Cấp bách tháo gỡ cơ chế cho nhà ở xã hội

Bước sang tuần làm việc thứ hai của kỳ họp, một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội và cử tri rất quan tâm là Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Một dự án nhà ở xã hội tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trịnh Bình
Một dự án nhà ở xã hội tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trịnh Bình

Những năm qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản đã được ban hành, góp phần tạo khung pháp lý cho việc phát triển thị trường bất động sản. Kết quả giám sát giai đoạn 2015-2023 cho thấy, bức tranh khá toàn diện về sự phát triển của thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.

Tìm ra điểm nghẽn về thể chế

Theo báo cáo giám sát, đến cuối năm 2023 có khoảng hơn 3.363 dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị, khoảng 800 dự án nhà ở xã hội với quy mô 567.042 căn đã và đang triển khai thực hiện. Đây là kết quả từ rất nhiều chính sách, chương trình đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản, vấn đề nhà ở xã hội đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, kịp thời ban hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật để thể chế hóa quan điểm đổi mới của Đảng về nhà ở, khẳng định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực phát triển, chăm lo nơi ở cho người lao động thông qua phương thức phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở, vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, người có công với cách mạng, công nhân được triển khai...

Tuy nhiên, trình bày Báo cáo sáng 28/10, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chỉ rõ, thị trường bất động sản và nhà ở xã hội còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu; giá bất động sản còn cao so thu nhập của phần lớn người dân; nhiều khu đô thị bỏ hoang; quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập; chưa có phương án xử lý, giải quyết hiệu quả các khu chung cư cũ không bảo đảm điều kiện sống; nhiều dự án chậm được triển khai. Các loại hình bất động sản mới gặp nhiều vướng mắc pháp lý, thiếu quy định rõ ràng, cụ thể điều chỉnh.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) nhận định: "Với rất nhiều những bất cập đó, việc Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về thực hiện chính sách, pháp luật, công tác quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội là vô cùng cần thiết, kịp thời, đặc biệt trong đó đã đề ra các điểm nghẽn thể chế và đang cần được tháo gỡ trong thời gian tới".

Cho rằng nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều hạn chế; tình trạng dư thừa quỹ đất nhà ở thương mại nhưng lại thiếu quỹ đất ở và nhà ở xã hội còn chậm được khắc phục…, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) nhấn mạnh, để tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận với nhà ở xã hội, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về nhà ở xã hội.

Thêm vào đó, nhiều ý kiến đề nghị các tỉnh, các địa phương cần tập trung nguồn lực hỗ trợ tiếp tục cùng với nguồn các chương trình mục tiêu quốc gia giúp các tỉnh thực hiện được mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đề nghị các địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các dự án luật, như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở nhằm bảo đảm các chính sách được Quốc hội thông qua phải thật sự đi vào thực tiễn. Tiếp tục nghiên cứu, đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội và chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm. Chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cần được nghiên cứu đánh giá, xây dựng dựa trên căn cứ khoa học thực tiễn phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của địa phương, của vùng, miền.

Phát triển thị trường lành mạnh, bền vững và đa dạng hóa

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao và cảm ơn Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bất động sản, nhà ở xã hội vào thời điểm khi chúng ta đang tiến hành tổng kết các luật liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Song thực tế vẫn còn có các địa phương, bộ, ngành, tổ chức thực hiện luật chưa sát, chưa nghiêm với tinh thần của Quốc hội, ban hành chưa đầy đủ các quy định, văn bản hướng dẫn.

Đoàn giám sát đề nghị Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục rà soát những hạn chế của chính sách, pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội đã được nhận diện, được điều chỉnh tại các luật, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã ban hành, những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ và có giải pháp đồng bộ, cụ thể để khắc phục hạn chế, vướng mắc, yếu kém quản lý thị trường bất động sản và phát triển thị trường bất động sản đã nêu tại Báo cáo, hướng tới phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu, tăng nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập của người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến bất động sản, đặc biệt Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính về đất 5.379 tỷ đồng, tăng thu giảm chi cho ngân sách nhà nước 4.700 tỷ đồng; kiến nghị các địa phương xem xét xử lý 678 tỷ đồng, kiến nghị xử lý trách nhiệm của 134 tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 73 văn bản quy phạm pháp luật.