1. Tôi nghe được rằng, tại Olympic Paris này có sử dụng một hệ thống đo lường rất hoành tráng - những chiếc đồng hồ, dùng cho các môn thi tốc độ. Thể thao đã đạt tới đỉnh cao công nghệ. Bóng đá đã khai mở rất nhiều điều mới mẻ được áp dụng nhiều năm qua. Và bây giờ, Olympic cũng mang tới những điều kỳ diệu...
Lần mò đến khu vực đó nhưng đúng như dự đoán, tôi không được tiếp cận. Lững thững đi bộ, tôi chợt nhớ ra rằng đã từng đến một góc đường, nơi cũng đặt một chiếc “máy đo thời gian”. Đó là một chiếc đồng hồ, nhưng không đơn thuần chỉ là đo thời gian.
Nằm ở ngã tư Quai de l’Horloge và Boulevard du Palais, ngay ở trung tâm quận 1 là Hoàng cung của thành phố, là cung điện Hoàng gia đầu tiên được xây dựng vào thế kỷ 14. Phía ngoài nơi góc đường Quai de l’Horloge có tòa Conciergerie và bên ngoài có gắn một chiếc đồng hồ cũng mang tên tòa nhà này. Đó là chiếc đồng hồ công cộng cổ xưa, lâu đời nhất nước Pháp. Nơi chiếc đồng hồ này được gắn ngày xưa được gọi là Tháp đồng hồ Conciergerie cao 47m, được xây dựng bởi nhà thiết kế Jean Le Bon từ năm 1350 thời Vua Charles V. Còn chiếc đồng hồ được tác chế bởi thợ đồng hồ nổi tiếng nhất Paris ngày đó - Henri de Vic và tồn tại hàng trăm năm, trải qua rất nhiều biến cố lịch sử, các cuộc chiến tranh... Sau nhiều năm, các đời vua khác cũng đã cho tu sửa cho đẹp hơn, mỗi lần lại thêm bắt mắt.
Đồng hồ Conciergerie lâu đời tại Paris. (Ảnh: LT) |
2. Chiếc đồng hồ Conciergerie không chỉ lưu giữ lịch sử và thời gian của Paris mà còn là nhân chứng của rất nhiều biến động xã hội Pháp. Thời Cách mạng Pháp, tòa tháp đồng hồ này chính là nơi giam giữ rất nhiều nhân vật nổi tiếng sau đó bị xử tử, như Marie Antoinette, Antone Lavoisier, Maximilien Robespierre. Thậm chí sau khi Cách mạng Pháp kết thúc, nơi này cũng vẫn là nhà tù giam giữ những người như Michel Ney, Louis-Napoleon Bonaparte... Phía sau lưng của chiếc đồng hồ Conciergerie chính là một thước phim lịch sử dài hàng trăm năm của Paris. Và ngay trên phần thân phía trước của nó cũng mang theo hàng trăm biểu tượng về luật pháp với dòng chữ tiếng Latin, các dấu ấn của nhiều đời vua và thậm chí có cả biểu tượng của tình yêu.
Ở một góc đồng hồ có biểu tượng chữ H và D lồng vào với nhau. Người ta cho rằng đây là viết tắt của tên Vua Henri II với tên của bà Diane de Poitiers. Đó là một mối tình rất nổi tiếng trong lịch sử nước Pháp, dù bà Diane không phải Hoàng hậu (Hoàng hậu là bà Catherine de Medici). Mối tình ấy kéo dài và bà Diane trở thành người cực kỳ quan trọng trong triều đại của Vua Henri II. Biểu tượng chữ HD được con trai của Vua Henri II là Henri III đặt lên đồng hồ Conciergerie và sau đó nó được gắn ở khắp nơi tại Paris rồi tồn tại đến tận ngày nay. Một chiếc đồng hồ không đơn giản là máy đếm thời gian, Conciergerie thật sự là một kiệt tác nghệ thuật độc đáo, đẹp mắt có tính thẩm mỹ cao được nhào nặn theo nhiều trường phái kéo dài hàng trăm năm. Và phía sau nó còn là cả những câu chuyện của quá khứ, của lịch sử và của dòng thời gian Paris.
Mới hơn một tháng trước, EURO 2024 đã giới thiệu nhiều bước tiến vượt bậc trong việc áp dụng công nghệ vào các trận đấu để nâng cao tính công bằng. Điểm đáng chú ý nhất là quả bóng chính thức của EURO 2024, đó là một kiệt tác thật sự khi có gắn chip, có thể chuyển dữ liệu với tốc độ 500 hình ảnh 3D mỗi giây, xác định rõ bộ phận nào chạm bóng, chạm bóng như thế nào, thậm chí hiển thị biểu đồ xung động âm thanh nếu có tác động vào bóng.
Tưởng như những sản phẩm siêu thực đó đã là đỉnh cao thì chỉ vài ngày sau, Olympic cũng khiến cả thế giới kinh ngạc. Những dữ liệu khổng lồ thời gian được cung cấp giúp các môn thể thao công bằng, chính xác gần như tuyệt đối. Điều đó được bảo đảm bởi công sức và sự phát triển công nghệ của hãng Omega, đối tác thương hiệu của Olympic từ năm 1932. Gần 100 năm qua, công nghệ đo thời gian tại Thế vận hội của Omega ngày càng nâng cao và tại Olympic Paris 2024, nó đã đạt tầm cao mới.
Lần đầu tiên, thế hệ hình ảnh hoàn thiện với chức năng Scan O Vision Ultimate được sử dụng với độ phân giải cao chưa từng có, có thể chụp 40.000 hình ảnh mỗi giây từ cự ly... 5mm. Khi đó, bạn có thể xác định cực kỳ chính xác đến từng micromet xem ai là người cán đích đầu tiên, điều mà mắt thường hay video quay siêu chậm cũng không thể nhận ra. Khả năng cung cấp dữ liệu hình ảnh của hệ thống này cao gấp 4 lần so với hệ thống Scan O Vision Myria được dùng 4 năm trước ở Olympic Tokyo.
Ở môn bơi lội, Ban tổ chức áp dụng hệ thống Swim Tracker thu thập hàng nghìn dữ liệu từ vị trí, tốc độ, thậm chí cả số lần sải bơi của từng VĐV. Tất cả những công nghệ tiên tiến này được kết nối và thể hiện sắc nét về hình ảnh, đồ họa với độ phân giải cực cao, có thể hiện thị bằng 8 ngôn ngữ: Trung, Hàn, Nhật, Nga, Ả Rập, Ý, Pháp và Anh cùng một lúc. Tại Paris, có khoảng 190 hệ thống này được sử dụng ở các môn thi đấu. Cùng với đó sẽ là công nghệ đồ họa truyền hình Vionardo giúp hình ảnh siêu thực hơn để thể hiện các dữ liệu thông số hình ảnh. Thí dụ như môn chạy 100m sẽ có 2.000 hình ảnh được tạo ra mỗi giây với 8 VĐV và nó được kết hợp với công nghệ AI để thể hiện.
Chức năng Scan O Vision Ultimate được nâng cấp với độ phân giải cao. (Ảnh: Getty) |
3. Olympic 1932, có một nghệ nhân đồng hồ từ Thụy Sĩ bay đến Los Angeles với chiếc cặp chứa 30 chiếc đồng hồ bấm giờ. Đến Olympic Paris, có 550 đồng hồ bấm giờ kỹ thuật số, 350 tấn thiết bị, máy tính, máy ảnh, đồng bộ với phần mềm và 500 km dây cáp, với 550 người điều phối và 400 nhân viên Omega có mặt ở Paris từ trước giải một tháng để vận hành.
Công nghệ là thứ không thể thiếu trong thi đấu thể thao đỉnh cao. Nhưng dù tiên tiến đến đâu thì giá trị thời gian của nó sẽ được thay đổi, giống như chiếc đồng hồ Conciergerie được bồi đắp trở nên kiệt tác sau hàng trăm năm. Chỉ có điều, dù hiện đại cỡ nào thì sẽ chẳng có cỗ máy nào sánh được chiếc đồng hồ nhỏ nơi góc đường Paris.