Thành công phải từ cơ sở

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030 sẽ tiến hành từ tháng 4/2025 và hoàn thành trước ngày 30/6/2025, làm cơ sở quan trọng để Đảng tiến hành đại hội ở các cấp cao hơn. Ngay từ bây giờ, đợt sinh hoạt chính trị trọng đại của đất nước đã bắt đầu được khởi động.
Hạ tầng đồng bộ, thuận lợi là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Ảnh: DUY LINH
Hạ tầng đồng bộ, thuận lợi là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Ảnh: DUY LINH

NHÌN nhận từ vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng mới thấy đại hội đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030 sắp tới có tầm quan trọng như thế nào, khi mà cả cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đều nhấn mạnh đến khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Vì thế, cùng với việc chuẩn bị nhân sự theo tiêu chuẩn cấp ủy viên đã được quy định trong Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 14/6/2024, Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ… thì việc xây dựng văn kiện đại hội dù ở cấp nào cũng đều là rất hệ trọng, bởi văn kiện là “ngọn đuốc soi đường” (theo cách nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng ngày 13/8/2024) cho một chặng đường phát triển ít nhất là 5 năm của địa phương, đơn vị. Tại đại hội đảng cấp cơ sở, những dự thảo văn kiện quan trọng sẽ được thảo luận kỹ lưỡng, đặc biệt là dự thảo Báo cáo của ban chấp hành đảng bộ tổng kết việc thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ qua, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của nhiệm kỳ mới (sau đây gọi là báo cáo chính trị) và Báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ đã qua.

Để văn kiện đại hội đảng cấp cơ sở sát và trúng cả về lý luận và thực tiễn, nhất là báo cáo chính trị của ban chấp hành đảng bộ trình đại hội, cần chú ý một số vấn đề căn cốt sau đây:

Một là, kết cấu của các báo cáo cần theo đúng hướng dẫn của cấp trên để bảo đảm đầy đủ các phần; các nội dung cơ bản của văn kiện phải được bố trí với một dung lượng hợp lý, khoa học, có điểm nhấn, trọng tâm, trọng điểm. Trong kết cấu của các báo cáo, mỗi nội dung cần xây dựng một cách công phu hệ thống dàn ý chi tiết, thảo luận nghiêm túc, thống nhất trong ban chấp hành, làm căn cứ để chuẩn bị tài liệu, tư liệu, kiểm chứng sự xác thực số liệu khi cần thiết, tránh chủ quan, bị động.

Hai là, nội dung phần tổng kết nghị quyết đại hội nhiệm kỳ đã qua của báo cáo chính trị cần sâu sát đặc điểm, tình hình của địa phương, nêu lên những nhận định khái quát, nhưng minh chứng bằng những số liệu cụ thể, xác đáng, tiêu biểu có thể có so sánh, đối chiếu với mốc thời gian đầu và cuối nhiệm kỳ, so sánh với mục tiêu đại hội đề ra và có những kết quả cần so sánh với những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng để giúp cho đại hội đảng cấp cao hơn tổng kết thực tiễn 40 năm công cuộc đổi mới từ cơ sở một cách chính xác; phân tích, đánh giá khách quan, trực tiếp vào vấn đề trung tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tránh sa vào những vấn đề vụn vặt, không cơ bản hoặc kể lể dài dòng. Trong phần tổng kết, tránh hiện tượng rập khuôn máy móc các bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo được nêu trong các nhiệm kỳ đại hội trước, mà phải đúc rút sâu sắc từ thực tiễn nhiệm kỳ vừa qua. Phần phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhiệm kỳ mới phải thể hiện được tầm nhìn của kỷ nguyên mới, một mặt phải căn cứ vào chủ trương, đường lối, mục tiêu do Đảng đề ra với các mốc lịch sử đến năm 2030, năm 2045; mặt khác căn cứ vào thực tiễn phong phú, sôi động của địa phương, đơn vị mà đề xuất, gợi mở những vấn đề mới, những cách làm mới với tổ chức đảng cấp trên, tạo ra những sáng kiến từ thực tiễn, bước đột phá ngay từ cơ sở, từ vi mô đến vĩ mô và ngược lại. Phương hướng phải rõ, sát điều kiện, yêu cầu phát triển mới của thực tiễn địa phương và đất nước, không phải là bản sao nguyên xi dự thảo phương hướng của tổ chức đảng cấp trên; mục tiêu đến năm 2030 phải có cơ sở, định lượng được kết quả, có số liệu cụ thể; nhiệm vụ phải toàn diện từ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh đến xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhưng cần có trọng tâm ưu tiên; giải pháp phải có tính khả thi, có lộ trình và huy động được sức mạnh, nguồn lực của cả hệ thống chính trị tổ chức thực hiện thành công. Để báo cáo chính trị thật sự là “ngọn đuốc soi đường”, là trí tuệ, động lực của toàn đảng bộ, là khát vọng của nhân dân, ban chấp hành đảng bộ cần thật sự cầu thị, bài bản trong chỉ đạo, phát huy dân chủ từ trong Đảng đến ngoài quần chúng, tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng mà mọi người đều chủ động, tự giác tham gia đóng góp ý kiến với tất cả tâm huyết của mình vào dự thảo báo cáo, chỉ đạo các chi bộ trực thuộc thảo luận nghiêm túc tại đại hội chi bộ, tranh thủ sự góp ý của cán bộ chủ chốt đã nghỉ hưu trên địa bàn.

Căn cứ vào dự thảo báo cáo chính trị, ý kiến thảo luận của đại biểu tại đại hội, ý kiến chỉ đạo của cấp trên mà xây dựng nghị quyết đại hội kết tinh niềm tin, hy vọng, quyết tâm chính trị cao nhất của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ba là, dự thảo báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của ban chấp hành đảng bộ trong nhiệm kỳ cần đi thẳng vào vấn đề trọng tâm, phản ánh một cách khách quan, trung thực kết quả lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác nhưng không sa vào kể lể lan man, tuyệt đối không thổi phồng kết quả đạt được hoặc nói giảm, vòng vo, né tránh những tồn tại, hạn chế, thậm chí những yếu kém. Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành đảng bộ cần làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của những kết quả, những vấn đề tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền của ban chấp hành đảng bộ, ban thường vụ, của bí thư, phó bí thư; đi sâu phân tích làm rõ những điểm mới có tính sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, những bài học sâu sắc rút ra được, kể cả bài học về sự chưa thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo suốt cả nhiệm kỳ.

Có như vậy báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành đảng bộ mới có tính đảng cao, tính chiến đấu mạnh mẽ, khơi nguồn cho những quyết tâm chính trị mới của toàn thể đảng viên trong đảng bộ và là điểm tựa về tư duy, về ý chí cho ban chấp hành đảng bộ khóa mới.

Bốn là, mặc dù rất quan trọng nhưng dự thảo báo cáo chính trị của ban chấp hành đảng bộ trình đại hội cũng không thể quá dài, lê thê dây cà ra dây muống. Vì thế, nên chăng bên cạnh báo cáo chính trị, một số số liệu đã được thể hiện trong báo cáo, ban chấp hành đảng bộ có thể chuẩn bị bản phụ lục kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ đại hội vừa qua, theo đó hệ thống hóa, có số liệu cụ thể để so sánh, đối chiếu với mục tiêu đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt là so sánh với số liệu, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị năm 2024 với năm 1985, để thấy rõ ràng, đầy thuyết phục về tầm vóc và thành tựu to lớn, toàn diện của sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, hướng đến những mục tiêu lịch sử của những năm 2030, 2045, cần được xác định là sứ mệnh, trách nhiệm thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân. Sắp tới, từ đại hội đảng bộ cấp cơ sở, kỷ nguyên mới đó đã phải được thể hiện rõ trong văn kiện của ban chấp hành đảng bộ trình đại hội. Vì thế, xây dựng dự thảo văn kiện đại hội đảng cấp cơ sở cần phải được coi là quá trình nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn công phu, nghiêm túc, sát và trúng cả về lý luận và thực tiễn.