Chú trọng công tác
phát triển đảng viên
trong doanh nghiệp
ngoài nhà nước

Những năm qua, công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước được quan tâm, chú trọng qua đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và xây dựng kế hoạch tạo nguồn, lựa chọn, xem xét, kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng. Số lượng và chất lượng đảng viên mới được kết nạp tăng liên tục qua các năm. Trong 3 năm từ 2020 đến 2022, có 14.521 đảng viên được kết nạp trong DN ngoài nhà nước. Đại đa số chủ DN sau khi được kết nạp vào Đảng đều phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên.

Tuy nhiên, số lượng phát triển đảng viên còn ít so với lực lượng lao động hiện có. Hầu hết các DN ngoài nhà nước chưa có tổ chức đảng; nhiều nơi không có tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên nên gây khó khăn cho quá trình tạo nguồn, kết nạp đảng viên. Việc tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên, liên tục, chưa tạo sự đồng thuận cao trong người quản lý, chủ DN, công nhân lao động. Một bộ phận chủ DN tư nhân còn băn khoăn về quyền lợi, trách nhiệm khi có tổ chức đảng trong DN, không ít công nhân lao động có tâm lý e ngại, không muốn vào Đảng.
Từng bước nâng cao cả số lượng và chất lượng công tác kết nạp đảng viên trong DN ngoài nhà nước là đòi hỏi cấp thiết, nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Nhân Dân hằng tháng số tháng 8 với tiêu điểm “Chú trọng công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước” sẽ góp phần kiến giải và đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ vấn đề này.

Kết quả
chưa tương xứng tiềm năng

Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước là đòi hỏi khách quan, vừa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò, sự đóng góp xã hội của DN, vừa khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, các cấp ủy đã có nhiều sáng tạo và đạt kết quả tích cực, tuy nhiên, quy mô, số lượng tổ chức đảng (TCĐ) trong khu vực này chưa tương xứng, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Số lượng có tăng nhưng tỷ lệ còn thấp

Chủ trương về phát triển các TCĐ, đoàn thể trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã được thực hiện qua nhiều nhiệm kỳ. Tuy nhiên, số lượng đảng viên mới và chi bộ được thành lập hằng năm còn ở mức “khiêm tốn” so với số lượng lao động trực tiếp trong khu vực này. Việc thu hút công nhân tham gia hoạt động đoàn thể, để tạo nguồn bồi dưỡng kết nạp Đảng vẫn luôn là “đề bài” khó.

Ghi nhận tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, đơn vị được cho là đi đầu cả nước khi ban hành Nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/2/2012) về công tác phát triển TCĐ, đoàn thể trong các DN ngoài khu vực nhà nước (KVNN). Nghị quyết được ban hành trong bối cảnh đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; khu vực kinh tế tư nhân phát triển; công tác xây dựng Đảng ở các DN ngoài KVNN, nhất là trong các DN cổ phần gặp nhiều khó khăn; nhiều TCĐ bị thu hẹp quy mô, thậm chí bị giải thể. Thành ủy đồng thời ban hành quy định về một số chế độ, định mức chi hỗ trợ TCĐ, các đoàn thể trong các DN ngoài KVNN. Với quyết tâm chính trị cao, hành động cụ thể, sau 10 năm, Đảng bộ thành phố đã thành lập được 1.711 TCĐ trong các DN ngoài KVNN, kết nạp 10.742 đảng viên (có 45 chủ DN tư nhân), tuy nhiên so với hơn 180 nghìn DN ngoài KVNN trên địa bàn thành phố và gần 476.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ, tỷ lệ vẫn còn thấp.

Lý giải nguyên nhân số lượng còn hạn chế, nhiều ý kiến cho rằng, có rất nhiều tác động. Trong đó yếu tố khách quan là phần lớn DN ngoài KVNN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, sản xuất kinh doanh thiếu ổn định, lao động biến động thường xuyên, thu nhập của người lao động thấp, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều DN phải cắt giảm lao động, thậm chí giải thể, áp lực lo công ăn việc làm cho người lao động khiến chủ DN sao nhãng việc phát triển Đảng. Mặt khác, công tác xây dựng Đảng trong các loại hình DN này là việc khó, nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn chưa được làm sáng tỏ. Theo Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Long Biên (Hà Nội) Vũ Thị Thân, nhiệm vụ càng khó càng phải đề cao trách nhiệm của cấp ủy, các chi bộ và mấu chốt vẫn là cách làm, là tâm huyết, trách nhiệm, chia sẻ kinh nghiệm của các cá nhân được giao nhiệm vụ, để tạo sự lan tỏa, đồng tình, vào cuộc của chủ DN.

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Long Biên (Hà Nội) triển khai chuyên đề Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên mới.

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Long Biên (Hà Nội) triển khai chuyên đề Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên mới.

Nhận thức chưa đầy đủ

Những hạn chế còn có lý do đến từ yếu tố chủ quan là nhận thức chưa đầy đủ của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, người lao động, chủ DN về sự cần thiết phải phát triển TCĐ, đảng viên trong các DN ngoài nhà nước. Nhiều chủ DN không ủng hộ việc thành lập và chưa tạo điều kiện để TCĐ hoạt động. Trong khi đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa chủ động, quyết liệt, thiếu các giải pháp đột phá, máy móc trong thực hiện; có tư tưởng ngại khó, thiếu kiên trì. Một số cấp ủy, TCĐ còn lúng túng trong việc theo dõi, phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Đảng; đề nghị kết nạp đảng viên còn chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện; chương trình, kế hoạch xây dựng chỉ tiêu phát triển đảng viên thiếu tính tổng thể, dài hạn, chưa có trọng tâm, trọng điểm; chưa kết hợp chặt chẽ giữa kết nạp đảng viên với nâng cao chất lượng đảng viên. Một số nơi chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế tư nhân...

Từ thực tế thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Long Biên Đinh Thị Bích Nguyệt chia sẻ, sau 6 năm thành lập, số chi bộ và đảng viên tăng gần gấp đôi, nhưng kết nạp đảng viên mới tập trung chủ yếu ở một số chi bộ. Một số đơn vị do quy mô lực lượng lao động quá ít, không còn nguồn, vẫn còn chi bộ chưa tích cực triển khai.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập, đó là, lực lượng công nhân làm việc trong môi trường có nhiều sức ép về thời gian, cường độ, nhu cầu tăng ca, việc dành thời gian tìm hiểu về các TCĐ, đoàn thể, tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và lớp đảng viên mới không dễ nếu không được giới chủ tạo điều kiện...Trình độ văn hóa của một bộ phận công nhân khó đáp ứng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét kết nạp Đảng. Phần lớn trong số đó đến từ vùng nông thôn, khi về thành phố làm việc, thiếu nơi ở ổn định cũng gây khó cho quá trình xác minh lý lịch.

Phân tích một số hạn chế, vướng mắc từ thực tế, đồng chí Nguyễn Ngọc Oanh, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam nhận định, phát triển đảng viên là người lao động vẫn luôn là vấn đề khó và đạt thấp. Bởi lực lượng công nhân luôn biến động, họ phấn đấu tốt, nhưng khi DN làm ăn sa sút hoặc có cơ hội thu nhập tốt hơn liền “nhảy việc”, khi đó cấp ủy lại “mất nguồn”. Hạn chế cũng có lý do ở vai trò, trách nhiệm của các cấp công đoàn ở một số nơi chưa phát huy triệt để.

Thiếu cơ chế tạo động lực

Thành lập TCĐ, kết nạp được đảng viên đã khó, duy trì hoạt động sao cho hiệu quả, tạo sức lan tỏa càng khó hơn nhiều. Nhiều TCĐ, nhất là những nơi cấp ủy không phải là lãnh đạo chủ chốt của DN, có hiệu quả hoạt động thấp, vai trò mờ nhạt, chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Làm sao để phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội trong DN; tuyên truyền, vận động người quản lý DN và người lao động chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, DN (nhà đầu tư) và người lao động vẫn luôn là trăn trở của nhiều cấp ủy. Mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích luôn có tính quyết định vai trò của TCĐ trong DN, tuy nhiên, với quy mô, số lượng đảng viên như một số chi bộ trong DN hiện nay, việc thực hiện còn hạn chế. Bên cạnh đó, nội dung, phương thức hoạt động, nhất là lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của các TCĐ chưa phù hợp điều kiện của DN, không thu hút được đảng viên và quần chúng tham gia, khó tạo động cơ cho quần chúng phấn đấu vào Đảng. Do đó, cần những cơ chế tạo động lực, nhất là cơ chế hỗ trợ tài chính để phát triển TCĐ, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân; kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cấp ủy viên, bí thư cấp ủy hoạt động trong các loại hình kinh tế này.

Ngay tại địa phương giữ vai trò đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng như cả nước, TP Hồ Chí Minh thu hút đầu tư rất lớn, số lượng DN tăng rất nhanh, chủ yếu là DN tư nhân và FDI. Kết quả công tác xây dựng TCĐ, đoàn thể trong DN ngoài nhà nước có nhiều cố gắng, nhưng theo đánh giá của Thành ủy, vẫn chưa tương xứng sự phát triển DN. Nhiều cấp ủy cho rằng, chất lượng phụ thuộc phần lớn yếu tố năng lực, trách nhiệm của cấp ủy được giao nhiệm vụ. Vấn đề đặt ra, cần có cơ chế tạo động lực để họ trau dồi kỹ năng, khuyến khích sáng tạo trong cụ thể hóa nghị quyết thành chương trình hành động. Cấp ủy cần quan tâm biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các đảng viên, đoàn viên trong các DN để họ phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, tạo ảnh hưởng tích cực, từ đó góp phần tác động, thuyết phục chủ DN tạo điều kiện cho TCĐ, đoàn thể hoạt động hiệu quả...

Các quy định của Trung ương đã chỉ rõ, cấp ủy xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác với người quản lý DN trên nguyên tắc hợp tác, đồng thuận để TCĐ tham gia xây dựng, phát triển DN và DN có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để TCĐ hoạt động theo quy định của Điều lệ Đảng và Luật Doanh nghiệp. Do đó, khi tương tác giữa hai bên đủ để cấp ủy chủ động, chủ DN cần hợp tác, thì quy chế phối hợp mới phát huy hiệu quả. Khi đó, cấp ủy chủ động trao đổi với người quản lý DN những đề xuất, kiến nghị hợp lý của TCĐ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; thỏa ước lao động tập thể; hợp đồng lao động; các chế độ, chính sách đối với người lao động và đề xuất biện pháp phối hợp giải quyết theo quy định của pháp luật.

Phát triển số lượng, nâng cao chất lượng TCĐ trong các DN ngoài nhà nước là đòi hỏi trong giai đoạn mới. Hiện thực hóa chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong DN ngoài nhà nước phù hợp bối cảnh phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng, cần cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, với cách làm sáng tạo, linh hoạt hơn, phù hợp điều kiện thực tế của từng DN và địa phương.

Lễ ra mắt Chi bộ Công ty TNHH giải pháp công nghệ Sympletechs (Hà Nội).

Lễ ra mắt Chi bộ Công ty TNHH giải pháp công nghệ Sympletechs (Hà Nội).

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Tiểu Phương-Gia Khánh-Minh Tâm-Trường Sơn-Bích Ngọc
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, Duy Thanh, nguồn internet