Pha lội ngược dòng ngoạn mục
Đây là lần đầu tiên Lê Đức Phát giành vé dự Thế vận hội, cảm giác của Phát thế nào?
Tôi vừa bất ngờ và hồi hộp vì phải trải qua thời gian 3 tuần chờ đợi danh sách các VĐV chính thức được suất dự Olympic Paris. Ở giải đấu cuối cùng tính điểm dự Olympic tôi vào tới bán kết. Lúc đó, tôi tính toán mình có trong tốp 35-36 vòng loại Thế vận hội. Thứ hạng này chỉ nằm trong danh sách chờ số 1, phải trong tốp 34 mới có vé tham dự Olympic Paris.
Tôi có một chút may mắn do một số VĐV cạnh tranh đạt kết quả không tốt, ngoài ra theo điều lệ có 1-2 VĐV thi đấu ở 2 nội dung bị dư suất. Khi nhận được thông tin này, tôi nghĩ mình gần như chắc chắn sẽ giành quyền vào Thế vận hội.
Dù có một chút may mắn nhưng những nỗ lực lấy suất dự Olympic 2024 của Phát đã được đền đáp xứng đáng. Đâu là bước ngoặt giúp Phát đạt được ước mơ lớn nhất trong sự nghiệp của mình?
Giải đấu tạo nên bước ngoặt của tôi là ở Uganda hồi cuối tháng 2. Tôi đã lên ngôi vô địch ở giải này và chính danh hiệu đó giúp tôi trở lại với cuộc đua tấm vé Olympic. Trước giải tôi gặp chấn thương phải nghỉ 3 tháng, nên bị tụt lại so với các đối thủ, cụ thể là nằm ngoài tốp 40. Khi đó tôi nghĩ mình khó rồi, nhưng chức vô địch là động lực đưa tôi trở lại.
Còn đâu là trở ngại nhất trong hành trình đi tới Olympic?
Thời gian chấn thương là khó khăn nhất với tôi. Trước khi dính chấn thương tôi nằm trong vị trí an toàn là tốp 30 vòng loại, nhưng sau khi phải dừng thi đấu trong 3 tháng để chữa trị, mọi thứ đã thay đổi. Đây là thời điểm quan trọng nhất của cuộc đua tới Olympic, các VĐV “cày” điểm rất nhiều, mà tôi lại ngồi nhà nên rất sốt ruột và buồn.
Đã có lúc tôi nghĩ đến việc từ bỏ không tranh vé nữa, vì tình hình rất khó khi nằm ngoài tốp 40. Các đối thủ được thi đấu 4-5 giải, còn tôi bị tụt lại khoảng 5.000 điểm. Tôi chỉ có thể hy vọng nếu các giải sau này vào bán kết hoặc chung kết. Tôi đã thi đấu với tinh thần không còn gì để mất và phải đến phút 90 mới có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục.
Giờ đã có vé, Phát có kế hoạch chuẩn bị như thế nào và liệu rằng Olympic vẫn là sân chơi quá tầm?
Trước mắt tôi vẫn tập luyện ở đội tuyển quốc gia, sau đó tham dự một số giải, gần nhất là giải đồng đội toàn quốc ở Bắc Giang trong tháng 5, sau đó đi tập huấn và thi đấu ở Malaysia, Australia, Đài Loan (Trung Quốc) để chuẩn bị tốt nhất cho Olympic Paris.
Thực sự Olympic là sân chơi dành cho các VĐV tốp đầu thế giới. Chắc chắn tôi không được xếp là hạt giống nên sẽ rơi vào bảng đấu có các đối thủ mạnh. Mục tiêu của tôi là tập luyện, thi đấu thật tốt, nếu đúng phong độ và may mắn, tôi nghĩ mình có thể vượt qua vòng bảng.
Vô địch giải Uganda International Challenge là bước ngoặt trên hành trình giành vé dự Olympic của Lê Đức Phát. |
Muốn có sự khác biệt với thần tượng Tiến Minh
Phát thích tập với ai nhất để phát triển bản thân?
Ở trong nước hầu như tôi tập với các VĐV ở cùng trong đội. Họ giúp tôi có những bài tập phù hợp hơn. Thời gian thi đấu liên tục nên mỗi khi về nhà tôi chỉ tập với các VĐV trong đội khoảng 1-2 tuần rồi lại đi tiếp. Tôi may mắn khi được thi đấu quốc tế nhiều nên tiếp xúc với các VĐV đẳng cấp, điều đó rất có ích. Trình độ mình thấp hơn người ta nhưng được tập luyện, thi đấu cọ xát nên cũng cải thiện được.
Phải chăng tâm lý vẫn là điểm yếu với các tay vợt Việt Nam?
Thật ra tâm lý thi đấu chỉ là một phần, tôi nghĩ khi mình thi đấu liên tục thì bản lĩnh sẽ vững hơn. Thắng hay thua trong một trận đấu ngoài trình độ chênh lệch ra, còn tùy vào phong độ. Có những hôm sức khỏe không tốt thì cũng khó nói trước được.
Tượng đài cầu lông Việt Nam Nguyễn Tiến Minh có phải là hình tượng của Phát?
Chắc chắn rồi. Anh Tiến Minh đã giúp đỡ, truyền nhiều kinh nghiệm cho tôi. Tôi rất may mắn khi được anh Tiến Minh dạy bảo. Nhưng thực sự tôi cũng có mục tiêu của riêng mình. Anh Tiến Minh là người quá đặc biệt, mình không thể giống được, không ai giống ai cả.
Đối với tôi, anh Tiến Minh là một người rất đam mê, kiên nhẫn. Tôi học hỏi ở anh Minh hai điều này để có thể theo đuổi cầu lông suốt 20 năm qua.
Nhiều tay vợt Việt Nam, kể cả Nguyễn Tiến Minh, cũng phải gần như tự lo mọi thứ khi thi đấu quốc tế, còn Phát như nào?
Để theo được cầu lông tôi phải có kinh phí từ bản thân, gia đình và các nhà tài trợ. Họ giúp đỡ tôi nhiều. Để vào được tốp 34 VĐV tham dự Olympic thì chi phí bỏ ra để tham dự các giải đấu tích điểm rất khổng lồ.
Thực sự tôi dành hầu hết thời gian để tập luyện, thi đấu nên không làm thêm ở ngoài. Vì thế nguồn kinh phí từ bản thân chủ yếu đến từ mức lương ở đơn vị chủ quản, đội tuyển quốc gia, nhà tài trợ và gia đình.
Đối thủ lớn nhất từ trước đến nay của Phát là ai?
Đối thủ đẳng cấp nhất mà tôi từng đối đầu là tay vợt người Thái Lan Kunlavut Vitidsarn tại SEA Games. Tay vợt này vô địch thế giới năm 2023 ở nội dung đơn nam.
Phát từng đứng ngoài tốp 300 thế giới, còn giờ là 74. Hành trình tiến vào tốp 100 của Phát diễn ra như thế nào?
Năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch, tôi đã áp sát tốp 100. Nhưng dịch bùng lên tôi không thể đi thi đấu quốc tế nên thứ hạng bị tụt xuống ngoài tốp 300. Ở vị trí này, hành trình tìm vé tới Olympic rất khó khăn vì các đối thủ cạnh tranh với mình hầu hết nằm trong tốp 100. Họ được thi đấu các giải đấu lớn với điểm thưởng rất cao, có lợi thế được xếp là hạt giống. Vì thế, trận nào tôi cũng phải nỗ lực, quyết tâm, coi như một trận chung kết. Mình xa tốp 100 rồi mà không cố gắng thì không có cơ hội tranh chấp.
Lê Đức Phát thường phải xa nhà khi theo đuổi đam mê cầu lông. |
Bỏ boxing vì sợ bị... đấm
Phát có thể chia sẻ về con đường đến với cầu lông?
Ba của tôi là VĐV boxing, cũng là 1 nhà vô địch của Việt Nam. Ở nhà, ba có làm 1 sân cầu lông và 1 khu tập boxing. Ba chỉ cho tôi tập boxing nhưng do mình không có năng khiếu và sợ bị... đấm đau, nên chuyển sang tập cầu lông.
Năm 6 tuổi tôi bắt đầu chơi cầu lông và mê từ đó đến giờ. Tính từ lúc tập, tôi cũng đã có 20 năm theo cầu lông, nhưng để trở thành một VĐV chuyên nghiệp thì phải đến năm 16 tuổi mới quyết định.
Phát học được gì từ cầu lông?
Ngoài đam mê, tôi chơi môn này thứ nhất đơn giản là thích, thích chạy, thích đánh quả cầu. Thứ hai là tôi thấy cầu lông có yếu tố giải trí cao, có những động tác rất đẹp. Hồi bé tôi xem ti-vi thấy các VĐV thi đấu uyển chuyển rất đẹp mắt, nên tôi cố gắng tập luyện, một phần cũng để chứng tỏ bản thân mình.
Suốt hơn 10 năm tập chuyên nghiệp gần như tôi phải xa nhà. Tôi thường dậy từ 6h30 sau đó 7h30 khởi động và tập đến khoảng 12 giờ. Buổi chiều tập từ 15 giờ tới 17 giờ. Tôi xác định theo chuyên nghiệp nên học bổ túc văn hóa vào ban đêm. Hiện tại tôi đã tốt nghiệp PTTH, giờ chỉ dành hoàn toàn thời gian cho việc tập luyện, thi đấu.
Mục tiêu tiếp theo sau Olympic của Phát là gì?
Thật ra các giải trong nước tôi đều đã có chức vô địch, cả cá nhân và đồng đội. Tiếc nhất là tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022 ở Quảng Ninh tôi đánh rơi chức vô địch ở phút cuối dù dẫn điểm cả trận. Sau Olympic 2024 khoảng 10 ngày, tôi sẽ thi đấu giải vô địch quốc gia ở quê hương của mình là Quảng Trị. Tôi sẽ quyết tâm lấy lại chức vô địch mà mình đã đánh rơi.
Vì sao các tay vợt Việt Nam luôn gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm tài trợ, điều này khác hẳn với các VĐV ở trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…?
Tôi nghĩ cầu lông hiện tại ở Việt Nam được chú trọng nhiều, đang đi lên, nhưng chủ yếu là phong trào chứ không phải là chuyên nghiệp. Doanh nghiệp có thể chỉ quan tâm tới bóng đá là môn đại chúng. Nếu có một đơn vị lớn đầu tư vào cầu lông sẽ giúp cho VĐV cải thiện được nhiều điều, đặc biệt là đi thi đấu quốc tế.
Đi lên từ con số 0 và giờ giành tấm vé dự Olympic, Phát muốn nói gì với các bạn trẻ?
Tấm vé Olympic không chỉ là động lực cho tôi mà còn là mục tiêu để các VĐV trẻ đam mê thể thao cũng như cầu lông cố gắng hơn, quyết tâm hơn với ước mơ, thì mọi thứ có thể thực hiện được.
Xin cảm ơn Lê Đức Phát về cuộc trao đổi thú vị!