Chỉ số hạnh phúc

& khát vọng xây dựng quốc gia hạnh phúc

Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, hạnh phúc được xác định là mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội, là khát vọng phát triển của đất nước, là chuẩn mực tối cao của gia đình Việt Nam. Đây là một quan điểm rất nhân văn và là một định hướng tiến bộ của Đảng.

Hạnh phúc của nhân dân cũng là những chỉ dẫn quan trọng đối với quản trị quốc gia, đưa hạnh phúc trở thành một mục tiêu thực tế trong phát triển đất nước. Hạnh phúc là thước đo đúng đắn của tiến bộ xã hội và là mục tiêu của chính sách công. Hạnh phúc giờ đây không phải là một khái niệm chung chung, mơ hồ mà được lượng hóa bằng chỉ số hạnh phúc. Không ngừng nỗ lực cải thiện các chỉ số về hạnh phúc với những tiêu chí cụ thể, thực chất thể hiện khát vọng xây dựng quốc gia hạnh phúc của Đảng và Nhà nước và toàn thể người dân Việt Nam.

Báo cáo Hạnh phúc Toàn cầu được công bố ngày 20/3/2023 đưa ra xếp hạng về mức độ hạnh phúc của hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới năm 2023 dựa trên đánh giá trung bình của 3 năm từ 2020 đến 2022. Việt Nam đứng thứ 65 trong bảng xếp hạng, tăng 12 bậc so với lần trước đó. Bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu được đưa ra dựa trên những các chỉ số cơ bản như: tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội. Các yếu tố khác cũng được xem xét đến gồm có độ rộng lượng của cộng đồng và việc người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống.
Vói tinh thần đó, chủ đề “Chỉ số hạnh phúc và khát vọng xây dựng quốc gia hạnh phúc” trở thành tiêu điểm đầu xuân 2024 của Nhân Dân hằng tháng.

Tổng hạnh phúc quốc gia
và chỉ số hạnh phúc
của người Việt

Xem hạnh phúc của người dân như một thước đo đúng đắn của phát triển và tiến bộ xã hội đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và điều này cũng đang trở thành xu hướng chung của nhân loại. Khái niệm Tổng hạnh phúc quốc gia ra đời và ngày càng được coi trọng, trong khi đó Liên hợp quốc đã lượng hóa hạnh phúc của người dân bằng các tiêu chí và chỉ số để đo lường. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đang như thế nào?

“Không phải cứ thu nhập cao,
tốc độ tăng trưởng nhanh là sung sướng”

Bà Nguyễn Thị Nga - sống trong một con ngõ rộng ở của đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân Hà Nội, đã nếm trải nhiều sắc thái khác nhau về hạnh phúc. Bà kể: “Thời bao cấp, với những người trong con ngõ này, hạnh phúc là có cơm ăn, áo mặc, hằng tháng mua được miếng thịt mấy lạng để cải thiện. Rồi đất nước đổi mới, quan niệm về hạnh phúc của người dân ngõ này cũng thay đổi, đó là phải kiếm được nhiều tiền, cuộc sống tiện nghi, nhà lầu xe hơi. Nhưng quan niệm hạnh phúc lại thay đổi khi dịch Covid-19 ập tới”.

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi của bà người con dâu đang mang bầu 6 tháng và người chồng vốn mắc bệnh phổi mãn tính. Những người thân của bà đi chữa bệnh rồi “trở về” trong bình tro cốt.

Không chỉ riêng nhà bà Nga, một số gia đình khác đã đau đớn nhận tro cốt người thân trong đại dịch cách đây vài năm. Ông Nguyễn Thành, bộ đội về hưu, chia sẻ: “Con ngõ này từng được xem là con ngõ hạnh phúc, vì các hộ ở đây đều có kinh tế dư dả, sống với nhau hòa thuận. Nhưng một số gia đình có con em dính vào nghiện hút, tù tội, một số gia đình người thân mất vì Covid-19, nên giờ ngõ buồn. Với tôi và nhiều gia đình ở đây, giờ hạnh phúc là được bình an”.

GS-TS Phùng Hữu Phú, lúc tôi đến phỏng vấn, đang là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, cảm nhận được tâm tư đó của nhiều người dân. Ông nói: “Qua dịch Covid-19 chúng ta càng hiểu rõ không phải cứ thu nhập cao, tốc độ tăng trưởng nhanh là sung sướng, mà quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc”.

Ông Phùng Hữu Phú, một trong những thành viên chủ trì soạn thảo dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, khẳng định: “Hạnh phúc của nhân dân là điểm nhấn trong dự thảo Văn kiện lần này. Tôi cảm giác sau dịch Covid-19, xu hướng coi chỉ số hạnh phúc, bình an là điều quan trọng nhất đang mạnh lên. Đại dịch cho thấy “người giàu cũng khóc”, vì vậy, hạnh phúc không chỉ được đo bằng “cơm ngon áo đẹp” mà trước hết phải yên lành. Văn kiện lần này nhấn mạnh hạnh phúc người dân, quyền làm chủ của người dân, nhân dân là trung tâm, là chủ thể của toàn bộ quá trình phát triển đất nước. Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII không chỉ nhấn mạnh phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mà còn nhấn mạnh yếu tố “nhân dân thụ hưởng”. Lấy hạnh phúc và sự ấm no của nhân dân làm tiêu chí phấn đấu và đánh giá sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của hệ thống chính trị”.

Tinh thần đó chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc của nhân dân. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó chỉ rõ, Chính phủ phải bằng những biện pháp, hành động quyết liệt thực hiện tốt chính sách diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm; giữ vững chính quyền và tổ chức kháng chiến, kiến quốc thành công mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Bởi “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Tinh thần này được thể hiện trong Quốc hội của Việt Nam với cụm từ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.

Tư tưởng ấy ngày càng tỏ ra nhân văn tiến bộ và hơn nửa thể kỷ sau, nhân loại đã xem hạnh phúc như mục tiêu tối thượng của cuộc sống con người, là thước đo đúng đắn của tiến bộ xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Chỉ số hạnh phúc của người Việt
trong “thước đo” quốc tế

Khái niệm Tổng Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness - GNH) ra đời ở đất nước Bhutan nhỏ bé dưới chân núi Himalya từ năm 1972. Thời điểm đó, đây là quốc gia duy nhất trên thế giới đo lường mức độ thịnh vượng của đất nước dựa trên chỉ số hạnh phúc của người dân chứ không phải chỉ dựa vào GDP.
GS Hà Vĩnh Thọ, một người Việt Nam từng làm Giám đốc Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia của Bhutan đã chia sẻ với tôi trong cuộc phỏng vấn khi ông có chuyến công tác tại Hà Nội: “Có quan niệm cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là tốt cho dù những điều dẫn đến GDP là xấu. Thí dụ để có những con số GDP đó đã đánh đổi bằng việc suy thoái về tài nguyên thiên nhiên hay sự gia tăng về bạo lực. Nhưng rất nhiều điều quan trọng với đời sống con người không được thể hiện trong chỉ số GDP, như vẻ đẹp của một người phụ nữ trên cánh đồng hay của đứa trẻ trên hoa vàng cỏ xanh hoặc những bài thơ...

Chính vì điều này nên vị vua thứ tư của Bhutan đã có ý tưởng tuyệt vời, đó là mục tiêu của sự phát triển đất nước không phải là kinh tế mà là hạnh phúc, thịnh vượng của mỗi con người. Từ đó, những ý tưởng về GNH (tổng hạnh phúc quốc gia) ra đời. Quan điểm này cho rằng để đánh giá sự phát triển của một quốc gia phải dựa vào chỉ số hạnh phúc và thịnh vượng của mỗi con người và của các loài”.
Tổng hạnh phúc quốc gia có bốn cột trụ chính là quản trị tốt, bảo tồn môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát triển văn hóa và sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững, công bằng.

Trong vòng 20 năm, tuổi thọ trung bình của người dân Bhutan được tăng gấp đôi, 100% trẻ em được tới trường, mức độ trong lành của môi trường ở mức lý tưởng, thiên nhiên được bảo vệ tối đa, 60% diện tích quốc gia được che phủ bởi rừng... Bhutan cấm việc xuất khẩu gỗ, mỗi tháng đều có một ngày toàn dân đi bộ...
GS Hà Vĩnh Thọ cho biết: “Hiện nay đang có sự ủng hộ trong giới nghiên cứu học thuật, họ muốn thay đổi mô hình mới để đánh giá sự phát triển của quốc gia. Giới doanh nghiệp cũng ngày càng muốn đo lường sự phát triển bằng chỉ số hạnh phúc. Cách đây mấy năm, nếu tôi nói về tổng hạnh phúc thì họ nói là tôi điên, nhưng giờ đây có nhiều doanh nghiệp mời tôi đến nói về điều này. Các tổ chức quốc tế cũng vậy. Đây là một phong trào ngày càng trở nên mạnh mẽ”.

Mối quan tâm về hạnh phúc ngày càng thu hút sự chú ý của nhiều nước phát triển. Adrian White, nhà tâm lý học về xã hội học phân tích tại trường Đại học Leicester (Anh) cho rằng các nhà chính trị ngày càng quan tâm đến việc dùng các phép đo hạnh phúc làm chỉ số quốc gia song song với các phép đo về sự giàu có. Năm 2016, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã thành lập Bộ Hạnh phúc với mục đích kiến tạo một môi trường nơi mọi người đều có thể phát triển, có thể phát huy tiềm năng của họ và chọn lựa để được hạnh phúc.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 được nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc - Ban Ki Moon chính thức công bố tại một hội nghị của Liên hợp quốc về vấn đề này từ tháng 6/2012. Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

Liên hợp quốc hằng năm cũng lấy số liệu, tổng hợp và đưa ra Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report - WHR) nhân dịp ngày 20/3, nhằm xếp hạng mức độ hạnh phúc của gần 150 quốc gia. Đánh giá này cơ bản dựa vào các chỉ số như tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội. Cùng với đó là độ rộng lượng của cộng đồng và người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống. Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2023 - báo cáo thường niên lần thứ 10 - vừa được công bố, các quốc gia châu Âu chiếm phần lớn trong top 10, dẫn đầu là Phần Lan.

Giáo sư Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội, người thường xuyên theo dõi bảng xếp quốc gia hạnh phúc của Liên hợp quốc từ năm 2012 đến nay, chia sẻ: Đại lượng cơ bản đánh giá hạnh phúc được WHR sử dụng là mức độ hài lòng với đời sống (Life Satisfaction), được đo bằng thang điểm 10 từ “cực kỳ không hài lòng” đến “cực kỳ hài lòng”. Năm 2012 Việt Nam xếp hạng ở vị trí 65/157 nước với chỉ số Hạnh phúc 5,553. Năm 2016 chỉ số Hạnh phúc (WHI) Việt Nam ở mức thấp nhất 5,061 xếp hạng 96/157 quốc gia. Từ năm 2017 đến nay, WHI của Việt Nam được cải thiện đều hơn. Từ năm 2016 đến 2022 Việt Nam tăng 19 bậc trong bảng xếp hạng, chỉ số WHI từ 5,061 tăng lên đến 5,485.
Từ năm 2022 đến nay Việt Nam đều xếp hạng thứ 65 mặc dù chỉ số Hạnh phúc có tăng: năm 2023, chỉ số là 5,736. Năm 2024 mặc dù HWR chưa công bố, nhưng báo cáo nhanh của WHI cho biết Việt Nam vẫn xếp thứ 65 trên 146 nước với chỉ số đạt 80,88%.

Như vậy, trong nhiều năm gần đây, dù phải trải qua những biến động kinh tế-xã hội bất lợi như khủng hoảng kinh tế thế giới, đại dịch Covid-19, nhưng chỉ số Hạnh phúc của Việt Nam vẫn được cải thiện tương đối tích cực. Điều này phản ánh sự phát triển năng động của xã hội, đời sống của đa số cư dân tốt hơn trước đó, những người cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình nhiều hơn.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Hiền Thu-Bảo Thanh-Phùng Nguyên-Thanh Chương
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
TTXVN, Thành Đạt, ảnh tham gia cuộc thi "Vẻ đẹp Việt Nam"-Truyền hình Nhân Dân, nguồn internet