Nỗ lực bù đắp sự suy giảm tăng trưởng

Trong bối cảnh còn không ít khó khăn thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2024. Những nỗ lực từ Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ là những yếu tố quan trọng phát huy nội lực, bù đắp sự suy giảm tăng trưởng do các yếu tố thiên tai, ngoại lực gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp đã chủ động phục hồi sản xuất, kinh doanh ngay sau bão Yagi để kịp tiến độ các đơn hàng. Ảnh: NGUYỄN VÂN
Các doanh nghiệp đã chủ động phục hồi sản xuất, kinh doanh ngay sau bão Yagi để kịp tiến độ các đơn hàng. Ảnh: NGUYỄN VÂN

Hậu quả của bão Yagi còn hiện hữu

Theo ước tính, tổng thiệt hại kinh tế của Hải Phòng do bão số 3 (Yagi) lên tới gần 12,3 nghìn tỷ đồng, con số này đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước.

Là một trong số doanh nghiệp chịu tổn thất lớn do bão, tổng giá trị thiệt hại của Công ty TNHH Dũng Hường (Hải Phòng) ước khoảng 50 tỷ đồng. Không giấu nổi sự xót xa khi nhìn công sức bao năm trôi theo hai nhà xưởng tan hoang do bão, Giám đốc Đào Văn Dũng cho biết, chúng tôi gần như mất trắng tài sản tích lũy cả đời chỉ sau một cơn bão. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đình trệ hoàn toàn do cơ sở vật chất bị hư hại, nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn.

Nhìn rộng hơn, tác động tiêu cực do bão Yagi còn thể hiện rõ nét trong số liệu thống kê được các cơ quan chức năng công bố mới đây. Đơn cử, trong mức tăng 7,40% của chỉ số tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 so cùng kỳ năm trước, khu vực nông-lâm-thủy sản tăng 2,58%, đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Theo phân tích của Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương, mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 trong giai đoạn 2020-2024.

Làm rõ sự tương đồng giữa hai thời điểm này, bà Nguyễn Thị Hương nhắc lại, vào thời điểm quý III/2021, khu vực nông-lâm-thủy sản chỉ tăng 2,52% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông-lâm-thủy sản, biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao và dịch tả lợn châu Phi.

Về đóng góp vào tăng trưởng GDP, tính chung chín tháng năm 2024, theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông-lâm-thủy sản đóng góp 5,3% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Bà Hương cho biết, trong chín tháng vừa qua, giá trị tăng thêm khu vực nông-lâm-thủy sản tăng 3,2%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2020-2024. Số liệu thống kê cho thấy, bão Yagi đã tạo nên vết hằn lớn trong sự phục hồi của khu vực này.

Mức độ nghiêm trọng mà bão Yagi đã tác động đến ngành sản xuất của Việt Nam, còn được thể hiện ở trong Báo cáo của S&P Global công bố mới đây. Theo đó, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 9 là 47,3, giảm mạnh từ mức 52,4 của tháng trước đó.

Triển vọng và dự báo tăng trưởng vẫn khả quan

Nhìn từ góc độ khác, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, những thiệt hại về cơ sở hạ tầng chỉ tính vào thay đổi tài sản của nền kinh tế, không tính vào hoạt động sản xuất trong kỳ nên mức độ thiệt hại cho hoạt động sản xuất cũng không đáng kể. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất đã chủ động phục hồi sản xuất, kinh doanh ngay sau bão để kịp tiến độ các đơn hàng nên công nghiệp chế biến chế tạo vẫn có mức tăng trưởng khá ấn tượng, bù đắp những thiệt hại của nông nghiệp.

Do đó, tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý III và ba quý đầu năm 2024, bà Nguyễn Thị Hương nhận định, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5-7% là khả thi. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% thì quý IV sẽ cần tăng 5,7%; mục tiêu 6,8% thì quý IV cần tăng 6,76%; mục tiêu 7% thì quý IV cần tăng 7,5%. Với kết quả tăng trưởng của quý III và chín tháng, tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khả năng cao đạt được mục tiêu cận trên của kịch bản tăng trưởng.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến bất ngờ, có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa, kiểm soát tốt lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định chính trị, xã hội là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2024, bà Hương nhấn mạnh.

Nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng đã đưa ra nhận định tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 và dự báo tăng trưởng GDP khả quan bất chấp ảnh hưởng từ bão Yagi. Đơn cử, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 lên 6,1%. Nhận định xuất khẩu và du lịch là hai lĩnh vực góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi, IMF kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức cao hơn dự báo gần 6% đưa ra hồi tháng 6/2024.

Nhiều chuyên gia kinh tế có chung quan điểm, việc thực hiện các giải pháp dài hạn và có tính chiến lược, cải thiện nội lực đất nước sẽ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam vượt qua khó khăn và vững bước trên con đường phát triển. Do đó, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần phối hợp chặt chẽ để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm sự phát triển ổn định.

Bước sang quý IV/2024, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Mục tiêu tăng trưởng từ 6,8%-7% của năm 2024 là thách thức lớn. Các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, kịp thời ứng phó mọi tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả các mục tiêu tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tối đa cho khu vực doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân.