Giải ngân vốn đầu tư công

"Gánh nặng" dồn vào cuối năm

Vốn được coi là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Trong quý cuối của năm 2024, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết. Ở thời điểm hiện nay, dòng vốn quan trọng này không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là cơ hội để các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả nặng nề do bão số 3 (Yagi) gây ra.
Áp lực hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch vốn đã đề ra trong cuối năm 2024 là rất lớn. Ảnh: Nhật Bắc
Áp lực hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch vốn đã đề ra trong cuối năm 2024 là rất lớn. Ảnh: Nhật Bắc

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực do bão Yagi đối với kinh tế-xã hội có thể làm tăng trưởng GDP giảm 0,15 điểm phần trăm so kịch bản tăng trưởng khoảng 7% mà cơ quan này đã đưa ra.

Còn nhiều vướng mắc

Tính đến thời điểm này, theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của cả nước trong năm 2024 là hơn 802.443 tỷ đồng, bao gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang.

Tổng số vốn đã được các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là gần 733.755 tỷ đồng, đạt hơn 108,2% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Nếu không tính số vốn giao tăng của các địa phương (hơn 68.305 tỷ đồng) thì tổng số vốn đã phân bổ là 665.449 tỷ đồng, ước đạt 98,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao. Như vậy, lượng vốn đầu tư công đã được phân bổ chi tiết gần hết, phần còn lại chỉ chiếm 1,84% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây có thể coi là sự nỗ lực đáng ghi nhận và đã cho thấy sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý vốn đầu tư công năm nay.

Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Do đó, dự kiến hết quý III/2024, cả nước mới giải ngân được gần… 320.567 tỷ đồng, đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, một số địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 được giao chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024, nhưng có tỷ lệ giải ngân thấp, gây ảnh hưởng rất lớn tới tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh là một thí dụ điển hình. Đầu tàu kinh tế của cả nước được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 79.300 tỷ đồng, nhưng ước giải ngân tám tháng mới đạt… 13.142 tỷ đồng, so cùng kỳ năm 2023, con số này giảm khoảng 6.600 tỷ đồng. Hay như Hà Nội, năm 2024, tổng vốn được giao là 81.033 tỷ đồng, nhưng mới chỉ giải ngân 35,23%.

Tại nhiều địa phương khác, dù đã rất cố gắng, song tỷ lệ giải ngân dòng vốn này vẫn rất thấp. Là địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp so bình quân chung cả nước, đến hết tháng 8 vừa qua, Quảng Ngãi mới giải ngân được khoảng 21% kế hoạch vốn được giao; ước đến hết tháng 9, địa phương này mới giải ngân đạt khoảng 31%.

Tương tự, tại họp thường kỳ tháng 9/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vương Quốc Tuấn cho biết, năm 2024, Bắc Ninh được giao kế hoạch vốn là 8.600 tỷ đồng, tính đến giữa tháng 9, mới giải ngân được 2.435 tỷ đồng, chỉ đạt 26,6% tổng số vốn Chính phủ giao.

Còn tại Quảng Ninh, một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi bão Yagi, có tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 sau điều chỉnh hiện là hơn 16.000 tỷ đồng. Song tính đến hết tháng 8/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh cũng mới chỉ đạt… 26,8% so kế hoạch đề ra.

Phải vượt qua áp lực để đạt chỉ tiêu tăng trưởng

Trước đó, theo số liệu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ hồi đầu tháng 9/2024, tính đến cuối tháng 8/2024, ước thanh toán vốn đầu tư công hơn 274.501 tỷ đồng, đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức giải ngân 42,35% của cùng kỳ năm trước.

Tuy tỷ lệ giải ngân này không quá thấp so tỷ lệ chung những năm gần đây, song Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương lưu ý, kể cả với mục tiêu của Chính phủ là giải ngân 95% trong năm nay, đây vẫn là một nhiệm vụ khá nặng nề cho những tháng cuối năm. Bởi chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm 2024, như vậy, "gánh nặng" giải ngân vẫn dồn vào dịp cuối năm, trong khi nguồn vốn cần phải được hấp thụ hiện còn rất lớn. Chưa kể, còn một áp lực nữa là ngân khoản của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội phải giải ngân hết trong năm nay.

Trong khi đó, nhất quán quan điểm "dù khó khăn đến mấy vẫn phải hoàn thành mục tiêu đã đề ra", và nêu rõ quyết tâm phấn đấu đạt tăng trưởng 7% trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xác định, bên cạnh các động lực về xuất khẩu, tiêu dùng, thì giải ngân đầu tư công là động lực hàng đầu.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây không chỉ là hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mà giờ là thời điểm cần bứt phá mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng và khắc phục hậu quả, thiệt hại rất nặng nề do bão lũ, thiên tai gây ra.

Là địa phương thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân thấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng đang quyết liệt yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư, các địa phương phải chủ động phối hợp giải quyết các hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và có kế hoạch, giải pháp cụ thể đối với từng dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân dòng vốn quan trọng này.

Ở đầu tàu kinh tế phía nam, theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, công tác giải ngân vốn đầu tư công tại thành phố không chỉ tập trung vào các công trình trọng điểm mà còn chú trọng vào các dự án đầu tư công nói chung. Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, thành phố đang rất nỗ lực thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công, với quyết tâm phấn đấu cả năm đạt tỷ lệ giải ngân 95%, không để đọng vốn.

Với vai trò đơn vị đầu mối, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 1006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại đơn vị và địa phương mình quản lý.

Bộ Tài chính cho biết, đến nay, một số cơ quan có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như Ủy ban Dân tộc (1,12%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1,35%)... Đặc biệt, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giải ngân 0% do vẫn chưa phân bổ vốn.