Thúc đẩy phát triển

Du lịch xanh,
bền vững

Tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”.
Đối với ngành du lịch, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh bằng cách “xây dựng các chương trình về văn hóa sống, lối sống xanh và phát triển sản phẩm du lịch xanh; xây dựng và áp dụng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại các khu du lịch, điểm du lịch; xây dựng tiêu chí và triển khai dán nhãn du lịch xanh cho các cơ sở kinh doanh du lịch”.

Du lịch xanh được coi là một loại hình hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên-văn hóa, phát triển các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định rõ: “Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững”. Tuy vậy, quá trình triển khai trong thực tế còn nhiều hạn chế và chưa có bước đột phá rõ rệt, dù đã có nhiều văn bản và các hoạt động liên quan đến du lịch xanh, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh được gấp rút triển khai thực hiện.

Đánh giá tiềm năng, phân tích thực trạng và khuyến nghị các giải pháp tạo đột phá trong phát triển du lịch xanh tại Việt Nam là nội dung Tiêu điểm mà Nhân Dân hằng tháng hướng tới, trong số báo chào năm mới 2024.

Du lịch xanh
hướng tới tăng trưởng xanh

“Kết quả nghiên cứu từ nền tảng du lịch lớn nhất thế giới Trip Advisor cho thấy, 34% số du khách sẵn sàng chi trả thêm để nghỉ tại những cơ sở lưu trú thân thiện với môi trường, 50% số du khách quốc tế sẵn sàng lựa chọn những doanh nghiệp du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và tích cực trong hoạt động bảo tồn”.

Đó là thông tin mà TS Đoàn Mạnh Cương (Văn phòng Quốc hội) đưa ra, khi lý giải nguyên nhân khiến “du lịch xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo ở rất nhiều quốc gia” là nhờ nắm giữ vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học, văn hóa cộng đồng và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. “Ðiều này khẳng định, yếu tố xanh không những bảo đảm cho phát triển du lịch bền vững, mà còn là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao, có ý thức và hành động văn minh khi tham gia du lịch”, ông nhấn mạnh.

Từ điểm sáng Net Zero Tourism đầu tiên

Một khu cắm trại ẩn mình giữa đại ngàn xanh thẳm của Di sản thiên nhiên thế giới - VQG Phong Nha Kẻ Bàng đã trở thành mô hình du lịch xanh đầu tiên hướng tới mục tiêu Net Zero. Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo - pin mặt trời, tái sử dụng-tái chế để giảm thiểu sản xuất và xử lý rác, giảm tối đa chặt cây và bê-tông hóa bằng cách xây dựng hạ tầng cơ sở lắp ghép, những lối đi trong rừng được thiết kế dạng cầu treo để tránh ảnh hưởng hệ sinh thái... là những đặc điểm khiến Blue Diamond Camp trở nên khác biệt với phần đa những mô hình camping (cắm trại) hoặc glamping (cắm trại kiểu cao cấp, sang trọng) cùng loại. Không chỉ nỗ lực giảm thiểu phát thải tối đa, cơ sở này còn tính toán và bù đắp lượng khí thải nhà kính sinh ra do hoạt động kinh doanh của chính mình bằng cách trồng cây giúp hấp thụ carbon dioxide khỏi không khí, tạo thêm bóng mát và môi trường sinh sống tự nhiên cho động vật hoang dã, hỗ trợ các dự án phục hồi rừng và quyên góp cho các tổ chức môi trường làm việc về các sáng kiến giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis từng chia sẻ, “lượng khí thải nhà kính cho ngành du lịch hiện nay là ở mức 16%. Theo tính toán của Hiệp hội Du lịch Thế giới UNWTO, nếu không nhanh chóng hành động thì số phần trăm này sẽ tăng tới 25% hoặc cao hơn vào năm 2030. Vì thế, tổ chức này khuyến nghị ngành du lịch cần bắt tay vào cắt giảm lượng khí thải này ngay từ bây giờ, trước khi quá muộn”.

Nhận thấy hướng đi này sẽ trở thành lợi thế cho người dám mạnh dạn khai phá, mở đường, Blue Diamond Camp dần thành hình với tổng diện tích 5 ha tại Xuân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. “Mô hình này ban đầu khá mới và khiến ngay cả nhân viên Oxalis cũng mơ hồ, nhưng bây giờ mọi thứ có vẻ là rõ ràng hơn khi chúng tôi nói rằng khu cắm trại này được xây dựng theo định hướng Net Zero Tourism, khái niệm mà nếu đề cập cách đây 5 năm thì ít ai hiểu nhưng bây giờ cả thế giới nói về Net Zero rồi nên chắc sẽ dần trở nên thông dụng”.

Du lịch sinh thái trên thuyền tại di sản UNESCO Tràng An (Ninh Bình). Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Du lịch sinh thái trên thuyền tại di sản UNESCO Tràng An (Ninh Bình). Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Đến những sản phẩm du lịch xanh đặc thù
đầy hấp dẫn

Nhận thấy “các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh du lịch đều ý thức được giá trị của Du lịch Xanh trong kinh doanh bền vững, khi du khách bắt đầu sẵn sàng chi trả cao hơn cho các hành trình có chiều sâu, có trách nhiệm và có giá trị đóng góp cho môi trường sống”, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Hanoi Tourism cho biết, “đơn vị đã đồng hành cùng chính quyền và bà con địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, cao cấp và độc đáo riêng có, đồng thời đào tạo đội ngũ nhân sự về kiến thức và kỹ năng nhằm thuyết phục và hướng dẫn cho du khách trân trọng và vui vẻ đón nhận những giá trị bền vững trong dòng sản phẩm này”.

Chính vì thế, “sản phẩm xanh” đã nhanh chóng trở thành dòng chủ lưu, gửi gắm sự sáng tạo cùng tâm huyết của các đơn vị kinh doanh du lịch ở mọi quy mô từ lớn đến nhỏ và giúp định vị màu sắc riêng có, độc đáo, không trộn lẫn của từng thương hiệu.

Nằm trong nhóm doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam, Viettravel đã tiên phong thực hiện các dự án “Go Green” từ cách đây cả chục năm, khi du lịch xanh vẫn còn là khái niệm lạ lẫm. Tháng 10/2023 mới đây, thương hiệu này vừa cho ra mắt bộ sản phẩm “Go Green” mang chủ đề rất thời sự “Hồi sinh những lá phổi xanh”. Du khách được tham gia trồng cây tại VQG Bidoup trong tour “Trao đi để nhận lại”, trồng rừng phòng hộ ven biển tại Bãi Bồi trong tour “Những nẻo đường phù sa” nơi địa đầu đất Mũi, phủ xanh lá phổi thành phố trong tour “Về Cần Giờ - lắng nghe hơi thở của rừng”... Rất nhiều hoạt động xanh đợi chờ du khách yêu cảnh sắc thiên nhiên, mê văn hóa bản địa trải nghiệm như bắt cá, hái chè, đạp xe tham quan làng cổ, khám phá ẩm thực đa sắc, đi bộ thực địa, chèo sup xuyên rừng ngập mặn...

Không chỉ xây dựng những bộ sản phẩm xanh phong phú, hấp dẫn, Viettravel còn chuyển tải thông điệp xanh tới du khách để giúp họ nhận thức rõ hơn về tình yêu môi trường, trách nhiệm gìn giữ tài nguyên thông qua từng sản phẩm cụ thể. Như tìm hiểu công tác cứu hộ, tái thả động vật, đưa thú “về nhà” tại VQG Cúc Phương hay trekking hang Chà Lòi ở tour “Lắng nghe thanh âm núi rừng”. Du khách ấn tượng khi được tìm hiểu về chương trình bảo tồn rùa biển ở Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo), hay trải nghiệm Cồn Chim - Điểm du lịch cộng đồng theo mô hình “thuận thiên” đặc sắc trong lộ trình “Nụ cười Mê Kông”. Họ cũng có thể cùng người dân đi gác kèo ong, dỡ lờ, đặt lọp tại VQG U Minh Hạ hay khám phá sông nước miệt vườn cùng người bản địa ở Bạc Liêu - Sóc Trăng...

Ở mô hình nhỏ hơn nhiều lần, điểm du lịch cộng đồng Bản Ven (Xuân Lương, Yên Thế, Bắc Giang) với khoảng 150 hộ gia đình mà 90% là người dân tộc Cao Lan cũng đã đón tới 5 vạn du khách trong và ngoài nước, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023. Sở hữu diện tích rừng lớn, tận dụng rừng phấn làm khu cắm trại, đồi chè để khách đi thu hái và sao chè..., Bản Ven Xanh trở thành hình mẫu khá thành công, khi từng bước chuyên nghiệp hóa dịch vụ nhưng vẫn giữ được nét truyền thống đặc sắc của bản làng, như lời anh Ngô Cao Kiên - đại diện Công ty Bản Ven Xanh chia sẻ.

K’Ho Coffee (Đà Lạt) với dịch vụ tham quan nông trại và xưởng sản xuất bền vững.

K’Ho Coffee (Đà Lạt) với dịch vụ tham quan nông trại và xưởng sản xuất bền vững.

Mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm

Theo Hiệp hội Du lịch sinh thái quốc tế (TIES) và Hiệp hội Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch xanh được hiểu là du lịch có trách nhiệm với tự nhiên, bảo tồn môi trường, duy trì cuộc sống của người dân địa phương một cách bền vững.
Thường gắn với 3 dòng sản phẩm du lịch chiến lược từ thế mạnh quốc gia: sinh thái-văn hóa và nông nghiệp-nông thôn, các nhóm sản phẩm này tương đồng trong khai thác khi gắn với môi trường tự nhiên và văn hóa, chú trọng các yếu tố Xanh (nguyên bản từ tự nhiên) - Sạch (bảo đảm về vệ sinh, an toàn) - Đẹp (đặc sắc về cảnh quan, kiến trúc).

Được chú trọng gắn với phát triển bền vững, trở nên phổ biến từ năm 1987 và được LHQ chính thức đưa ra vào tháng 6/1992, du lịch xanh - từ một ngách khai thác thị trường phục vụ du khách ưa thích các điểm đến chưa chịu nhiều tác động của hiện đại hóa, công nghiệp hóa đã dần được chuẩn hóa gắn với du lịch bền vững.

Du lịch xanh được đặc biệt ưa thích chủ yếu trong thời gian gần đây, khi các vấn đề về suy thoái môi trường tự nhiên - văn hóa xã hội và biến đổi khí hậu... được chú ý và khiến thay đổi ý thức con người. Trong đó, nhóm khách tiềm năng đều thuộc các nước phát triển, cũng là nhóm quốc gia được ngành du lịch Việt Nam quan tâm đặc biệt với vai trò là thị trường chính, ổn định và có mức chi tiêu cao.
Vì thế, “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” đều coi phát triển du lịch xanh đồng nghĩa với phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững. Thế nhưng, hiện tại chưa có các chính sách hỗ trợ cụ thể riêng cho mảng du lịch này, khi các cơ chế, chính sách chủ yếu nằm trong nhóm hỗ trợ liên quan đến bảo tồn và phát triển rừng; đa dạng sinh học; biển và hải đảo; biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo, nông nghiệp tác động gián tiếp tới du lịch.

Dù vậy, nhờ sự chung tay đồng lòng của cả cơ quan quản lý, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư và cả du khách, hành trình xanh hóa du lịch đã đạt được khá nhiều thành tựu.

Ở cấp quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng được nhiều quy định, chương trình cụ thể về phát triển du lịch xanh - bền vững như bộ tiêu chí gắn với các nhãn hiệu, xây dựng được các chương trình du lịch quốc gia...

Ở cấp địa phương, du lịch xanh trở thành các quan điểm, mục tiêu phát triển trong các kế hoạch, chiến lược cụ thể cần được ưu tiên hàng đầu, đồng thời được triển khai gắn với các định hướng, giải pháp về bảo vệ và có trách nhiệm với môi trường. Nhiều điểm đến đã phát triển được các sản phẩm du lịch sinh thái, khám phá theo hướng du lịch xanh: Đặt mục tiêu hiệu quả và bền vững, không chạy theo số lượng khách bằng mọi giá.

Thế nhưng, trên lộ trình này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, dưới góc nhìn của TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch. Khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch ở một số nơi còn diễn ra tự phát, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên và môi trường. Sự gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch vượt quá sức chứa của điểm đến, gây ra tình trạng quá tải ở nhiều khu du lịch trọng điểm. Doanh nghiệp du lịch chủ yếu vẫn lệ thuộc năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, chưa có biện pháp tích cực để sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, nhiên liệu sạch, vật liệu mới. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt là các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống chưa có biện pháp tích cực để xử lý rác thải, nước thải hoặc tái chế, tái sử dụng. Ý thức, trách nhiệm của một bộ phận khách du lịch, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ở các điểm đến chưa cao, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi, không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan.

Những năm gần đây, du lịch xanh ngày càng được quan tâm và trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà Ngày Du lịch thế giới 2023 đã chọn “Du lịch và đầu tư xanh” làm chủ đề xuyên suốt. Cũng không phải ngẫu nhiên mà “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” và “Bình Thuận - Hội tụ xanh” đã liên tiếp được chọn làm thông điệp xuyên suốt cho cả Năm Du lịch quốc gia 2022 và 2023.
Cũng chưa bao giờ, “Xanh” trở thành một từ khóa được nhấn mạnh đến thế. “Du lịch xanh” trở thành đòn bẩy để phát triển “kinh tế xanh”, giúp “tăng trưởng xanh”. “Du lịch xanh” trở thành giải pháp hữu hiệu giúp ngành công nghiệp không khói nhanh chóng gượng dậy, phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng sau mấy năm trời lao đao vì đại dịch Covid-19.

Một điểm lưu trú nhà người dân tộc H’Mông ở Mai Châu

Một điểm lưu trú nhà người dân tộc H’Mông ở Mai Châu

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Phương Hồ-Đàm Bảo Ngọc-Huyền Nga-Trương Thu Hiền
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Oxalis Adventure, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Hiddenland Travel, Mai Liên, Ecohost Hải Hậu, nguồn internet