Ô nhiễm không khí

Thêm giải pháp ứng phó khẩn cấp

Ô nhiễm không khí tại các đô thị Việt Nam không còn là câu chuyện mới khi Thủ đô Hà Nội liên tiếp có tên trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Cùng với những giải pháp từng bước giảm tình trạng ô nhiễm, thì các giải pháp phòng chống tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người cần được quan tâm, chú trọng ngay lúc này.
0:00 / 0:00
0:00
Màn sương mờ do ô nhiễm không khí bao phủ khu vực nội đô Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt
Màn sương mờ do ô nhiễm không khí bao phủ khu vực nội đô Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt

VỪA qua, Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo, đối với trẻ nhỏ lớp mẫu giáo, học sinh bậc tiểu học có thể xem xét cho nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại ba ngày liên tục. Nếu bắt buộc đi học, cần tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc điều chỉnh thời gian học cho phù hợp - đánh dấu giải pháp ứng phó khẩn cấp đầu tiên.

Giải pháp cho học sinh nghỉ học hiện nay được đưa ra xem xét và cân nhắc nhiều hơn phần lớn dựa trên thành tựu của quá trình chuyển đổi số, khi học online đã trở thành khái niệm quen thuộc với cả người dạy và người học. Đây cũng là điều kiện giúp giáo viên có thể hướng dẫn, kết nối với học sinh, không làm gián đoạn hay làm chậm chương trình học. Do đó, trong những tình huống khẩn cấp hoàn toàn có thể cân nhắc đến giải pháp cho học sinh học tại nhà, tương tự như cách các trường học tại khu vực miền bắc cho học sinh bậc mầm non và tiểu học nghỉ học khi thời tiết dưới ngưỡng 10 độ C.

PGS, TS Trần Thành Nam (Phó hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ quan điểm: "Tuy việc nghỉ học hiện nay vẫn có nhiều giải pháp để không làm gián đoạn chương trình học tập, cũng như không làm ngắt kết nối của học sinh với nhà trường, thế nhưng, chúng ta cũng phải đồng ý với nhau rằng cách làm này chỉ như ở phần ngọn. Khi nhận thấy những nguy cơ, vấn đề đối với học sinh thì quan trọng nhất vẫn là có chính sách quản lý phù hợp, nghiêm khắc hơn, như di dời nhà máy ra khỏi khu vực thành phố, kiểm duyệt một cách khắt khe lượng khí thải,… Tức là cần nhiều giải pháp về quản lý môi trường để giải quyết phần gốc".

Bên cạnh đó, rõ ràng ô nhiễm không khí không cần phải chạm ngưỡng nguy hại mới có thể gây hại cho trẻ em mà người lớn, người lao động cũng chịu tác động không nhỏ. Vậy phải ứng phó thế nào với tình trạng đó?

Ông Trần Thành Nam đề xuất giải pháp cần làm ngay lúc này: "Các chương trình bổ sung dạy cho các con kỹ năng bảo vệ bản thân mới là giải pháp cấp thiết. Chúng ta có thể tạm gọi là kỹ năng sinh tồn, trước đó chúng ta chỉ nghĩ nhóm kỹ năng này chỉ có bơi, sơ cấp cứu cơ bản,… thì nay bộ kỹ năng cần được mở rộng hơn rất nhiều. Làm sao để các con biết bản thân phải luôn đeo khẩu trang khi đi ngoài đường, hay nhiều kỹ năng khác để bảo vệ sức khỏe bản thân (như rửa tay chẳng hạn) là nội dung đơn giản nhưng lại rất cần nhà trường và gia đình cùng kết hợp rèn luyện tạo thành thói quen cho học sinh".

Như vậy, với vế thứ hai của khuyến nghị của Cục Quản lý môi trường, "nếu bắt buộc đi học cần tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc điều chỉnh thời gian học cho phù hợp", chúng ta hoàn toàn có thể tranh thủ thời gian học sinh hạn chế các hoạt động ngoài trời để tổ chức các hoạt động bổ sung thêm các kỹ năng cần thiết.

Với cộng đồng, tác động của ô nhiễm không khí cũng nguy hại không kém. Cục Quản lý môi trường y tế đã đưa ra khuyến nghị chung, người dân nên thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố để thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe phù hợp.

Nhưng điều đáng nói, chỉ số chất lượng không khí AQI đang được sử dụng làm thang đo thống nhất để đánh giá chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, lại chưa nhận được sự quan tâm và thông báo thống nhất. Thông thường với nhóm người dân quan tâm đến chỉ số này phải tự tìm hiểu trên các trang thông tin khác nhau. Do đó, bên cạnh cập nhật nhiệt độ, cảnh báo mưa, thời tiết, thông số về ô nhiễm không khí cũng cần được nhắc đến thường xuyên hơn và thống nhất trên phương tiện thông tin đại chúng, cho đến khi AQI cũng trở nên phổ biến tương tự như thang đo nhiệt độ của khung dự báo thời tiết.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư.