Mới đây, Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đồng chủ trì, phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội (HBA) đã tổ chức thành công Hội nghị, hội thảo quốc tế xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch VACOD – Điện Biên 2024.
Cam kết “đồng hành - gắn bó - chia sẻ” cùng cộng đồng doanh nghiệp
Chương trình có sự tham dự của ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên; ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên; GS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; TS Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hiệp hội VACOD, Chủ tịch Hiệp hội HBA cùng các vị đại biểu lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban, ngành tham gia tham vấn cho hoạt động phát triển kinh tế của tỉnh Điện Biên.
Sự kiện còn có sự tham gia của hơn 400 đại biểu, trong đó khoảng 100 doanh nghiệp đang hoạt động tại Điện Biên, 200 doanh nghiệp hội viên hai Hiệp hội VACOD và HBA đang hoạt động trên cả nước.
Phát biểu khai mạc sự kiện, TS Nguyễn Hồng Sơn nhận định, Điện Biên không chỉ được biết đến là vùng “biên giới vững vàng” với những chiến công oanh liệt, mà còn được mệnh danh là “kho báu” nơi đại ngàn Tây Bắc với những lợi thế và tiềm năng khác biệt để phát triển kinh tế như tài nguyên thiên nhiên và vị trí tỉnh biên giới rất riêng biệt.
Ông Nguyễn Hồng Sơn kỳ vọng, Hội nghị, hội thảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu, tiếp cận trực tiếp với các dự án đầu tư, thương mại và du lịch tiềm năng, các cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh Điện Biên dành cho các nhà đầu tư.
Đánh giá cao tầm quan trọng của Hội nghị, hội thảo, ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên nhận định, đây là cơ hội để tỉnh Điện Biên quảng bá tiềm năng, thế mạnh, thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu và đầu tư trên địa bàn tỉnh vào các lĩnh vực dịch vụ du lịch, nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh quảng bá thương hiệu, thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; là cơ hội để tăng cường sự giao lưu, gắn kết cộng đồng doanh nghiệp, phát huy tinh thần đại đoàn kết, cùng nhau phấn đấu góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần khẳng định hình ảnh, vị thế, khát vọng vươn lên của tỉnh trong giai đoạn tới.
Ông Lê Thành Đô khẳng định, để phát huy tiềm lực của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Điện Biên đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ cam kết “đồng hành - gắn bó - chia sẻ” cùng cộng đồng doanh nghiệp với phương châm “lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến doanh nghiệp” tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ quy định của pháp luật để các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu khảo sát, thực hiện các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh phát triển, bền vững. Tỉnh Điện Biên kỳ vọng qua Hội nghị, hội thảo này, các chuyên gia có thể trao đổi, thảo luận để làm sáng tỏ thêm về tiềm năng, cơ chế chính sách, tạo sự bứt phá cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Điện Biên nói riêng và trong khu vực Tây Bắc nói chung.
Vì mục tiêu phát triển chung
Phát biểu tại hội nghị, đánh giá cao chương trình do đã gợi mở một số giải pháp nhằm tạo kết nối chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng, để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng, tỉnh Điện Biên cần tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như: Kết nối và phát huy lợi thế trong tỉnh, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển ngành năng lượng; kết nối các vùng kinh tế của tỉnh với các tuyến giao thông. Cùng với đó, Điện Biên cũng cần tích cực chuyển dịch mô hình kinh tế trên nền tảng tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, chuyển đổi số trong thương mại, quảng bá du lịch, đưa Điện Biên trở thành trung tâm văn hóa, lịch sử… trong tiểu vùng Tây Bắc.
Các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các cơ quan về lĩnh vực công thương, du lịch tham gia phiên tọa đàm tại Hội nghị. |
Cũng tại Hội nghị, hội thảo, các diễn giả là chuyên gia kinh tế, lãnh đạo cơ quan về lĩnh vực công thương, du lịch đã trình bày nội dung tham luận tập trung phân tích những thách thức lớn mà tỉnh Điện Biên đang đối mặt trong quá trình phát triển kinh tế, bao gồm cả những hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và môi trường đầu tư.
Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đưa ra những giải pháp khả thi để khắc phục những khó khăn này, nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bền vững cho tỉnh.
Trong phần tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn thẳng thắn thừa nhận, những vấn đề đang tồn tại ở địa phương ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của tỉnh, đáng kể như việc giải quyết các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư. Trong tương lai, lãnh đạo tỉnh hy vọng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Điện Biên sẽ có những đổi mới để phù hợp hơn với xu thế phát triển, cùng với đó là sự đồng hành của các doanh nghiệp trong Hiệp hội VACOD và các doanh nghiệp trong cả nước sẽ là động lực để tỉnh khai phá và phát huy những tiềm năng kinh tế.
Toàn cảnh lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác chung giữa VACOD với Hiệp hội doanh nghiệp 12 địa phương. |