Minh bạch nguồn gốc tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt

Chất lượng và nguồn gốc của nông sản lâu nay luôn là vấn đề nóng trong tiêu dùng và giao thương, đặc biệt với xuất khẩu. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, xuất khẩu nông sản vẫn luôn là một “điểm sáng” và góp phần duy trì nguồn thu lớn cho nền kinh tế, với những thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng và những hiệp định FTA mới được ký kết. Theo đó, việc triển khai truy xuất nguồn gốc nông sản ngày càng trở nên bức thiết, bởi đó là một trong những công cụ hữu hiệu giúp minh bạch nguồn gốc, bảo đảm chất lượng sản phẩm do có thể truy vết từng bước trong chuỗi hình thành sản phẩm, từ đó xúc tiến việc tiêu thụ hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường trong nước và thế giới.

Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa là bước đột phá quan trọng trong việc tạo tiền đề cho một hệ sinh thái về truy xuất nguồn gốc mà điểm nhấn quan trọng đó chính là xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia. Với việc triển khai số hóa ngành nông nghiệp ngày càng phổ biến, coi đây là một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành, việc ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc nông sản đang được triển khai tích cực. Tuy nhiên quá trình triển khai còn mang nặng tính hình thức, thiếu hiệu quả do nhiều doanh nghiệp, người dân chưa hiểu đúng và đủ về việc này, thiếu năng lực thực hiện, mặt khác hệ thống hạ tầng số còn thiếu và yếu, chưa kết nối, chưa đồng bộ...

Làm thế nào để việc triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp ngày càng hiệu quả, thực chất và phát huy được đầy đủ tác dụng của nó như là một công cụ hữu hiệu nhằm minh bạch nguồn gốc, tạo lòng tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trên thị trường là vấn đề trong tiêu điểm tháng 10 của Nhân Dân hằng tháng.

0:00 / 0:00
0:00
Các sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) tăng mạnh về số lượng bán ra thị trường nhờ thực hiện truy xuất nguồn gốc. Ảnh | HÀ AN
Các sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) tăng mạnh về số lượng bán ra thị trường nhờ thực hiện truy xuất nguồn gốc. Ảnh | HÀ AN

“Vé thông hành” cho nông sản xuất khẩu

Những năm qua, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng, nhất là khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới. Tuy nhiên, cùng với lợi thế về thuế quan, các hàng rào kỹ thuật cũng được dựng lên ngày càng nhiều, trong đó có yêu cầu gắt gao về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đòi hỏi nền nông nghiệp phải thích ứng nhanh chóng để sở hữu những tấm “vé thông hành” cho nông sản ra thế giới.

Truy xuất nguồn gốc là khả năng xác định được một sản phẩm qua từng công đoạn theo thời gian trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc là biện pháp hữu hiệu giúp các đơn vị, doanh nghiệp đạt được các mục đích như: quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, quản lý mối quan hệ tương tác trong nội bộ cũng như với các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, minh bạch thông tin và nâng cao uy tín của doanh nghiệp.

Những mô hình hiệu quả

Từ giữa năm 2023, Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã sử dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản NBC- Trace của Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ). Ông Lê Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Với ứng dụng này, tất cả các công đoạn từ ươm giống, chăm sóc, vun xới, bón phân, thu hoạch, bảo quản sản phẩm đều được cập nhật trên hệ thống theo thời gian thực. Thông qua một mã QR gắn trên sản phẩm, người tiêu dùng có thể biết được toàn bộ quy trình sản xuất. Nhờ ứng dụng truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm của hợp tác xã như tinh bột nghệ vàng, hà thủ ô mật ong, viên cà gai leo, bột sắn dây... đều tăng mạnh về số lượng bán ra thị trường do tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Mặt khác, thông qua tem truy xuất nguồn gốc, quy trình canh tác của các vụ sản xuất đều được cập nhật đầy đủ và lưu trữ dữ liệu trên ứng dụng nên dễ dàng đánh giá lại tính hiệu quả ở từng công đoạn, từ đó có thể điều chỉnh phương thức sản xuất phù hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

“Ứng dụng truy xuất nguồn gốc thật sự rất hữu hiệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã. Hiện chúng tôi đang được các ngành chức năng hỗ trợ miễn phí sử dụng, nhưng thời gian tới khi cần đóng phí, hợp tác xã cũng sẵn sàng tham gia vì lợi ích mang lại là rất lớn”- ông Lê Ngọc Trinh nói thêm.

Trước đó, năm 2022, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia cũng đã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang triển khai mô hình thí điểm áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc. Việc thí điểm thành công tại Doanh nghiệp tư nhân Hồng Đức 1 và Công ty TNHH Kinh doanh Nước mắm Huỳnh Khoa đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa. Thông qua việc áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm nước mắm Phú Quốc đã tăng giá trị về mặt kinh tế, đồng thời tạo ra sự minh bạch của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu nước mắm Phú Quốc trên thị trường trong nước và thế giới.

Theo Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia, tính đến nay, một số mô hình điểm về áp dụng truy xuất nguồn gốc đã thực hiện khá hiệu quả, bao gồm: Hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm yến của Công ty Yến sào Khánh Hòa và Công ty cổ phần Yến sào Nha Trang; Xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 15 sản phẩm nước mắm tại Hải Phòng và kết nối vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; Cà-phê Vĩnh Hiệp, Gạo Phú Thiện, Chôm chôm Ia Grai tại tỉnh Gia Lai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc NBC- Trace; Mô hình các sản phẩm OCOP tại Lạng Sơn và Sơn La; Cam Xã Đoài- Nghệ An, Sơn Dung Trà- Thái Nguyên, nước mắm Phú Quốc- Kiên Giang, Cơm cháy- Ninh Bình và nhiều sản phẩm của các tỉnh, thành phố khác.

Các mô hình điểm đều có khả năng nhân rộng cho các đơn vị khác và được triển khai đạt các hiệu quả như: Chuỗi cung ứng đáp ứng đầy đủ quy định pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh và các sản phẩm được sản xuất trên địa bàn tỉnh, thành phố; Sản phẩm được lựa chọn ưu tiên nằm trong nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương; Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm có sức ảnh hưởng lớn đến phong trào sản xuất nông nghiệp tại địa phương; Đơn vị sản xuất cũng đã đạt được chứng nhận theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và các chứng nhận hợp chuẩn hợp quy khác. Ngoài ra, đây đều là các doanh nghiệp nhiệt tình và quyết tâm tham gia truy xuất nguồn gốc, có năng lực nhất định về sử dụng và đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin.

Minh bạch nguồn gốc tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt ảnh 1

Dây chuyền sản xuất nước mắm tại Công ty TNHH Kinh doanh Nước mắm Huỳnh Khoa (Phú Quốc, Kiên Giang). Ảnh | MINH ANH

Chính sách phát huy vai trò bệ đỡ

Có những mô hình hoạt động hiệu quả như trên, một phần không nhỏ là nhờ các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được ban hành cơ bản đầy đủ, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế sản xuất, kinh doanh nông sản. Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 117/2008/QĐ-BNN ngày 11/12/2008 và Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2011 quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn… Đặc biệt, ngày 19/1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 100/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Thực tế, những chính sách này đã phát huy vai trò bệ đỡ cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong những năm qua. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 48,6 tỷ USD; năm 2022 đạt kỷ lục hơn 53 tỷ USD; dự kiến năm 2023 sẽ đạt 55 tỷ USD. Hiện nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo ông Hoàng Quốc Việt - Phụ trách Phòng Kinh doanh tổng hợp, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia, Đề án Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc theo Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/1/2019 (Đề án 100) do Bộ Khoa học và Công nghệ, cụ thể là Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia được giao là đầu mối thực hiện. Hiện dự án xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia đang được hoàn tất chạy thử nghiệm và dự kiến đưa vào hoạt động chính thức trong quý IV năm nay.

Ngoài ra, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia cũng đang tham gia xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động truy xuất nguồn gốc và chủ động phối hợp với đầu mối Sở Khoa học và Công nghệ của các tỉnh, thành theo kế hoạch của Đề án 100 hướng đến mục tiêu đáp ứng quyền được sử dụng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, môi trường minh bạch cho doanh nghiệp và công cụ quản lý hiệu quả cho các cấp quản lý. Cụ thể như: xây dựng sổ tay, tài liệu hướng dẫn truy xuất nguồn gốc; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn áp dụng, quảng bá giới thiệu hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các địa phương và doanh nghiệp; phối hợp xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các mô hình điểm về truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực tại địa phương.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng phòng Công nghệ số, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết: Hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang được cài đặt và vận hành chính thức tại địa chỉ truy cập: http://checkvn.mard.gov.vn. Đến đầu năm 2023, hệ thống đã xây dựng được 3 phân hệ chính gồm: Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc; Hệ thống quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về truy xuất nguồn gốc dành cho đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; Cho phép khai thác sử dụng bằng ứng dụng trên thiết bị di động trong việc tìm kiếm, truy vết, tra cứu thông tin nguồn gốc sản phẩm. Hệ thống đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống truy xuất nguồn gốc của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm. Để hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ hoạt động thật sự hiệu quả, rất cần sự kết nối, dẫn dắt của Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Theo Quyết định số 100/QÐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, đến năm 2025 sẽ hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc. Xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc, các tài liệu hướng dẫn áp dụng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể. Tối thiểu 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.