ĐÁNH THỨC TIỀM LỰC

Du lịch văn hóa

Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại. Bởi vậy, phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước trong suốt nhiều năm qua.

Theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, du lịch văn hóa là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Và trong Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, hướng đi “phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tham gia vào phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam; đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa trong đó coi trọng du lịch văn hóa” được đặc biệt nhấn mạnh.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiềm năng để phát triển “du lịch văn hóa” với nguồn tài nguyên du lịch văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc. Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đã góp phần quan trọng mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế-xã hội, tuy nhiên còn thiếu sự đa dạng, chưa khai thác hiệu quả được các giá trị tài nguyên, thiếu sản phẩm du lịch mang thương hiệu của quốc gia cũng như in đậm bản sắc của từng vùng miền, địa phương. Vậy cần làm gì để du lịch văn hóa phát huy hiệu quả, xứng với tiềm năng là câu hỏi mà Nhân Dân hằng tháng mong muốn đi tìm lời giải, trong Tiêu điểm “Đánh thức tiềm lực du lịch văn hóa” số tháng 6 này.

Hiệu quả
chưa xứng với tiềm năng

Mới ngày 11/6/2023, tour “Đêm thiêng liêng” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã thông báo mở bán vé tháng 7 và tháng 8, dù chi phí không hề thấp, dao động từ 299 đến 499 nghìn đồng. Và fanpage “Di tích Nhà tù Hỏa Lò - Hoa Lo Prison Relic” hiện tại thu hút sự quan tâm của 252 nghìn thành viên và được tới 283 nghìn người, đa phần còn rất trẻ theo dõi. Thành công nằm ngoài sức tưởng tượng của tour khám phá di tích ngục tù cách mạng này cho thấy nếu biết khai thác hiệu quả, nếu biến được tiềm năng thành thế mạnh thì tài nguyên văn hóa sẽ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn cho sự phát triển của du lịch nước nhà.

“Mỏ vàng” với trữ lượng khổng lồ

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Việt Nam sở hữu một mạch nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ, với 5 di sản văn hóa vật thể - 1 di sản hỗn hợp - 14 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản Tư liệu (gồm 3 Di sản Tư liệu Thế giới và 4 Di sản Tư liệu Khu vực châu Á-Thái Bình Dương) được UNESCO vinh danh. Cùng với hơn 4 nghìn di tích được xếp hạng quốc gia, 128 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, hơn 400 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, với một cộng đồng gắn kết 54 dân tộc anh em cùng chung sống suốt chiều dài bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã tạo nên những đặc trưng văn hóa riêng biệt và độc đáo, nước ta luôn được đánh giá rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa (DLVH). Trong báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019 và nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất thế giới. Trong sáu chỉ số du lịch trụ cột mà Việt Nam vinh dự thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, nguồn lực tài nguyên văn hóa mà chúng ta sở hữu giữ vị trí khá cao, thứ 25/117 nền kinh tế.
Chỉ tính riêng tại Huế, sự kế thừa những giá trị đặc sắc của văn hóa bản địa kết hợp với tinh hoa văn hóa các triều đại quân chủ đã kết tinh trong lòng cố đô một kho tàng di sản đồ sộ được UNESCO ghi nhận. Ngoài ra, toàn tỉnh có gần 1.000 công trình, địa điểm được kiểm kê, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia và 3 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ninh Bình tự hào chọn slogan “Điểm đến của di sản thế giới”, khi chỉ tính riêng ở mảng di sản vật thể, tỉnh đã có tới 388/1.821 di tích được xếp hạng, trong đó có 81 di tích cấp quốc gia, 3 di tích quốc gia đặc biệt và 1 di sản hỗn hợp thế giới. Ngoài ra, 312 di sản văn hóa phi vật thể, 225 lễ hội truyền thống cùng nhiều nét tinh hoa ẩm thực đặc sắc tụ hội như thịt dê, cơm cháy, rượu Kim Sơn, mắm tép Gia Viễn... đã góp phần đưa Ninh Bình lọt vào danh sách “điểm đáng đến nhất thế giới” của Tạp chí Forbes năm 2023. Nhìn từ hai thí dụ trên, không có gì lạ khi ba năm 2019-2020-2022, Việt Nam đều giành chiến thắng ở hạng mục “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” do World Travel Awards bình chọn.
Hiệu quả kinh tế mà nguồn tài nguyên vô giá này mang lại là không hề nhỏ. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, phát triển sản phẩm DLVH đã góp phần mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương nói riêng và cả Việt Nam nói chung (tổng thu từ khách du lịch tăng hơn 5 lần, từ 96.000 tỷ đồng năm 2010 lên 720.000 tỷ đồng năm 2019, trung bình tăng 26,9%, đóng góp hơn 7-8% GDP và tác động lan tỏa hơn 13,9% GDP; tạo ra hơn 1,2 triệu việc làm trực tiếp và 3,6 triệu việc làm gián tiếp).
“Khai thác du lịch, dịch vụ từ di sản văn hóa đã đóng vai trò chủ đạo của kinh tế địa phương, doanh thu toàn xã hội từ du lịch dịch vụ dựa trên nền tảng phát huy giá trị văn hóa truyền thống chiếm tỷ trọng cao. Số liệu thống kê từ năm 1990 đến năm 2019, du lịch liên tục tăng trưởng trên tất cả mọi chỉ tiêu. Trong đó điểm đáng lưu ý là 85% du lịch Huế là DLVH di sản. Điều này cho thấy, di sản văn hóa Huế có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, cụ thể là đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ”, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

“Ký ức Hội An” là điểm nhấn giúp Đảo ký ức Hội An được giải thưởng du lịch thế giới 2022 vinh danh là “ điểm đến vui chơi giải trí hàng đầu”.

“Ký ức Hội An” là điểm nhấn giúp Đảo ký ức Hội An được giải thưởng du lịch thế giới 2022 vinh danh là “ điểm đến vui chơi giải trí hàng đầu”.

Định vị thương hiệu điểm đến
bằng những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, DLVH hướng tới hai tệp khách hàng chính. Trong lượng lớn 90% coi các điểm tham quan văn hóa là một phần của hành trình thì cũng có hơn 60% coi việc có ít nhất một điểm DLVH trong chương trình là đòi hỏi quan trọng. Còn với 10% khách xếp điểm đến văn hóa là mục tiêu chính của chuyến đi thì có tới 29% làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

“Trong số khách DLVH chung, số chọn tham quan bảo tàng chiếm khoảng 59%, thăm các di tích lịch sử, di sản văn hóa chiếm khoảng 56% cao hơn nhiều đi dự các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống, theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD. Do đó, để thu hút khách mê DLVH, một số quốc gia đã đầu tư các chương trình nghệ thuật tổng hợp để kể một câu chuyện về lịch sử, văn hóa của một dân tộc, một địa phương thông qua các trình diễn văn hóa truyền thống-hiện đại và thu được kết quả tích cực”, ông Bình bổ sung.

Đó cũng là lý do mà “Tinh hoa Việt Nam” - “Chương trình tái hiện các điển tích lịch sử truyền thống Việt Nam nhiều nhất” lung linh trên đảo ngọc Phú Quốc. “Ký ức Hội An” thắp sáng Phố Hội hằng đêm với danh hiệu “điểm đến vui chơi, giải trí hàng đầu”; “Vũ điệu trên mây” in đậm dấu ấn Tây Bắc mang tới vị trí “điểm du lịch văn hóa hàng đầu” cho Sun World Fanxipan Legend trong Giải thưởng Du lịch thế giới 2022. “Tinh hoa Bắc Bộ” được kênh truyền hình CNN xếp vào danh sách “ nhất định phải xem” khi tới Hà Nội... Không chỉ có vậy, mới đây Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ thông tin về đề án quy mô “Tứ đại cảnh - Huyền thoại Việt Nam” nhằm “quảng bá du lịch - văn hóa bằng nghệ thuật biểu diễn và công nghệ hiện đại” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng. Là loại hình sân khấu thực cảnh kết hợp công nghệ 3D Mapping cùng AR Realtime- Virtual, đây là chương trình nghệ thuật dân gian đương đại tổng hợp nhằm tạo ra những trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao cho du khách.

Cũng cần phải ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của rất nhiều địa phương, khi liên tục cho ra đời những sản phẩm DLVH định vị thương hiệu điểm đến theo những cách thức linh hoạt, sáng tạo và thu hút du khách bậc nhất. Huế đã kịp định danh hàng loạt thương hiệu “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”... nhờ chuỗi hoạt động festival sáng tạo suốt hai thập kỷ, với 10 kỳ Festival Huế, 7 kỳ Festival Nghề truyền thống và năm nay có thêm Festival bốn mùa. Hà Nội trở thành điểm đến văn hóa - giải trí được công chúng yêu thích, mỗi khi Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon Music Festival) tái ngộ thường niên vào dịp tháng 10, mỗi khi Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) cứ hai năm một lần trở lại. Đà Nẵng được World Travel Award hai lần xướng tên ở hạng mục “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á” (năm 2016 và 2020) nhờ chuỗi 11 sự kiện thường niên Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng thắp sáng sông Hàn, nhờ Liên hoan phim quốc tế Đà Nẵng sẽ diễn ra định kỳ hàng năm từ 2023. Du khách chọn đến TP Hồ Chí Minh để hòa mình trong không khí hội hè sôi động của Lễ hội âm nhạc quốc tế HOZO Festival, đến với 1 trong 5 cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam tại Ninh Bình để ngắm bức tranh dệt nên bởi thảm lúa vàng rộng 9.500m2 trong lễ hội
“Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An” mỗi dịp tháng 5... Từ nhiều năm nay, thiết kế hành trình bám theo các sự kiện văn hóa được diễn ra vào thời gian và địa điểm cố định đã trở thành thói quen của nhiều du khách trong và ngoài nước, khi có kế hoạch khám phá Việt Nam. Đà Nẵng từng thu hút tới gần 1 triệu du khách trong Lễ hội Pháo hoa quốc tế 2019, một con số rất ấn tượng!

Đã có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống bắt tay với du lịch và đạt được thành công. Như Nhà hát múa rối Thăng Long luôn sáng đèn quanh năm ngay giữa trung tâm Thủ đô, ngày cao điểm phục vụ cả nghìn du khách với 4-5 suất diễn. Như sân khấu biểu diễn múa rối là điểm nhấn yêu thích của Tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long. Như chiếu xẩm Hà Thành, khách đứng vòng trong vòng ngoài khu phố đi bộ thưởng thức từ đầu tới cuối...Và đã có nhiều làng nghề nổi tiếng và đổi đời nhờ du lịch, khi tựa lưng vào văn hóa để đi lên như làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), làng hương Thủy Xuân (Huế), làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam), làng bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi)... Và cũng không thể quên danh sách 130 nhà hàng, quán ăn vừa xuất hiện trong cuốn Michelin Guide đầy quyền lực (trong đó có bốn cái tên được gắn một sao nằm tại Hà Nội-TP Hồ Chí Minh) sẽ lọt vào tầm ngắm của mọi du khách toàn cầu chung niềm đam mê ẩm thực Việt.

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã giúp Đà Nẵng trở thành “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á”. Ảnh: Sun Group

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã giúp Đà Nẵng trở thành “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á”. Ảnh: Sun Group

Còn rất nhiều việc phải làm

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định rõ: “tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của từng điểm đến”. Trong đó nhấn mạnh “chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh và góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam với bè bạn quốc tế”.

Thế nhưng, như nhận định của TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thì hiện tại “sản phẩm du lịch Việt Nam nói chung và các sản phẩm DLVH vẫn còn chậm đổi mới, ít sáng tạo, còn trùng lặp giữa các địa phương, vùng miền. Thiếu tính đồng bộ và liên kết trong phát triển sản phẩm, cũng như liên kết giữa các địa phương với nhau trong quá trình khai thác các tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch, vì vậy chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng bền vững. Bên cạnh đó, nhiều tài nguyên DLVH có giá trị của Việt Nam vẫn chưa được đầu tư khai thác tương xứng với tiềm năng, nhiều điểm tài nguyên văn hóa có giá trị chưa được đầu tư khai thác thành các sản phẩm du lịch. Bảo đảm sự hài hòa giữa khai thác và bảo tồn tài nguyên DLVH cũng là khó khăn rất lớn”.

Lên Sa Pa hay tới Bắc Hà, du khách thường than phiền về sự sao chép của các sản phẩm du lịch bản địa, khi có thể thưởng thức lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà, lúng liếng chợ tình Khau Vai ở một vài địa phương khác. Về đồng bằng sông Cửu Long, chỗ nào cũng có thể trải nghiệm sản phẩm du lịch sông nước, sinh thái miệt vườn na ná nhau. Với một tour khám phá miền Tây Nam Bộ, khách chỉ cần ghé Cần Thơ, đi chợ nổi Phụng Hiệp, chèo thuyền len lỏi trên kênh rạch, thăm vườn cây ăn trái, nghe đờn ca tài tử, ăn lẩu cá kèo... là hết muốn trải nghiệm những địa phương còn lại. Chủ tịch Hội đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân thấy buồn, khi nhận thấy thực đơn của các địa phương lân cận trùng lặp rất nhiều, khó nhận diện khi đi thực tế một vệt các tỉnh Tây Bắc.

Ngày 18/5 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, trong đó nhấn mạnh một số nội dung liên quan đến định hướng phát triển loại hình DLVH. Trong nội dung phát triển sản phẩm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ “phát triển, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc” cùng “phát triển thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc”.

Vài năm trở lại đây, du lịch đã dần trở thành một ngành công nghiệp văn hóa và ngày càng khai thác, chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên giàu có thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Trên lộ trình ấy, còn quá nhiều đầu việc phải làm, để có thể đánh thức tiềm lực DLVH, để những chủ trương, quyết sách của các cấp lãnh đạo phát huy hiệu quả, để những nỗ lực của từng doanh nghiệp và người dân nhận về mùa trái ngọt.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Hồ Cúc Phương, Mai Lữ, Đàm Bảo Ngọc, Trương Thu Hiền
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Huyền Nga, Sun Group, Báo quân đội nhân dân, Sở du lịch Ninh Bình, nguồn internet