ ràng, định lượng được, chứ không chỉ đánh giá dựa trên niềm tin của người tiêu dùng. 

Thị trường thay đổi, buộc  người nông dân ý thức hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Các chương trình hỗ trợ phát triển SHTT hoạt động khá sôi nổi và hiệu quả, giúp người dân các địa phương rất nhiều trong việc nâng cao kỹ năng tự xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Hiện nay, chúng ta đã có khoảng 2.000 nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu tự chứng nhận cho các sản phẩm nông sản đặc thù.

Từ nhận thức đến hành động

Bảo hộ quyền SHTT thông qua nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã đi qua chặng đường dài và trải qua nhiều khó khăn. Kể từ sản phẩm đầu tiên được đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là nước mắm Phú Quốc, đến nay số lượng sản phẩm đã  xấp xỉ 80. Có kinh nghiệm từ quả vải thiều Bắc Giang, thanh long Bình Thuận bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, cùng với cà-phê Buôn Ma Thuột ở Nga, Thái Lan, chè Thái Nguyên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể ở Mỹ, Trung Quốc... thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, nhà khoa học để tiếp tục tăng hơn nữa các mặt hàng nông sản được bảo hộ.

Doanh nghiệp Việt Nam từng nhiều lần phải đối mặt với thử thách khi vươn ra thị trường thế giới. Những bài học nhãn tiền về việc bị mất nhãn hiệu, thương hiệu ở nước ngoài không không còn là chuyện quá hiếm, mà gần đây nhất câu chuyện gạo ST 25 bị bốn doanh nghiệp nước ngoài đăng ký SHTT ở Mỹ một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Đăng ký quyền bảo hộ ở nước ngoài khó khăn một, thì công cuộc đòi lại nhãn hiệu, thương hiệu gian nan gấp nhiều lần,  chưa kể còn tốn kém thời gian, tiền bạc và cũng không ai dám chắc bên nào sẽ thắng trong cuộc chiến pháp lý.

Cùng với các mặt hàng nông sản xuất khẩu ngày càng tăng về số lượng và giá trị, các doanh nghiệp có ý thức hơn về xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Bằng chứng là số lượng hồ sơ chủ động xin bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa có xu hướng tăng lên. Số liệu từ Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) năm ngoái, mặc dù cả thế giới bị lao đao vì đại dịch Covid-19, số lượng đơn đăng ký cũng như chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý đạt mức cao nhất từ trước đến nay: tiếp nhận 22 hồ sơ và cấp chứng nhận 21 hồ sơ.  Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam ý thức hơn vấn đề về quyền SHTT, nhất là về sự cần thiết có một chiến lược cụ thể, lâu dài, cũng như về cách xây dựng chiến lược này.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết: Bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã mang lại nhiều lợi ích cho nông sản Việt Nam. Thực tế cho thấy sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giá trị và uy tín của nhiều nông sản gia tăng đáng kể. Chẳng hạn mật ong bạc hà Mèo Vạc đã tăng giá gần gấp đôi sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bưởi Phúc Trạch tăng từ 30-35%, cam Vinh tăng hơn 50%. Với nông sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài như vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận, nước mắm Phú Quốc... và được xuất khẩu sang các thị trường nổi tiếng khó tính và có yêu cầu cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Australia... giá trị và uy tín nhận lại là không thể đo đếm được.

Từ thực tế lăn lộn nhiều năm tư vấn cho bà con trong giải quyết các thủ tục pháp lý, luật sư Bùi Thảo Lê cho rằng, muốn tạo ra đột phá trong xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản xuất khẩu, một trong những điểm mấu chốt là các cơ quan chức năng nên lập bộ phận chuyên trách hỗ trợ các doanh nghiệp. Việt Nam vốn có lợi thế về nông sản. Tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Chính vì thế, tình trạng bị xâm phạm quyền SHTT đã từng xảy ra là điều rất đáng tiếc. Các doanh nghiệp nên tính đến phương án bảo vệ doanh nghiệp mình bằng việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT càng sớm càng tốt.

Theo số liệu thống kê từ Cục SHTT, tính đến nay các nhãn hiệu đăng ký nội địa khoảng 50.000 đơn/năm nhưng chỉ có khoảng 280 đơn yêu cầu đăng ký quốc tế. Đặc biệt, tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam đã bảo hộ 94 chỉ dẫn địa lý trong đó có 88 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và sáu chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực khiến cho 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam hưởng lợi khi được chính thức bảo hộ và hưởng các ưu đãi thuế quan trọng xuất khẩu tại EU.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát tốt, chuỗi cung ứng hàng hóa trên thế giới bị đứt gãy, giao thương quốc tế hạn chế, đây là khoảng lặng cần thiết cho các doanh nghiệp. Nhìn lại chiến lược kinh doanh, bổ sung, hoàn thiện các thủ tục pháp lý tại các thị trường nước ngoài, trong đó có việc bảo đảm quyền SHTT của mình một cách đầy đủ, kín kẽ hơn, để doanh nghiệp vững vàng, tự tin đón đầu khi thời cơ đến.