Sáng 20/9, Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đồng tổ chức Hội thảo về tài chính số trong quản lý ngân sách nhà nước năm 2024 với chủ đề “Đổi mới quy trình nghiệp vụ và hệ thống thông tin ngành Tài chính trong kỷ nguyên số”.
Đây là sự kiện thường niên uy tín của ngành Tài chính với mục tiêu trở thành diễn đàn giúp các nhà hoạch định chính sách và chiến lược, các chuyên gia đầu ngành, các nhà cung cấp giải pháp hàng đầu gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về những xu hướng mới trong lĩnh vực chuyển đổi số ngành Tài chính.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Tài chính Bùi Văn Khắng cho rằng, với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân sách nhà nước là yêu cầu bắt buộc, là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả. Về thể chế, tập trung vào việc rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách trong các lĩnh vực trọng tâm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để làm cơ sở cho việc chuyển đổi số tại Bộ Tài chính. Về công nghệ, tập trung nâng cao năng lực hạ tầng số, hoàn thiện dữ liệu số, đẩy mạnh phát triển các ứng dụng, dịch vụ số, an toàn, an ninh mạng; tăng cường triển khai, thử nghiệm các công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn... nhằm phục vụ các hoạt động chuyên ngành cốt lõi và các hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp…
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Khắng, việc tổ chức sự kiện này khẳng định sự quyết tâm của ngành Tài chính trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tại các phiên thảo luận, các diễn giả đã đánh giá một số kết quả chuyển đổi số của ngành Tài chính. Đồng thời làm rõ những hạn chế và đề xuất, kiến nghị về chủ trương, chính sách đổi mới quy trình nghiệp vụ gắn với giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính. Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp nhằm hướng đến nền tài chính số hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng ngày càng cao hơn, tiếp tục tạo điều kiện để lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét đưa ra quyết định chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu từ thực tế trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ sự kiện này, Bộ Tài chính còn tổ chức triển lãm về các kết quả ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính và chứng khoán; các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn và đặc biệt là các công nghệ bảo mật dữ liệu.