Temu và cơ hội làm mới

Sự xuất hiện của Temu khiến cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý phải nhìn lại chính mình.
0:00 / 0:00
0:00
"Cơn bão" Temu đặt ra bài toán cho các cơ quan quản lý nhà nước về phương thức ứng xử với các nền tảng thương mại điện tử.
"Cơn bão" Temu đặt ra bài toán cho các cơ quan quản lý nhà nước về phương thức ứng xử với các nền tảng thương mại điện tử.

Khi "cơn bão" Temu xuất hiện…

Trong tháng 10/2024, Temu- sàn thương mại điện tử xuyên biên giới thuộc PDD Holdings, tập đoàn hiện sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo (Trung Quốc) sẽ phải thực hiện đăng ký hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đây là yêu cầu của Bộ Công thương khi giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đặt ra khi làm việc với nền tảng này. Bộ cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông "có giải pháp kỹ thuật chặn phù hợp" nếu Temu không thực hiện yêu cầu trên.

Tương tự, bên lề Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, khi nhận được câu hỏi từ phóng viên báo chí, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã trực tiếp yêu cầu Tổng cục Thuế rà soát việc Temu đăng ký kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế của Việt Nam.

Sự xuất hiện của "cơn bão" Temu tại Việt Nam với mô hình bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng vào đầu tháng 10 đã kích hoạt hàng loạt cơ chế quản lý đối với mô hình kinh doanh này. Thậm chí, một loạt yêu cầu mới cũng đã xuất hiện, như nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa đăng ký; giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký...

Cũng trong tháng 10, phương án kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử cũng như đánh giá tác động với thị trường trong nước khi hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới được đặt ra. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực Bộ Công thương quản lý cũng sẽ được xây dựng...

Việc khuyến cáo người tiêu dùng Việt Nam nên cẩn trọng khi mua hàng của các sàn thương mại điện tử chưa có đăng ký tại Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của mình cũng đã được các cơ quan quản lý đưa ra.

Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có hơn 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công thương. Song, theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trước Temu, vẫn có nền tảng chưa tuân thủ quy định này như: Shein, 1688... với mô hình tương tự hoạt động ở Việt Nam.

Cơ hội hay thách thức?

Cuộc làm việc tại tổ ở tuần làm việc đầu tiên của các đại biểu trong kỳ họp Quốc hội này, vấn đề Temu xuất hiện đã được đưa ra với góc nhìn đa chiều chứ không đơn giản gói gọn về việc quản lý sàn thương mại điện tử.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cảnh báo, đây là một nguy cơ khi hàng hóa giá rẻ trên Temu này sẽ triệt tiêu nền sản xuất trong nước, khiến các hãng kinh doanh, cửa hàng nội địa phải đóng cửa.

"Chắc chúng ta không thể cấm những hoạt động mua hàng xuyên biên giới này được, bởi chúng ta đang mở cửa thương mại; song phải có kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa", đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Theo số liệu tổng hợp, thương mại điện tử ở Việt Nam đang có tốc độ tăng rất nhanh. Chín tháng năm 2024, doanh thu thương mại điện tử của cả nước đạt khoảng 28 tỷ USD, tăng 36% so cùng kỳ năm trước.

Vấn đề là hàng Việt Nam chiếm bao nhiêu trong con số chục tỷ USD này? Đây cũng là câu hỏi mà nhiều quốc gia trên thế giới đang đặt ra khi tìm cách ứng xử với Temu.

Với Temu, người tiêu dùng thay vì mua hàng hóa của một thương hiệu lớn trên thị trường thì có thể mua sản phẩm đó tại nhà sản xuất cho thương hiệu lớn, nhưng với chi phí thấp hơn nhiều... Từ đầu tháng 10, người tiêu dùng Việt Nam có thể tiếp cận các tệp hàng hóa này bằng cách vào các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng Temu với phiên bản tiếng Việt. Điều này đồng nghĩa, các doanh nghiệp của Việt Nam đang đối diện với áp lực cạnh tranh vô cùng lớn. Song, áp lực không chỉ đến từ hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ mà theo phân tích của đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình), áp lực về thương mại không công bằng đang đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào thế vô cùng khó.

"Cùng một mặt hàng, doanh nghiệp Việt nhập khẩu về sẽ phải nộp thuế, ghi nhãn xuất xứ, nhưng nếu bán qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu hay Shein thì không. Đây là vấn đề lớn. Chính phủ cần có giải pháp ứng phó ngay", đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Tuy vậy, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách không chỉ dừng lại ở các yêu cầu quản lý, giám sát hoạt động của các sàn thương mại điện tử, các quy định mới về xuất, nhập khẩu với thương mại xuyên biên giới...

"Sự xuất hiện của Temu khiến đòi hỏi gỡ bỏ rào cản, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trở nên vô cùng cấp bách. Lúc này, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt là giải pháp căn cơ, nhưng phải làm ngay", TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ.

Vì mô hình Temu đang đặt các nhà sản xuất vào yêu cầu phải cơ cấu lại hoạt động để có mức giá hợp lý hơn, chất lượng cao hơn, các kênh phân phối, bán lẻ cũng buộc phải tìm kiếm mô hình mới phù hợp.

"Khi các doanh nghiệp đang buộc phải thay đổi, sáng tạo, tìm kiếm mô hình hoạt động mới để cạnh tranh được trên thị trường thì một môi trường kinh doanh thông thoáng, một thể chế thúc đẩy sự phát triển sẽ là bệ đỡ rất quan trọng", ông Cung khuyến nghị.

Cơ hội thay đổi mạnh mẽ không chỉ với doanh nghiệp muốn lớn hơn, mạnh hơn mà còn với các nỗ lực của Chính phủ khi thực hiện cải cách thể chế, tháo gỡ các "điểm nghẽn" của nền kinh tế.

Như hầu hết các ứng dụng thương mại điện tử khác, Temu cung cấp hàng trăm danh mục hàng hóa, từ quần áo, phụ kiện, đồ gia dụng, đồ nội thất... Điểm khác biệt lớn nhất là mức giá vô cùng thấp nhờ cách bán trực tiếp hàng hóa từ nhà sản xuất Trung Quốc tới tay khách hàng toàn cầu, cắt giảm toàn bộ các khâu trung gian.