Nâng cao chất lượng mọi nguồn lực
- Thưa ông, ông có ý kiến gì thêm chung quanh quan niệm lâu nay rằng, nguồn nhân lực là cốt lõi trong hoạt động của các ngành nghề, nhất là những ngành đặc thù như hoạt động bảo tàng?
- Đúng là trong lĩnh vực nào thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Nhưng với riêng ngành bảo tàng ở nước ta, để duy trì và phát triển nó, cá nhân tôi thấy cần bao hàm thêm rất nhiều yếu tố khác, quan trọng không kém, bởi để nhận thức đầy đủ về hoạt động bảo tàng thì hoàn toàn không đơn giản. Đây là một ngành của đa ngành, hội tụ ba trụ cột quan niệm: khoa học-nghệ thuật-công nghệ. Thêm vào đó, thước đo chất lượng hoạt động của ngành này lại chính là công chúng, một thứ thước đo động-luôn được bổ sung về số lượng và chất lượng, đặc biệt là sự tiến bộ trong nhận thức và nhu cầu của họ theo thời gian.
- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về ba trụ cột quan niệm trong hoạt động bảo tàng: khoa học-nghệ thuật-công nghệ?
- Tính khoa học cần được tuân thủ xuyên suốt trong mọi nội dung hoạt động của bảo tàng, từ nghiên cứu, bảo quản và trưng bày hiện vật đến tất cả các hoạt động liên quan để tạo nên một trưng bày có sức hấp dẫn công chúng, đồng thời tôn trọng sự chân thực lịch sử.
Tính nghệ thuật được thể hiện ở cách tạo ra một/nhiều câu chuyện kể trong một trưng bày, ở đó, có kịch tính, có cao trào cảm xúc, phải khơi gợi được cảm xúc và gây ấn tượng trong nhiều tầng lớp công chúng thì mới thu hút họ đến tham quan. Nghệ thuật còn được thể hiện ở phần thiết kế trưng bày, từ kiến tạo không gian làm thế nào cho có lộ trình tham quan hợp lý, không bị kẹt giao thông, không có "góc chết", đến việc chọn lựa mầu sắc, kiểu chữ, cỡ chữ, tạo điểm nhấn và nghệ thuật sử dụng ánh sáng.
Về công nghệ, phải nhấn mạnh, bảo tàng là nơi cần được áp dụng công nghệ tiên tiến nhất trong mọi khâu. Nhưng công nghệ sẽ không hiệu quả nếu không có nghiên cứu nội dung bài bản, khoa học để làm chất liệu phong phú dẫn lối chúng đến với khách tham quan. Sử dụng công nghệ phải luôn tính đến sự phù hợp và hiệu quả.
Dựa trên ba trụ cột này mà soi chiếu lại hoạt động bảo tàng ở nước ta, cá nhân tôi thấy chúng ta cần có một thay đổi toàn diện trong nhận thức về hoạt động bảo tàng. Đây là một phức hợp đa dạng nghề nghiệp với các bộ phận cấu thành mà bộ phận nào cũng cần có nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp.
"Góp gió thành bão"
- Thưa ông, vấn đề đào tạo nhân lực trong ngành này lại liên quan mật thiết đến ngành giáo dục; vấn đề công nghệ tiên tiến cho bảo tàng đồng thời liên quan đến công tác tài chính, kế hoạch đầu tư… Rõ ràng ở đây, để thúc đẩy hoạt động bảo tàng tiến bộ hơn, bản thân từng bảo tàng không thể đảm đương mà cần một chiến lược hoạch định vĩ mô.
- Về lý thuyết thì là như vậy. Nhưng nếu bản thân những người làm bảo tàng hiện nay tự nhận thức lại được về vị trí nghề nghiệp của mình, về khả năng truyền thụ kiến thức cũng như sức hấp dẫn của tri thức từ di sản đến với công chúng hôm nay thì câu chuyện sẽ khác. Trong thực tế, có không ít bảo tàng ở nước ta đã tự vận động để tiến bộ lên, trở thành điểm đến hấp dẫn hơn theo thời gian, và người của bảo tàng đó lại trở thành chuyên gia hướng dẫn các bảo tàng khác cùng tiến bộ.
- Vậy nhận xét của ông về cách mà mạng lưới bảo tàng ở nước ta đã và đang hợp lực, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau để cùng vững mạnh?
- Tôi nhớ là năm 2007-2008, nhóm các bảo tàng hạng 1 của nước mình đã họp nhau lại và cùng thực hiện một ấn phẩm chung, tiêu đề Các bảo tàng quốc gia Việt Nam (ba ngữ: Việt, Anh, Pháp). Đấy là hoạt động chung đầu tiên giữa các bảo tàng với nhau, tuy chỉ có nhóm hàng đầu. Tiếp theo đó, Hội đồng Quốc tế các bảo tàng (International Council of Museums - ICOM) có đưa ra mô hình Ngày Bảo tàng quốc tế (International Museum Day) và sau đó ICOM Việt Nam đã phát động các bảo tàng trong nước tham gia chương trình này, nhưng là tùy điều kiện từng bảo tàng, chủ yếu là thông tin trên truyền thông xã hội (Facebook) chứ chưa có hoạt động gắn kết hiện hữu cụ thể nào trong toàn bộ mạng lưới bảo tàng trong nước, kiểu như mô hình Đêm bảo tàng ở nhiều khu vực trên thế giới: Trong một buối tối nào đó của năm, tất cả các bảo tàng đều mở cửa đến nửa đêm, thêm nhiều hoạt động bên lề và miễn phí vé cho khách thăm. Mục đích cuối cùng vẫn là thu hút công chúng đến với chúng ta, tạo nên văn hóa.
- Từ thực tế tồn tại của hệ thống bảo tàng ở nước ta hiện nay, ông có thể đưa ra một gợi ý cho việc tận dụng và hội tụ mọi nguồn lực hiện có để thúc đẩy chất lượng hoạt động bảo tàng, đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng?
- Tôi cũng không có sáng kiến gì độc đáo đâu mà ý này tôi học được từ một chuyến đi Hà Lan, một thủ đô nhỏ xíu mà có đến hàng trăm bảo tàng lớn nhỏ. Từ thực tế nước mình, tôi thấy là thí dụ, ở mỗi địa phương, bên cạnh bảo tàng tỉnh, nên có càng nhiều càng tốt các bảo tàng đi sâu vào một nội dung nhỏ, mang tính đặc thù địa phương hoặc có sự độc đáo từ đầu tư bảo tàng hay không gian trưng bày tư nhân ở địa phương. Chúng có thể là các bảo tàng vệ tinh chung quanh bảo tàng tỉnh, tạo nên một mạng lưới đa dạng, thú vị và riêng có ở địa phương. Mạng lưới này có thể là công tư kết hợp và ở những đơn vị bảo tàng tư nhân được xây mới hoàn toàn lại là nơi để nhân công trong ngành bảo tàng nói chung thực hành những phương pháp làm việc chuyên nghiệp, tự nâng cao tay nghề. Trong lĩnh vực này, tôi được biết có không ít người đã đi học bài bản ở nước ngoài về và hiện cộng tác làm việc như những chuyên viên độc lập, có uy tín. Tôi thí dụ, ở Luang Prabang (Lào), có bảo tàng về nghề dệt của người Lào (Laos Textile Museum), do hai người phụ nữ chung tay làm. Đây là một địa điểm rất nhiều du khách không thể không đến thăm mỗi khi tới cố đô này, bên cạnh hoàng cung Lào và những địa điểm hấp dẫn khác.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
PGS, TS Nguyễn Văn Huy là Giám đốc thành lập Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Chính thức mở cửa đón khách từ cuối năm 1997, bảo tàng này đã đem tới một cái nhìn hoàn toàn mới về công tác bảo tàng trong bối cảnh Việt Nam thời điểm đó. Hiện nay, ông là chuyên gia tư vấn độc lập cho một số dự án trưng bày và những khóa tập huấn cho nhân viên bảo tàng trong nước. Ông cũng là giám đốc chuyên môn của Dự án Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, nơi đang tiến hành công tác chuẩn bị cho sự ra đời một bảo tàng về các nhà khoa học Việt Nam.
Ngày 9/5/2022, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã công bố khởi động dự án hợp tác Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam. Một trong ba hợp phần của dự án là phát triển các chương trình đào tạo về ngành nghề bảo tàng trong các trường đại học ở Việt Nam (bảo quản các bộ sưu tập, xây dựng nội dung trưng bày, bài trí không gian trưng bày, truyền đạt nội dung và đón tiếp công chúng) để đào tạo đội ngũ giảng viên và tạo điều kiện cho bạn trẻ Việt Nam hiểu hơn về các ngành nghề mới trong lĩnh vực bảo tàng.