Sẽ đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư

Trong chín tháng năm 2024, các chỉ số thu ngân sách có tăng trưởng khá tốt, tình hình thu ngân sách tăng so dự toán, bảo đảm thu ngân sách bền vững. Tuy nhiên, theo báo cáo kiểm toán, hiện nay, bố trí chi thường xuyên còn thấp, nhiều khoản chưa được phân bổ, kìm hãm các công cụ kích thích của nền kinh tế. Để giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Nghĩa Đức
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Nghĩa Đức

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã có phiên thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

Bảo đảm thu ngân sách bền vững

Theo báo cáo của Chính phủ, dự toán thu ngân sách năm 2024 là 1,79 triệu tỷ đồng, cả năm ước thực hiện được 1,87 triệu tỷ đồng, tương đương 10,1% so dự toán. Với năm 2025, dự toán thu ngân sách là 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 15,6% so năm 2024. Tỷ lệ huy động vào ngân sách bằng 16% GDP, trong đó dự toán thu nội địa là 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 6,1%...

Dù cơ bản nhất trí với phương án Chính phủ trình Quốc hội và đưa ra nhận định “trong bối cảnh kinh tế-xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, mức dự toán trên được đánh giá tích cực”, song báo cáo thẩm tra từ Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ “điều hành chi ngân sách cần chặt chẽ trong phạm vi dự toán và khả năng thu ngân sách để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, tránh thất thoát, lãng phí”.

Bày tỏ tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, về tình hình thực hiện ngân sách năm 2024, tổng thu ngân sách vượt dự toán 10%, trong đó thu nội địa tăng 8,9% so dự toán và 6,9% so cùng kỳ. Khu vực doanh nghiệp nhà nước không tăng, thậm chí giảm so dự toán, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh tăng.

Về dự toán ngân sách năm 2025, theo báo cáo của Chính phủ, dự toán thu tăng 15,6% so năm 2024, chi tăng 20,3%, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá, việc tăng chi là phù hợp, do năm 2025 có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và là năm cuối thực hiện Nghị quyết 23 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia.

Từ phân tích này, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là thuế nhập khẩu. Đồng thời tiếp tục chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công, đất công, vốn nhà nước... để tạo động lực tăng trưởng.

Phát biểu tại phiên họp, dẫn số liệu trong Báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn tỉnh Bình Dương) đánh giá, các chỉ số thu ngân sách trong chín tháng đầu năm có tăng trưởng khá tốt, bảo đảm thu ngân sách bền vững, làm cơ sở để phát triển nền kinh tế. Theo dự kiến, đến năm 2025, GDP nước ta vào khoảng 500 tỷ USD, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng đều 7%/năm, đến năm 2035, GDP sẽ vào khoảng 1.000 tỷ USD, định hướng đến năm 2045 đạt mốc 5.000 tỷ USD để trở thành nước thu nhập cao, phá bẫy thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, từ thực tế bố trí chi thường xuyên, đại biểu Nguyễn Quang Huân lưu tâm đến việc, làm sao để các công cụ kích thích của nền kinh tế không bị kìm hãm.

Tiết kiệm được 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên năm 2024

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đối với việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên, chủ yếu là tiết kiệm ở các sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp đô thị, mua sắm, chi phí công tác phí, hội nghị tiếp khách, mua sắm nhỏ…, còn lương và các khoản phụ cấp từ lương thì gần như không tiết kiệm được.

Để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, tiếp khách... Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình phương án cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên. Sắp tới, Chính phủ sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư.

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, riêng về vướng mắc trong chi đầu tư công, chi thường xuyên, hiện nay có những bất cập như thiếu đất để san lấp, do theo quy định thì đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản. Do đó cần sửa đổi quy định cho phù hợp, hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công. Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này.

Về thủ tục thu tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, thực tiễn thủ tục này không phức tạp, mà chỉ chậm do việc xác định giá đất tiến hành chậm. Khi chưa có giá đất thì cơ quan thuế chưa thể phát hóa đơn thu tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất của cả nước chiếm 45% tổng nợ thuế của cả nước, đây là nợ khó đòi, tiền phạt chậm nộp nhiều gấp nhiều lần nợ gốc...

Nhìn nhận việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước của Chính phủ có nhiều kết quả tích cực, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dẫn ra kết quả thu ngân sách năm 2024 ước vượt 10,1% dự toán, và khẳng định con số này cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, an ninh-quốc phòng, tăng mức lương cơ sở, bội chi nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép.

Theo chương trình kỳ họp, Nghị quyết về báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước 2024 và phương án bổ sung ngân sách 2025 sẽ được xem xét thông qua vào phiên họp toàn thể ngày 13/11 tới đây.

"Chính phủ cần cân nhắc đề xuất cho phép dành 5% nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trên thực tế, nhiều địa phương đã xây dựng dự toán từ đầu năm và cơ bản đã giải ngân hết. Nếu đề xuất trên được thông qua, các địa phương sẽ không có nguồn thực hiện”.

Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn tỉnh Phú Thọ)