Tiến sĩ Nguyễn Mai Hương, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: Xây dựng đồng bộ hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, và cũng đã phê duyệt Đề án triển khai, ứng dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Quyết định 100/QĐ-TTg năm 2019) nhằm mục đích hướng tới xây dựng đồng bộ Hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia - một trong các ưu tiên.
Một số hạn chế hiện nay trong triển khai xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc: Thiếu dữ liệu tiêu chuẩn hóa và các công cụ trao đổi dữ liệu là thách thức lớn đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam, khi mà hệ thống này phức tạp vì có rất nhiều dữ liệu được thu thập, dữ liệu không đồng nhất theo một kiểu, sự đa dạng trong dữ liệu chia sẻ giữa các bộ phận trong các doanh nghiệp hay giữa các đối tượng tham gia trong chuỗi. Ngoài ra, các kỹ thuật, công nghệ áp dụng truy xuất nguồn gốc cũng không theo chuẩn mực chung, nên thiếu tương tác giữa các hệ thống truy xuất nguồn gốc đang được triển khai, gây khó khăn cho việc tích hợp thông tin trên một cơ sở chung.
Muốn thúc đẩy việc áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản, Nhà nước cần tập trung vào một số ưu tiên sau:
Thứ nhất, có những chính sách hỗ trợ, thí điểm đối với hệ thống truy xuất của các chuỗi nông sản thực phẩm an toàn.
Thứ hai, tập trung xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc chung cho các sản phẩm nông sản chính như gạo, cà-phê, tiêu, trà, tôm, nước mắm, một số loại quả (cam, táo, thanh long...), trong đó rất cần có sự đầu tư hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ trong phát triển các phần mềm, và các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đồng bộ hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi. Từ đó hình thành mạng lưới thu thập thông tin, chia sẻ dữ liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu cho các sản phẩm nông nghiệp.
Thứ ba, thúc đẩy công tác tiêu chuẩn hóa gắn với xác thực nguồn gốc. Xác thực nguồn gốc là vấn đề quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm, bao gồm việc xác thực thành phần nguyên liệu, nguồn gốc địa lý, quy trình sản xuất.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm tương thích với pháp luật, với các nước và các tổ chức trên thế giới.
Từ trái qua phải: Tiến sĩ Nguyễn Mai Hương, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang; Ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia; Ông Trần Chinh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp Phước Lộc Thạnh. |
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng: Cần có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu nông sản.
Tỉnh Bắc Giang quan tâm quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo lợi thế từng địa phương, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho từng sản phẩm. Nhiều sản phẩm khi nhắc đến tên đã rõ nguồn gốc xuất xứ như: vải thiều Lục Ngạn, sâm nam núi Dành Tân Yên, na Lục Nam, gà đồi Yên Thế... Tỉnh cũng đã phê duyệt bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết từ xây dựng vùng trồng, cấp, quản lý mã số vùng trồng đến bảo quản, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Việc tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho người sản xuất, tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa được chú trọng, đặc biệt những năm qua đã có nhiều mô hình trình diễn để nhân rộng về sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ phục vụ xuất khẩu chứng tỏ hiệu quả. Công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại, giám sát chất lượng sản phẩm theo định kỳ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng được tăng cường.
Nhiều chính sách hỗ trợ truy xuất nguồn gốc đã được ban hành gần đây, điển hình một số nghị quyết của HĐND quy định hỗ trợ áp dụng truy xuất nguồn gốc giai đoạn 2023-2030; chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2023-2030; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh đều có Đề án hỗ trợ riêng hoặc lồng ghép các chính sách để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đạt tiêu chuẩn chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước hướng đến xuất khẩu, điển hình như Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ xây dựng phần mềm và số hóa cho 549 vùng trồng cây ăn quả tập trung để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh, riêng vải thiều đã cấp được 222 mã số vùng trồng trên diện tích 17.768 ha xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Thái Lan. Tỉnh đã thực hiện số hóa 129 vùng trồng cây ăn quả với diện tích hơn 1.300 ha phục vụ xuất khẩu; đã có hơn 100 tổ chức, cá nhân có tem truy xuất nguồn gốc, mã QR. Toàn tỉnh hiện có 255 sản phẩm OCOP đều có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có 10 sản phẩm đã và đang xuất khẩu sang các nước, nhiều sản phẩm vào chuỗi các nhà hàng, siêu thị và khoảng 75% số sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử...
Ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ): Cần giải pháp đồng bộ để triển khai trên diện rộng.
Đối với doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, trước hết phải hiểu rõ tầm quan trọng cũng như nhận thức về việc phải thực hiện sao cho đúng về truy xuất nguồn gốc, sau đó chủ động xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc đầy đủ, minh bạch. Muốn vậy phải lựa chọn các đơn vị giải pháp truy xuất nguồn gốc uy tín (chứng chỉ, công nhận, thừa nhận... phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc), hoạch định mức đầu tư kinh phí hợp lý, nghiên cứu và liên hệ đúng các cơ quan có chức năng và thẩm quyền để thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc, hạn chế các dịch vụ trung gian.
Đối với các hiệp hội ngành nghề thì tăng cường giao lưu, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau cùng đẩy mạnh và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc có hiệu quả nhất. Cơ quan quản lý các cấp cần ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc, cùng với đó cần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng để lựa chọn sản phẩm, hàng hóa có thông tin truy xuất nguồn gốc rõ ràng, kiên quyết không sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia dự kiến hoạt động trong quý IV năm 2023 được kỳ vọng là nhân tố quan trọng để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc. Thông qua Cổng thông tin này, các cơ quan quản lý nhà nước có thể dễ dàng tiếp cận dữ liệu truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm, hàng hóa, từ đó có cơ sở để xây dựng chính sách, quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát việc thực hiện, phát hiện và xử lý các vi phạm; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về truy xuất nguồn gốc phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý và hoạch định phát triển kinh tế-xã hội.
Việc kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia giúp nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa của mình một cách minh bạch, dễ dàng truy cập, giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, từ đó tăng doanh số bán hàng và lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro về chất lượng, an toàn của sản phẩm, hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Giám đốc Hợp tác xã sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp Phước Lộc Thạnh Trần Chinh (xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang): Sầu riêng tăng giá trị xuất khẩu nhờ đăng ký mã vùng trồng.
Hợp tác xã Phước Lộc Thạnh (trước đây là Tổ hội trồng sầu riêng xã Bình Chánh) được thành lập không chỉ để trao đổi kinh nghiệm mà nhằm giải quyết vấn đề liên kết tiêu thụ nông sản. Thời điểm đó, xuất khẩu trái sầu riêng chủ yếu bằng đường tiểu ngạch luôn tiềm ẩn rủi ro và bị thương lái ép giá. Vì thế, các thành viên đã nghiên cứu, thảo luận quyết định đăng ký mã số vùng trồng sầu riêng và đầu năm 2023 đã được cấp mã vùng. Đây là vùng trồng sầu riêng đầu tiên của tỉnh có mã số vùng trồng, từ đó, hợp tác xã đáp ứng các điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trong năm 2023, hợp tác xã đã xuất khẩu 100 tấn sầu riêng sang Trung Quốc với giá 80.000 đồng/kg. Thương lái truy xuất được nguồn gốc nhờ mã QR gắn trên sản phẩm, luôn ký bao tiêu sầu riêng của hợp tác xã với giá cao hơn thị trường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Tham gia vào mã vùng trồng có những khó khăn như nhà vườn phải thay đổi tập quán sản xuất. Để trái sầu riêng xuất khẩu bảo đảm đúng quy trình khép kín, các thành viên phải tuân thủ chặt chẽ từ khâu chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ, không vì lợi nhuận nhất thời mà sử dụng quá liều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hay dùng hóa chất để kích trái mau chín, dọn dẹp phát quang vườn cho sạch hơn. Thuận lợi là các thành viên được hỗ trợ tiếp cận mô hình phun tưới tự động; tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng và thiết kế vườn chuyên cây sầu riêng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình chăm sóc...
Hợp tác xã đã hoàn thành các hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm sầu riêng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Sắp tới, sầu riêng của hợp tác xã sẽ được xuất khẩu sang Ấn Độ. Qua kinh nghiệm từ trái sầu riêng, chúng tôi cho rằng để phát triển cây ăn trái bền vững, hiệu quả, thì việc triển khai phải đảm bảo theo kế hoạch, có kiểm soát và gắn kết được doanh nghiệp tiêu thụ; phải tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, phân phối... tránh tình trạng trồng tự phát, nhỏ lẻ gây khó khăn cho quản lý dịch hại và liên kết tiêu thụ. Cần tập trung các hoạt động nâng cao chất lượng cây ăn trái, hướng đến xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng, tạo vùng nguyên liệu ổn định, có gắn mã số vùng trồng phục vụ thị trường trong và ngoài nước.