Khơi thông dòng vốn tín dụng

Tín dụng tháng 9/2024 có tốc độ tăng cao gấp gần ba lần tốc độ tăng bình quân các tháng đầu năm, khiến khả năng đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2024 (15%) trở nên khả thi. Trong khi đó, theo phản ánh của các tổ chức tín dụng, nhu cầu vốn của nền kinh tế còn yếu.
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng thể hiện tăng trưởng cho vay vượt huy động do tiền nhàn rỗi đổ vào các kênh sinh lời khác thay vì gửi tiết kiệm.
Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng thể hiện tăng trưởng cho vay vượt huy động do tiền nhàn rỗi đổ vào các kênh sinh lời khác thay vì gửi tiết kiệm.

Tuy nhiên, trừ việc tăng trưởng đột biến trong tháng 9/2024, nhìn chung, tín dụng chín tháng đầu năm vẫn tăng trưởng chậm.

Tín dụng đã tăng đột biến

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 17/9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,38% so cuối năm 2023, cùng kỳ ước đạt 5,73%. Như vậy, chỉ trong 10 ngày, dư nợ tín dụng đã tăng thêm 1,15%, tương đương có thêm khoảng 200.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế. Đặc biệt, trong tháng 9 và tuần cuối cùng của tháng 8/2024, tín dụng tăng 2,37%, cao gấp gần ba lần so tốc độ tăng bình quân của tám tháng đầu năm.

Theo nhiều chuyên gia, tín dụng bứt tốc bất ngờ thời điểm này, ngoài yếu tố cầu vốn tăng, cũng không loại trừ yếu tố “kỹ thuật” khi thời điểm cấp room tín dụng cho năm sau không còn xa.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp trong chín tháng còn hạn chế. Đặc biệt, sự khó khăn của thị trường bất động sản ảnh hưởng tới nhiều ngành vệ tinh cũng như cầu tiêu dùng về nhà ở. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, dẫn đến tăng trưởng tín dụng cũng gặp khó khăn.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nhiều lần giải thích, tín dụng tăng cao vào những tháng cuối năm là hoàn toàn bình thường, do cầu vốn của nền kinh tế thường tăng cao vào khoảng thời gian này. Áp lực đối với tín dụng ngân hàng cũng tiếp tục tăng cao trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hiệu quả.

Bảo lưu nhận định tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện mạnh mẽ trong quý cuối năm nay, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tin tưởng, tín dụng có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 15%.

Cung-cầu vẫn chưa gặp nhau

Điều đáng nói, trong bối cảnh dư nợ tín dụng tăng nhanh hơn cùng kỳ, huy động tiền gửi của các tổ chức tín dụng lại tăng thấp hơn. Tính đến ngày 27/9, huy động vốn từ dân cư và tổ chức mới tăng gần 4,8%, cùng thời điểm năm ngoái tăng hơn 6,6%. Diễn biến này không chỉ mới xảy ra trong tháng 9 vừa qua, mà tiếp diễn từ hồi giữa năm, khi báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng thể hiện tăng trưởng cho vay vượt huy động do tiền nhàn rỗi đổ vào các kênh sinh lời khác thay vì gửi tiết kiệm.

Cụ thể, tại Techcombank, tín dụng sáu tháng đầu năm 2024 tăng khoảng 13%, trong khi huy động vốn tăng chưa tới… 6%. Tỷ lệ này với VPBank là 11,2% và 6,6%, quy mô cho vay khách hàng cao hơn huy động vốn khoảng 80.000 tỷ đồng. Còn tại Vietcombank, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,8% trong nửa đầu năm nay, tương đương 99.300 tỷ đồng được giải ngân. Trong khi huy động tiền gửi giảm 1,5%, chỉ còn hơn 1,37 triệu tỷ đồng...

Từ tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng đã có sự cải thiện so cùng kỳ năm 2023, song theo nhận định của nhiều tổ chức tín dụng, nhu cầu vay của doanh nghiệp vẫn thấp, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút. Đồng thời xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân dẫn đến cầu tín dụng thấp.

Theo PGS, TS Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh), với đà tăng trưởng tín dụng hiện nay, khả năng trong những tháng cuối năm, dư nợ của ngành ngân hàng sẽ cải thiện dần, bởi thông thường nhu cầu vốn của khách hàng sẽ tăng cao trong nửa cuối năm. Mặt khác, vào cuối năm 2024, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp thúc đẩy nhu cầu vay và nền kinh tế hồi phục. Những động lực tăng trưởng tín dụng sẽ đến từ lĩnh vực bất động sản-sản xuất-đầu tư công, cho vay bán lẻ, chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hoạt động cho vay tái thiết sau bão lũ. Ngoài cầu tín dụng yếu, cung-cầu vốn vẫn chưa gặp nhau. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu, song không thể tiếp cận vốn vì đã cạn kiệt tài sản thế chấp.

Là doanh nghiệp phải gánh chịu thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng do bão số 3 gây ra, ông Hoàng Văn Thiềng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Du lịch (Đồ Sơn, TP Hải Phòng) chia sẻ, để khắc phục, Công ty sẽ cần ít nhất vài tháng. Hiện doanh nghiệp muốn vay 30 tỷ đồng từ ngân hàng để khởi nghiệp lại, nhưng không thể vay vốn vì tài sản thế chấp không có.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng, cầu vốn tăng mạnh vào cuối năm là thực tế, song vốn có chảy được hay không lại là chuyện khác. Rất nhiều khách hàng có nhu cầu vay vốn, nhưng không thể tiếp cận tín dụng bởi để vay được vốn, doanh nghiệp vẫn cần đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe từ phía ngân hàng. Đây là nguyên nhân khiến tín dụng chín tháng đầu năm vẫn chậm.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, do 98% số doanh nghiệp nước ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên cần có đánh giá để tăng cường bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp này, từ đó khơi thông dòng vốn tín dụng. Mặt khác, việc mở rộng hoạt động của các quỹ hỗ trợ, quỹ bảo lãnh để doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn vay được tính đến, thay vì chỉ yêu cầu hạ chuẩn cấp tín dụng bởi dễ gây rủi ro cho toàn hệ thống.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tính đến ngày 27/9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,79%, cùng thời điểm năm trước tăng 6,63%, trong khi đó tăng trưởng tín dụng tăng 8,53%, cùng kỳ đạt khoảng 6,24%. Ước tính, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế thêm gần 1,16 triệu tỷ đồng.