Ngày 11/11, Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đã chính thức khai mạc thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới bởi năm 2024 được dự báo sẽ lập kỷ lục về nhiệt độ. Biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Điều này gây sức ép lớn buộc các chính phủ hành động quyết liệt hơn trong việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Các hoạt động sản xuất của con người, trong đó có hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng chính là một phần nguyên nhân dẫn đến những trả giá về biến đổi khí hậu ngày một nặng nề hơn. Đặt trong bối cảnh ấy, phát triển ngành vật liệu xanh trở thành xu thế tất yếu.
Và xu thế này càng trở nên mạnh mẽ hơn khi mà Việt Nam nỗ lực thực thi cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26 đi đôi với việc đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn xanh của nhiều nền kinh tế lớn, chẳng hạn như Liên minh châu Âu (EU).
Hiện nay, trên thế giới có sáu xu hướng sử dụng vật liệu xanh, bao gồm hiệu quả năng lượng trong công trình; tái chế và tái sử dụng vật liệu xây dựng; sử dụng vật liệu từ nguồn tài nguyên tái tạo; vật liệu thân thiện với sức khỏe con người; công nghệ sinh học và vật liệu phân hủy sinh học; sử dụng công nghệ và vật liệu thông minh.
Việt Nam đứng trước cơ hội phát triển ngành vật liệu xanh nhờ vào việc có được nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú và tiềm năng tái chế các loại vật liệu... Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành vật liệu xây dựng theo hướng bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh, bảo vệ môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn đối mặt nhiều thách thức trong việc áp dụng vật liệu xanh bởi chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu các tiêu chuẩn, quy định cụ thể và sự hạn chế về nguồn cung vật liệu xanh hay sản phẩm mới ở trong nước.
Xét tổng thể, việc hoàn thiện hành lang pháp lý là một trong những yêu cầu cấp bách cho sự phát triển, hiện đại hóa và xanh hóa ngành vật liệu xây dựng. Hiện, Việt Nam vẫn chưa có các bộ tiêu chí nhãn xanh/nhãn sinh thái/vật liệu xanh; chưa có hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sản xuất, sử dụng vật liệu xanh trong công trình xây dựng; còn thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng được gắn nhãn xanh Việt Nam/vật liệu xanh.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để thúc đẩy sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng, Việt Nam cần có chế tài để xử lý những trường hợp vi phạm việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành về sản xuất, khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về lợi ích của vật liệu xây dựng xanh, công trình xanh, từ đó, từng bước thay đổi thói quen sử dụng vật liệu xây dựng...
Với sự phát triển của công nghệ sinh học và vật liệu thông minh, tương lai của ngành xây dựng xanh sẽ ngày càng phát triển. Việc sử dụng các vật liệu phân hủy sinh học, cùng với tích hợp công nghệ tiên tiến như kính thông minh và hệ thống năng lượng tái tạo, sẽ giúp giảm tối đa tác động đến môi trường, đồng thời tạo ra các công trình hiệu quả và bền vững hơn.