Thành nhà Hồ đợi khách…

NDO - Một năm sau khi Thành nhà Hồ được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, khách tham quan nơi đây ngày càng đông hơn. Trong sáu tháng đầu năm 2012, đã có hơn 22.000 lượt khách tham quan, trong đó phần lớn là khách trong nước. Điề u này cho thấy cơ hội thu hút khách tớ i điểm đến mang giá trị lịch sử, v ăn hóa, kiến trúc, quân sự cũng như phát triển du lịch Thanh Hóa. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá bé nhỏ.
Trải qua hơn 600 năm, những bức tường thành vẫn đứng sừng sững thách thức với thời gian.
Trải qua hơn 600 năm, những bức tường thành vẫn đứng sừng sững thách thức với thời gian.

THIẾU TOUR, TUYẾN DU LỊCH

Trong hơn 1.500 di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, di tích Thành nhà Hồ còn khá nguyên vẹn, mặc dù những phiến đá nặng hàng chục tấn chỉ xếp chồng lên, không có chất kết dính. Công trình kiến trúc độc đáo Thành nhà Hồ được xây dựng vào năm 1397 trong một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp giữa hai dòng sông Mã và sông Bưởi thuộc địa phận huyện Vĩnh Lộc. Qua hơn 600 năm, điều khiến người ta kinh ngạc và thán phục là công trình vĩ đại này hoàn thành trong vòng chỉ có ba tháng, qua đó thể hiện trình độ xây dựng độc đáo, bàn tay tài hoa và sức lao động sáng tạo tuyệt vời của các “nghệ nhân” thời bấy giờ. Đây là công trình kỳ vĩ, mang những giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là pháo đài quân sự, thể hiện sự gắn kết giữa công trình kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên.

Hành trình tham quan Thành nhà Hồ còn gắn kết với những danh thắng nổi tiếng như di tích thắng cảnh động Kim Sơn, thuộc xã Vĩnh An được xếp hạng cấp quốc gia. Di tích này gồm hai hang động nằm trong dãy Kim Sơn, bắt đầu từ núi Hùng Lĩnh, chạy dọc sông Mã, trông xa như lâu đài, đặc biệt mầu sắc thay đổi theo thời gian và thời tiết. Một năm qua, tham quan di sản Thành nhà Hồ bước đầu cũng đã có kết nối với di tích lịch sử Lam Kinh, căn cứ địa của nghĩa quân Lam Sơn, nơi thờ tự, an táng các vua triều Hậu Lê. Lam Kinh là điểm kết nối du khách đến với di sản Thành nhà Hồ; đến với suối cá Thần Cẩm Lương; đến khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, hệ sinh thái đa dạng, nơi còn bảo lưu được những loài động, thực vật quý hiếm.

Tuy nhiên, so với các di sản đã được công nhận khác, phát triển du lịch ở đây vẫn còn quá khiêm tốn, chủ yếu vẫn là khách tự do, đi theo tuyến gia đình còn khách theo tour và đặc biệt là khách nước ngoài rất ít. Thực tế, các công ty lữ hành có phần “ngại” làm tour đến với Thành nhà Hồ bởi ngoài việc chiêm ngưỡng bốn cổng thành kỳ vĩ, vài mẫu vật cổ, nghe kể chuyện lịch sử, thăm Đàn tế Nam Giao, làng cổ và mua vài đặc sản bánh kẹo Vĩnh Lộc thì dường như không còn gì đáng kể để ở lại. Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ lý giải việc Thành nhà Hồ chưa thu hút khách du lịch, các giá trị vẫn ở dạng tiềm năng chưa được đánh thức, đó là do công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng, đồng thời việc liên kết các tuyến điểm tham quan và các dịch vụ hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, các tour, tuyến du lịch kết nối với Thành nhà Hồ còn hạn chế.

ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG

Việt Nam hiện có ba kinh đô cổ được vinh danh, đó là: Cố đô Huế, Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ. Để tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu độc đáo của Thành nhà Hồ với bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời nhằm đánh thức các tiềm năng của di sản “độc nhất vô nhị” này, tỉnh Thanh Hóa mới dành hàng chục tỷ đồng tổ chức thành công lễ vinh danh Di sản văn hóa thế giới nhằm tăng cường quảng bá, kết nối các tour du lịch Thành nhà Hồ với các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh và quốc tế, cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch ở di sản này...

Thách thức lớn nhất đang đặt ra cho Thành nhà Hồ là làm sao để vừa khai thác, phát triển du lịch nơi đây nhưng vẫn bảo tồn phát huy giá trị độc đáo của di sản. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, PhóTổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, để di sản Thành nhà Hồ thật sự trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, kết nối với các di sản trong tỉnh và các di sản thế giới khu vực miền trung và cả nước, hình thành các tour du lịch di sản thật sự sống động, hiệu quả, các cơ quan chức năng cần tiến hành Quy hoạch phát triển du lịch Thành nhà Hồ nói riêng và xem xét, rà soát, hoàn thiện lại quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa nói chung. Trong quá trình lập và hoàn thiện Quy hoạch, cần tuân thủ các quy định của Công ước bảo vệ Di sản thế giới và xem xét đặc điểm, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội tại di sản Thành nhà Hồ. Ngoài ra, cần chú ý đến vấn đề liên kết trong xây dựng sản phẩm du lịch bao gồm liên kết với các di tích, danh thắng phụcận trong tỉnh như Khu di tích Lam Kinh, Suối cá Cẩm Lương, khu du lịch biển Sầm Sơn, Hoằng Hóa, động Từ Thức và các làng nghề, liên kết các tỉnh thành, đặc biệt với các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, liên kết với nước bạn Lào thu hút khách quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Na Mèo… Khảo sát chung quanh thành Tây đô và vùng phụ cận có tới 36 làng hát ca công và đây là một trong những trung tâm ca trù trong tỉnh Thanh Hóa có mối liên hệ, liên kết với nhiều địa phương hát ca công ngoài tỉnh. Lễ hội cổ truyền diễn ra quanh năm, tiêu biểu là lễ hội Rước nước (Bồng Trung), lễ hội đền Trần Khát Chân - đình Tam Tổng (Vĩnh Tiến), lễ hội Kỳ Phúc ở làng Cẩm Hoàng là những hoạt động thu hút du khách đến với di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt bộc bạch, để phát huy giá trị di sản đòi hỏi đầu tư đồng bộ hạ tầng du lịch, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm du lịch, tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, hướng tới du lịch cộng đồng, làm cho di sản sống trong lòng cộng đồng, thiết thực nâng cao đời sống dân sinh. Với mong muốn phấn đấu đến năm 2015, Thành nhà Hồ sẽ là điểm đến của đông đảo khách trong và ngoài nước, điều cần thiết là đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, cách huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch di sản Thành nhà Hồ và các cụm di tích vệ tinh. Vấn đề cần làm ngay là phải nâng cao trình độ tri thức, giao tiếp, ứng xửcho cộng đồng cư dân chung quanh Thành nhà Hồ.

Song song với phát triển du lịch, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, ưu tiên việc bảo tồn nguyên trạng bằng các phương pháp kỹ thuật hiện đại đối với các di tích khảo cổ khu vực nội thành; khu vực thuộc vùng đệm, ngoại thành “bảo tồn thích ứng” và việc bảo lưu đi đôi với phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ phải gắn kết với không gian Tây đô. Du lịch là giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản tốt nhất, du lịch vừa là động lực, mục tiêu của bảo tồn. Rõ ràng, đặt di sản thế giới trong không gian văn hóa xứ Thanh, kết nối với các trọng điểm du lịch quốc gia, quốc tế sẽ góp phần phá thế “một mùa” trong hoạt động du lịch ở Thanh Hóa.