Thông điệp của tình yêu (Nhân đọc bài thơ Có thể thế chăng? của Nguyễn Hồng Vinh)

NHÀ thơ lớn người Thổ Nhĩ Kỳ Nadim Hikmet (1902 - 1963) có một tứ thơ hay: "Lại nói về em nữa", từng được nhiều người Việt Nam lưu giữ trong "sổ tay thơ" của mình. Đến giờ, "Lại nói về em nữa" vẫn đi cùng năm tháng. Bài thơ có những câu đáng nhớ: Ta yêu nơi em cuộc phiêu lưu của chiếc tàu lên đường đi Bắc Cực/ Ta yêu nơi em sự táo gan của những người đánh cuộc đi tìm những phát hiện lớn lao/ Ta yêu nơi em cái xa vời rộng cao/ Ta yêu nơi em cái không thể nào đạt tới… Vâng, chính sự không thể nào đạt tới, đã làm cho tình yêu thêm nghĩa mới mẻ. Nói một cách khác: Sự không thể nào đạt tới đã tạo nên lực hấp dẫn muôn thuở của tình yêu. Ấy cũng là hành trình tới đích của tình yêu. Chính "hành trình tới đích", không phải "đích", đã làm tình yêu trở nên bí ẩn muôn đời.
0:00 / 0:00
0:00
Thông điệp của tình yêu (Nhân đọc bài thơ Có thể thế chăng? của Nguyễn Hồng Vinh)

Anh sẽ đến tận cùng sông gặp bể

Tìm em nơi có những cánh buồm

Và leo lên đỉnh Phanxipăng giữa mùa gió tuyết

Đón em về, sưởi bằng trái tim anh

Anh bỏ bữa, quên ăn

Thấy quanh mình chỉ là hoang hoải

Chắc em đang vít rượu cần cùng bạn

Còn anh như lạc vào hang sâu giá lạnh

Chung quanh xào xạc lá rừng

Lẽ nào đời chỉ còn dấu chấm?

Có thể là nay mai

Kỷ niệm đẹp đôi ta thuộc về quá vãng

Có thể là trên chặng đường tìm trốn

Em gặp lại người bạn vong niên?

Họ đưa em đến rừng hoa sắc màu vô tận?

Cái hữu hạn đã thành vô hạn

Cái vô hạn lại như bị đóng khung

Bao ước vọng nâng giấc đời anh

Bỗng tan vụn vì bóng em xa ngái!

Như giông bão nối nhau, đến lúc cũng phải ngưng

Dẫu khổ đau trên thế gian này mãi còn hiện hữu

Ta vẫn cần sẻ chia

Anh vững tin tình yêu chúng mình trở lại...

Tháng 7/2023

NHÀ thơ lớn người Thổ Nhĩ Kỳ Nadim Hikmet (1902 - 1963) có một tứ thơ hay: "Lại nói về em nữa", từng được nhiều người Việt Nam lưu giữ trong "sổ tay thơ" của mình. Đến giờ, "Lại nói về em nữa" vẫn đi cùng năm tháng. Bài thơ có những câu đáng nhớ: Ta yêu nơi em cuộc phiêu lưu của chiếc tàu lên đường đi Bắc Cực/ Ta yêu nơi em sự táo gan của những người đánh cuộc đi tìm những phát hiện lớn lao/ Ta yêu nơi em cái xa vời rộng cao/ Ta yêu nơi em cái không thể nào đạt tới… Vâng, chính sự không thể nào đạt tới, đã làm cho tình yêu thêm nghĩa mới mẻ. Nói một cách khác: Sự không thể nào đạt tới đã tạo nên lực hấp dẫn muôn thuở của tình yêu. Ấy cũng là hành trình tới đích của tình yêu. Chính "hành trình tới đích", không phải "đích", đã làm tình yêu trở nên bí ẩn muôn đời.

Hành trình tới đích hay hành trình tìm kiếm của "Có thể thế chăng?" được khởi phát từ:

Anh sẽ đến tận cùng sông gặp bể

Tìm em nơi có những cánh buồm

Và leo lên đỉnh Phanxipăng giữa mùa gió tuyết…

"Đến tận cùng sông gặp bể và leo lên đỉnh Phanxipăng giữa mùa gió tuyết" là bề sâu và đỉnh cao thử thách của một cuộc kiếm tìm không ngừng, không nghỉ vì tình yêu.

Và vì chưa gặp được em, chưa tìm được em, nên nỗi đau khổ hoang mang mới hành hạ anh như một lẽ tất yếu. Rồi anh bỏ bữa, quên ăn/ Thấy quanh mình chỉ là hoang hoải và tự mình mường tượng ra những gì chống lại tình yêu, đến nỗi có lúc anh bi quan đến mức phải thốt ra một câu ngỡ khó có thể bi quan hơn: Lẽ nào đời chỉ còn dấu chấm! Dấu chấm ở đây, cũng có thể hiểu là dấu chấm hết, là sự kết thúc.

Ba khổ thơ đầu như có tác dụng ghìm nén để được giải tỏa, giải thoát ở khổ thơ khác lạ tiếp theo sau:

Cái hữu hạn đã thành vô hạn

Cái vô hạn như bị đóng khung

Bao ước vọng nâng giấc đời anh

Bỗng tan vụn vì bóng em xa ngái.

Riêng hai câu: Cái hữu hạn đã trở thành vô hạn/ Cái vô hạn như bị đóng khung có tính triết lý cao, không dễ dàng mà viết được. Và chỉ riêng hai câu này thôi, cũng đã đủ góp phần nâng vực tứ thơ thêm những tầng nấc mới.

Chưa hết. Trong khổ cuối đồng thời cũng là khổ kết, tác giả "Có thể thế chăng?" lại tiếp tục mạch triết lý của ông mang giá trị thâu tóm:

Những giông bão nối nhau, đến lúc cũng phải ngưng

Dẫu khổ đau trên thế gian này còn hiện hữu…

Nhưng quan trọng hơn, vẫn là:

Ta vẫn cần sẻ chia

Anh vững tin tình yêu của chúng mình trở lại…

Sự sẻ chia làm chúng ta không thể xa nhau. Đức tin làm cho anh sống để hy vọng. Không có gì là không thể. Và tình yêu là mãi mãi, tình yêu là vĩnh cửu, tình yêu trường tồn… Đó là thông điệp của khổ thơ này và cũng là thông điệp của tình yêu.

Không ít người lâm vào hoàn cảnh này thường bất lực, buông xuôi. Hãn hữu có trường hợp để cho nỗi đau khổ "đè" đến chết người. Nhưng nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh không thế! Ông đã vượt thoát mà vẫn không buông bỏ.

Giản dị mà sâu lắng. Làm khác thường một điều bình thường một cách tự nhiên. Đó là đường đi của tứ thơ này. Và tôi tin "Có thể thế chăng?" sẽ chinh phục độc giả từ mấy thế mạnh này.

Viết đến đây, tự dưng tôi lại nhớ đến hai câu thơ viết về tình yêu (cái tình) thật tài tình của nhà thơ Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858):

Cái tình là cái chi chi

Dẫu chi chi cũng chi chi với tình.

Hà Nội đêm 2/8/2023