Cải cách bảo hiểm xã hội:

Nhu cầu cấp bách

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng-hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, bảo hiểm xã hội hiện đang là vấn đề nóng trong dư luận với rất nhiều vướng mắc, hạn chế cần tháo gỡ, sửa đổi.

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW (năm 2018) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, với mục tiêu: “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thật sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”.

Hiện nay, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với nhiều điểm mới đang được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện. Trên cơ sở đó, Nhân Dân hằng tháng số tháng 5 xây dựng chuyên đề: Cải cách bảo hiểm xã hội: Nhu cầu cấp bách, tập hợp các nhận định đánh giá của các nhà quản lý, chuyên gia, người làm chính sách về vấn đề này.

Chính sách
còn nhiều
khoảng trống

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước, thì đến năm 2030, có hơn 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh hơn tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Chênh vênh vì lọt lưới an sinh

Ở tuổi gần 70, nhiều năm nay, bác Lê Thị Hương (quận Long Biên, Hà Nội) luôn quanh quẩn ở cửa hàng tạp hóa nhỏ mưu sinh ở chợ cóc gần nhà. Sức khỏe yếu, thu nhập bấp bênh, nhưng bác không có lương hưu hay khoản trợ cấp nào. Mọi chi tiêu chính của gia đình đều trông chờ vào việc bán hàng. Trước đây, bác từng có thời gian làm công nhân rồi chọn nghỉ việc theo chế độ 176 (nghỉ việc nhận các chế độ trợ cấp một lần). Khoản tiền nhận khi ấy chỉ đủ để mua một chiếc xe máy cho gia đình. Kể về cảnh chật vật mưu sinh, bác Hương tiếc nuối: “Giờ tuổi cao, đáng lẽ được nghỉ hưu an nhàn thì ngày ngày mình vẫn phải lo làm kiếm sống. Lúc khỏe thì không sao, chỉ sợ lúc trái gió trở trời, không có đồng ra đồng vào. Thấy bác hàng xóm có khoản lương hưu hằng tháng, mình nghĩ thấy dại. Giá như hồi đó suy nghĩ sâu xa, không lựa chọn rút trợ cấp một lần...”.

Theo thống kê, Quyết định số 176/HĐBT ngày 9/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh, được thực hiện trong 4 năm (1989-1992) đã giải quyết thôi việc hưởng trợ cấp một lần cho khoảng 72 vạn lao động ra khỏi doanh nghiệp nhà nước, với tổng kinh phí chi trả tại thời điểm đó là khoảng 300 tỷ đồng, trong đó phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khoảng 168 tỷ đồng (bằng 56% tổng kinh phí chi trả), bình quân một người lao động nhận được 420.000 đồng/người (chưa kể khu vực hành chính sự nghiệp có khoảng 6 vạn người về nghỉ theo Quyết định số 111/HĐBT)...

Tại thời điểm thực hiện, Quyết định số 176/HĐBT được đánh giá là quyết định có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế và xã hội, đã tháo gỡ một phần khó khăn đối với các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà có nhiều lao động không bố trí, sắp xếp được việc làm. Tuy nhiên, khi chính sách được ban hành, nhiều người lao động đã tự nguyện làm đơn xin thôi việc để hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 176/HĐBT và câu chuyện của bác Hương chỉ là một trong hàng chục nghìn trường hợp khi họ quyết định rời khỏi mạng lưới an sinh để “nhận một lần” theo chế độ 176.

Và “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần trong những năm gần đây tiếp tục là tiếng chuông cảnh báo khi người lao động đang tự tước đi những quyền lợi của mình khi rời bỏ mạng lưới an sinh.

Những “lỗ hổng” trong chính sách

Báo cáo Đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập. Cụ thể như: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội trên thực tế còn thấp; các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động trong thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội vẫn còn khoảng trống; quy định về thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu chưa phù hợp với thực tế tham gia bảo hiểm xã hội và nhu cầu hưởng lương hưu của người lao động; và tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội còn thấp, dẫn đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng của doanh nghiệp, không bảo đảm quyền lợi của người lao động...
Thống kê cho thấy, đến hết năm 2022, mới chỉ có khoảng 17,5 triệu người chiếm gần 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, vẫn còn gần 28,42 triệu người chưa tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 62% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong thực tế, còn nhiều đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa gia nhập hệ thống. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mặc dù tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong khu vực lao động phi chính thức. “Khoảng trống” này cũng chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW là một thách thức rất lớn, nếu không có những giải pháp căn bản về cả chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách.

Cùng với mức độ bao phủ bảo hiểm xã hội nói trên là diện bao phủ đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội còn thấp. Theo số liệu thống kê, hiện nay số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi là hơn 5,1 triệu người, mới chỉ chiếm 35% so số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong đó, số người hưởng lương hưu là 2,7 triệu người; số người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng là 0,63 triệu người; số người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi) là hơn 1,8 triệu người.

Mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra là phấn đấu số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đạt khoảng 55% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030.
Thực trạng nêu trên là do theo quy định của pháp luật hiện hành, độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khá cao (80 tuổi); thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu khá dài (20 năm). Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu và cũng chưa đủ điều kiện về tuổi để được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước, thì đến năm 2030, có hơn 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh hơn tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội còn thấp, việc tổ chức thu chưa kịp thời dẫn đến tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội còn diễn ra phổ biến. Hiện nay, theo thống kê vẫn còn khoảng 163 nghìn đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội; 241 nghìn đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động, tập trung chủ yếu là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với số lao động, cá nhân có thu nhập khoảng hơn 3 triệu người. Cụ thể, số liệu cơ quan Thuế cung cấp khoảng 18 triệu lao động và cá nhân có thu nhập chịu thuế, nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội đang quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn 15 triệu người.
Hiện, cơ quan bảo hiểm xã hội đang tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan điều tra, rà soát để xác định số doanh nghiệp, số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong số 163 nghìn đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội và 3 triệu cá nhân có thu nhập nêu trên...

Gấp rút sửa đổi từ thực tế

Với những yêu cầu từ thực tế, đòi hỏi sự cần thiết phải sớm xây dựng và ban hành Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này hướng tới ba mục tiêu cụ thể.

Thứ nhất, bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ bảo hiểm xã hội toàn bộ lưc lượng lao động.

Thứ hai, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội khóa 13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới.

Thứ ba, và cũng là điểm quan trọng nhất là mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Duy Cường chia sẻ, một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này là đề xuất giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu của người lao động từ 20 năm xuống 15 năm. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội muộn (từ 45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia), hoặc những người tham gia không liên tục cũng có đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng... Việc sửa đổi này góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội của Nghị quyết số 28-NQ/TW, để ngày càng có thêm nhiều người hơn được hưởng chế độ hưu trí, đồng thời cũng khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Quy định này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, bởi trước đây, nhiều quốc gia cũng quy định thời gian đóng tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu, thì hiện nay các nước này đều đã có xu hướng điều chỉnh giảm...

Hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và nhân dân đối với toàn bộ dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trước khi hoàn thiện dự thảo Luật để trình Chính phủ và Quốc hội.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Thùy Vân, Vũ Lan, Lê Ngân
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, Thiên Vương, nguồn internet