Nguyễn Tiến Thanh:

Tài hoa đi giữa miền phiêu lãng

“Đêm phố xá nhớ về đêm cư xá”

Ký họa chân dung nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Những ngày dịch giã giãn cách hiu hiu này, lại nao nao nhớ những đêm thơ sinh viên đông nghịt các tín đồ với những nhà thơ thành danh và những tác giả đang cựa mầm triển vọng. Trong số đó có các sinh viên Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội mà Nguyễn Tiến Thanh là một trường hợp. Anh học K30 và cùng với những Nguyễn Đức Hạnh, Xuân Hải... tạo nên những giọng thơ thú vị một thời.

Tiến Thanh làm thơ từ độ tuổi thanh xuân. Quãng những năm 1986 - 1990, anh cùng các thi hữu trong nhóm thơ Thanh Xuân đi khắp các trường đại học, mang theo không gian thơ đậm chất Văn khoa không lẫn với bất cứ khoa nào. 

Những đêm dài thơ thắp lửa, tựa vào thơ trong những chênh vênh, vĩ cuồng gió mây, chất ngất men say và những mối tình câm lặng. Đời sinh viên nghèo trong nỗi buồn cư xá, ngày nắng thênh thang và đêm gió tơi bời, thơ sưởi ấm qua những mùa gieo neo. Nhóm thơ Thanh Xuân thu hút cả những cây thơ từ nhiều trường đại học. Tiến Thanh trong những người cầm chịch đôn đáo đi gõ cửa các nơi xin kinh phí tổ chức đêm thơ, in tuyển thơ sinh viên. Chỉ có đắm say hết mình mới có được những “hy sinh” như thế! 

Sau này ra trường làm báo, cứ ngỡ thi tứ đã trôi theo “Đôi mắt huyền thăm thẳm những mùa thu” ngày ấy, để lao tâm khổ tứ với vai trò thuyền trưởng tờ báo đình đám Đời sống và Pháp luật. Bẵng đi một chặng trầm khi báo anh chuyển sang “Thời của tạp chí”, thật bất ngờ, anh cho in hẳn hai tập thơ, một tập tiểu luận. Thơ tài hoa, còn tiểu luận thì tổng kết dọc ngang những xu hướng làm báo thời @ với vinh quang và cả đắng đót. Đó như một cách trả lời đích đáng cho sự lặng im mấy chục năm của anh.

Tiến Thanh giản dị và chân tình. Lúc lên sân khấu khai mạc giải bóng đá, khi đón khách lễ kỷ niệm sinh nhật báo..., anh đều ẩn trong dáng vẻ thi sĩ. Nhưng ít ai nghĩ tay lãng tử thơ lại kiêm chủ một tờ báo thương trường thích ứng nhanh với sự chuyển đổi truyền thông. Cả một giai đoạn dài tờ báo của anh đứng hàng top những tờ báo có tia-ra phát hành lớn. Anh tung quân tổ chức các diễn đàn văn nghệ không xuôi chiều mà phản biện quyết liệt với sự tham gia của các nhà văn có tên tuổi; xây dựng các chuyên trang kết hợp hàm lượng thông tin với bình luận, phân tích sâu... Đó là những kinh nghiệm anh tích lũy từ những ngày là phóng viên mảng điều tra tờ Thanh Niên và làm quản lý báo Gia đình và Xã hội. Dù thành công với vai trò của một chủ bút nhưng niềm say mê thơ ca vẫn đủ năng lượng giúp anh tiếp tục theo đuổi cuộc chơi từ thời sinh viên.

“Đầu trần đi giữa nắng nhân gian”...

Hai tập thơ “Chiều không tên như vết mực giữa đời” và “Loạn bút hành” viết thời sinh viên và những ngày làm báo sau này, bìa tối giản, không lòe loẹt hình họa; core chữ thơ chân phương được trình bày trên giấy kraft mộc. Hai tập thơ, hai vệt thời gian nhưng không đứt gãy mà vẫn một mạch dấu ấn Tiến Thanh dù sắc thái có khác nhau. Thời sinh viên “viển vông, vĩ cuồng, xa rời thế sự”... thì sau này thơ anh gắn với đời hơn, với miếng cơm manh áo, những đớn đau kiếp nhân sinh. Thơ anh xuôi theo hai bờ nhân gian và tình ái, triết học và thi ca, giữa thực và ảo, tỉnh và mê, lãng mạn và từng trải... Đi kèm thơ viết thời đại học là giai thoại về những bóng hồng. Nhưng chất vấn anh, anh chỉ cười: “Đó là phiên bản của những mối tình đâu đó quanh đây”. Thi sĩ dễ gì thừa nhận dù chính anh đã từng “thú tội”:

Em có biết rằng em là gió lạ
Thổi rạp đời anh - ngọn cỏ mùa thu
 

Viết chơi, không coi đó là sáng tác nhưng lại tạo phong cách riêng. Những câu kiêu bạc, phóng túng dạng “hành”, hơi hướng của những lữ khách túi thơ bầu rượu kệ mặc những phai nhạt ngoài kia: 

Thì em cứ hát lời đơn bạc 
Người đi chí lớn vẫn cơ hàn
Ta vốn chẳng thèm kiêng gió cát 
Đầu trần đi giữa nắng nhân gian

Nhưng dù thế nào, tác giả vẫn tìm thấy nơi cánh đồng hoang vu thứ ánh sáng vĩnh cửu của nhân bản, thiện tâm: 

Nhưng anh biết cỏ mùa thu bất tử
Bởi cơn mưa dằng dặc cuối chân trời
Những khô khát bật mầm trên ruộng cũ
Cỏ dịu hiền, biếc nõn tuổi hai mươi...

Có những câu từ lạ chỉ có thể đến từ một cá tính thơ không chịu thuận chiều nhàn nhạt. Định danh, định tính cho những mắt - môi - nắng - mưa, những cụm từ... mà nếu người khác viết dễ sa vào sáo rỗng, anh biến thành khái niệm và chúng chợt như có tiếng nói riêng, ngân vang giàu nhạc điệu. Không khó nhặt ra những thi ảnh, câu thơ đẹp: Mặt hồ buồn như mắt bạn tôi; Ta phơi mây trên những đỉnh sương mù; Đêm thương nhớ - anh muốn thành cơn gió/ Thổi qua vòm lá biếc sau mưa...

Anh nói anh yêu và đồng điệu với Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Nhuận Cầm... nhưng giọng thơ vẫn không trộn lẫn bởi anh có các loại vũ khí riêng anh: Thơ tự do, thơ văn xuôi, năm, sáu  chữ, lục bát... đủ cho viên đạn thơ găm trúng cái đích nhất quán: “Thơ phải là ngôn từ tấu lên trong vần - điệu”. Vì thế, dù là thơ thế sự, thơ công dân, đề tài biển đảo... vẫn được bay trên đôi cánh đẹp của ngôn từ, và giấu trong đó hình hài một thi sĩ luôn yêu vẻ trữ tình. Anh bảo, thơ phải tạo câu hay để dễ thuộc. Những nữ sinh chép thơ anh vào cuốn sổ, giờ có lẽ đã ngả màu mái tóc, nhưng “Đôi mắt huyền thăm thẳm những mùa thu”, “Lục bát tuổi trăng tròn”, “Viết với đôi mắt đen”... vang lên trong những sân khấu thơ sinh viên vẫn vẹn nguyên trên giấy úa như cất giữ những tháng năm trẻ dại và tinh khôi. Cũng vì thế chăng, anh in thơ trên giấy kraft nâu trầm một màu ký ức. Có lẽ với Tiến Thanh và nhiều thi sĩ khác, hạnh phúc chính là được tấu lên những giai điệu cho đời, cho người. Hạnh phúc nằm chính trong niềm trắc ẩn với cuộc chơi mang tên thi ca:

Viên đạn xuyên qua nhiều thế kỷ
Rơi xuống thềm - tan vỡ những đêm sâu
Thơ nói hộ loài người trên mặt đất
Trừ giống nòi viết ra nó - thi nhân.

-----------------------------------------------------

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh.

Quỳnh hương mang phong cách thơ Nguyễn Tiến Thanh giai đoạn sinh viên với nhịp thơ, ý thứ, hình ảnh thơ đồng điệu với lớp trẻ. Những cảm xúc run rẩy ban đầu xen lẫn cả những mất mát đồng hiện trong quỳnh hương, thực ảo giữa hương hoa và hình ảnh người con gái.

Tháng tư được viết trong những ngày Covid 2020, cho thấy những nghĩ suy thế sự của tác giả được chuyển tải trong những nhịp thơ quen. Bài thơ có những suy tư, ám ảnh về một giai đoạn đặc biệt mà lòng người có những dao động. Nhưng trên hết vẫn là cái nhìn nhân bản đầy tin yêu và hy vọng.

Quỳnh hương

Anh mất ngủ, ngàn đêm phiêu bạt
Uống cô miên, khất thực mưa phùn
Quên, nhớ, tiếc, vỗ đàn và hát
May mà còn gập được quỳnh hương.

May mà còn sương trắng cuối bờ sông
Để anh nhớ mưa nguồn và chớp bể
Quỳnh hương ấy xin đừng bay mất nhé
Em xin đừng lơ đãng dẫm lên trăng

Nhưng mà rượu cứ như là nước lã
Trăng hạ huyền sao nỡ gọi trăng suông
Đêm phố xá nhớ về đêm cư xá
Anh bụi đời đi nhớ một người dưng

Nghe lá vỡ dưới chân mình hun hút
Ngỡ tóc ai dài hơn cả con đường
Châm điếu thuốc, đem tháng ngày ra đốt
May mà còn gặp được quỳnh hương.

6_1-1625226757836.jpg
 Minh họa: ĐẶNG TIẾN

Tháng Tư

Tôi đã sống qua một mùa lạ lắm
Tháng Tư về trong ngơ ngác heo may
Chiều sắp hạ sao trời không có nắng?
Gió âu lo hiu hắt thổi qua ngày

Tôi đã sống trong phố phường lạ lắm
Những con đường quạnh quẽ mưa rơi
Đến lá úa cũng rụng vào im lặng
Mặt hồ buồn như mắt bạn tôi.

Chợ rất vắng, quán hàng xa nhau lắm
Thế giới mênh mang khép chặt tim người
Những biên giới như hàng rào cửa đóng
Tháng Tư này - tôi nhớ - tháng Tư ơi.

Tôi nhớ lắm trời xanh và mây trắng
Trời của mùa, mây của gió mà thôi
Cà phê đắng - rơi đi - thời gian đắng
Từng giọt buồn hạnh phúc quanh tôi.

Tôi nhớ lắm, hỡi ngày thường vô tội
Rác rưởi, âm thanh, ô nhiễm, bụi đời
Chen chúc, vô tâm, xô bồ, chật chội
Nhặt niềm vui trên mỗi dấu chân người

Nếu tất cả đã không còn nguyên vẹn
Tháng Tư này không giống giấc mơ xưa
Sao không thể hát lên lời cầu nguyện
Hết mưa phùn, rồi sẽ lại... tháng Tư.

Hà Nội-tháng Tư mùa Covid.

(17/4/2020)