Thể thao Việt Nam và thách thức tại Olympic

Với 16 suất tham dự Olympic 2024, thể thao Việt Nam (TTVN) đã đạt chỉ tiêu đề ra, các VĐV đã hoàn thành hành trình đầy gian nan để giành vé đến Paris. Song, việc hướng tới mục tiêu tranh chấp huy chương ở sân chơi này luôn là thách thức rất lớn, thậm chí là khó với tới với chúng ta.
0:00 / 0:00
0:00
Lực sĩ Trịnh Văn Vinh được kỳ vọng cạnh tranh huy chương Olympic 2024. (Ảnh: IWF)
Lực sĩ Trịnh Văn Vinh được kỳ vọng cạnh tranh huy chương Olympic 2024. (Ảnh: IWF)

Sau thất bại ở ASIAD 19-2023 tại Hàng Châu (Trung Quốc), lãnh đạo Cục Thể dục Thể thao đã cùng các liên đoàn/hiệp hội thể thao lập kế hoạch chuẩn bị cho Olympic Paris 2024 diễn ra từ 26/7 đến 11/8 và đặt ra mục tiêu giành từ 12 đến 15 suất chính thức.

Sau khi các giải quốc tế có tính thành tích để được xét suất Olympic khép lại, TTVN đã có 14 VĐV giành vé chính thức gồm: Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội), Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát (cầu lông), Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Tình (judo). Cùng 2 suất đặc cách của Võ Thị Mỹ Tiên (bơi) và Trần Thị Nhi Yến (điền kinh).

Chúng ta không giành được suất Olympic trong nội dung đồng đội hay đội tuyển mà chỉ có các nội dung cá nhân. Đây là kỳ Thế vận hội mà Việt Nam có ít VĐV tham dự nhất trong 12 năm qua. Tại Olympic Tokyo 2020, chúng ta có 18 VĐV góp mặt. Ở Olympic Rio de Janeiro 2016 là 23 VĐV và Olympic London 2012 là 18.

Để hoàn thành được chỉ tiêu, các nhà quản lý, chuyên môn đã phải cân đo, đong đếm rất kỹ lưỡng, sát với tình hình thực tiễn của TTVN trong giai đoạn hiện tại. Và câu hỏi đang được quan tâm nhất lúc này là: môn thể thao nào có thể mang huy chương Olympic quý giá về cho TTVN? Thất bại tại ASIAD 19 cho thấy TTVN đang hụt hơi ở đấu trường châu Á so với khu vực. Việc chậm chuyển hướng, thiếu nguồn lực đầu tư đã khiến TTVN bị chính các nước Đông Nam Á bỏ xa trên hành trình vươn tầm châu lục và thế giới.

Có một thực tế rằng, số lượng VĐV tham dự Thế vận hội chỉ thể hiện một phần tham vọng của nền thể thao. Khả năng cạnh tranh ở đẳng cấp thế giới mới là điều quan trọng. Chúng ta đến với Olympic 2024 mà không mang một hy vọng cụ thể nào về việc giành huy chương. Với nhiều VĐV, đây là cơ hội cọ xát tuyệt vời ở sân chơi đẳng cấp thế giới. Các môn mà TTVN góp mặt lần này đều rất mạnh ở các nước trong châu lục và nếu mang thành tích tại ASIAD ra làm thước đo cho các VĐV châu Á khi tham dự Olympic, đặc biệt là kỳ ASIAD 19 năm ngoái, thì chúng ta thật sự bị lép vế.

Thể thao Việt Nam và thách thức tại Olympic ảnh 1
Trưởng đoàn Đặng Hà Việt phất cờ xuất quân tham dự Olympic Paris 2024. (Ảnh: Quý Lượng)

Nguyễn Thị Thật (xe đạp) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội) là những tên tuổi hàng đầu của TTVN. Nhưng sự thật đây là những môn thể thao mà Việt Nam thua kém đẳng cấp thế giới xa nhất. Có thể lọt vào top 8 đã là kỳ tích với 2 VĐV này.

Có lẽ, với những gì đã thể hiện, bắn súng và cử tạ là 2 môn mà chúng ta có thể kỳ vọng tạo đột biến tại Paris lần này. Với bắn súng, Lê Thị Mộng Tuyền từng xếp hạng 16 vòng loại nội dung 10m súng trường hơi nữ và không lọt vào được chung kết. Trịnh Thu Vinh khá hơn, từng xếp hạng 6 chung cuộc nội dung 10m súng ngắn hơi. Nhìn chung cả hai nữ xạ thủ này đều khó có cơ hội tranh chấp huy chương. Nhưng vì bắn súng luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ nên hy vọng vẫn được thắp lên. Tại Olympic 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng không được đánh giá cao nhưng đã làm nên kỳ tích.

Trong lịch sử tham dự Olympic, cử tạ được xem là môn thế mạnh khi từng có Hoàng Anh Tuấn đoạt HCB Olympic Bắc Kinh 2008 và Trần Lê Quốc Toàn giành HCĐ Olympic London 2012. Năm nay, lực sĩ Trịnh Văn Vinh đang được đặt niềm tin. Tuy chấn thương khớp gối đã bình phục, nhưng khả năng cạnh tranh huy chương của Vinh là không dễ dàng.

“Thành tích tốt nhất mới đây của Trịnh Văn Vinh là tổng cử 294kg, đứng thứ 9 thế giới trong số các VĐV đã giành vé ở hạng 61kg nam. Hiện thế giới có 6 VĐV đã có tổng cử trên 300kg ở hạng cân này, kỷ lục Olympic là 318kg. Do vậy, dù mong muốn nhưng để có thể có huy chương Olympic là chuyện cực kỳ khó khăn với cử tạ nói riêng và TTVN nói chung”, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 2 Ngô Ích Quân cho biết.

Có thể thấy, sân chơi châu lục và thế giới vẫn luôn quá tầm với TTVN. Tất cả các VĐV, HLV đều nghiêm túc tập luyện hoàn thiện những bước chuẩn bị cuối cùng để có được trạng thái và điểm rơi phong độ tốt nhất vào ngày tranh tài. Những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của họ rất đáng trân trọng và hy vọng may mắn sẽ đến với TTVN trong hành trình đầy thách thức lần này.