Paris hối hả, sắc màu và rộn ràng

EURO rồi Olympic, châu Âu thật sự trở thành điểm đến của cả thế giới mùa hè này. Paris vẫn luôn kiêu kỳ và lãng mạn, vào những ngày bận rộn, thành phố này sẽ ra sao? Ở đây, câu chuyện Olympic đã khiến tôi cảm nhận một Paris hoàn toàn khác so với những lần trước đến đây.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Getty
Ảnh: Getty

1. Euro vừa kết thúc, Olympic đã vội vàng tới. Thông thường từ sân bay về trung tâm Paris chỉ khoảng 30 km, đi mất khoảng chưa đầy 1 giờ đồng hồ, nhưng lần này tôi đã mất hơn 2 tiếng mới về tới khách sạn. Mọi ngả đường đều tắc, nhưng bù lại không khí Olympic đã phủ ngập thành phố.

Khi tới Paris, điều đầu tiên tôi làm là đi một vòng thành phố, lướt mạng internet tìm thông tin và mua báo để xem những tin tức về Olympic. Mọi thứ khiến tôi khá bất ngờ về sự đồ sộ, hoành tráng và vô cùng công phu tỉ mỉ. Suốt từ quá trình chuẩn bị cho đến khi tổ chức thi đấu, Paris đã đối mặt nhiều thử thách và giải quyết cực kỳ nhiều vấn đề. Đầu tiên là giao thông, hàng trăm tuyến đường bị cấm, các địa điểm thi đấu cũng được khoanh vùng, thậm chí những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất cũng quây lại để sử dụng cho rất nhiều hạng mục Olympic. Điều này dẫn đến việc tắc đường thường xuyên, triền miên và kéo dài đến tận đêm khuya. Không chỉ cấm đường, Paris còn đưa ra những quy định về khu vực cấm để bảo đảm an ninh hàng trăm hạng mục khác phục vụ Olympic. Họ đưa ra 3 mức khu vực cấm giống đợt cách ly dịch Covid-19 vậy, mức cao nhất thậm chí người dân ở đó cũng bị hạn chế đi lại.

Dẫu vậy, khách du lịch, các cổ động viên đổ tới Paris vẫn rất đông, trong khi những người Paris bản địa phần lớn đều đã mua vé đi du lịch vào thời điểm diễn ra Olympic. Họ không muốn đối mặt với sự đông đúc, những gì họ lường trước khi diễn ra đại hội thể thao lớn nhất thế giới. Thậm chí, phần lớn các công ty, cơ quan đều khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà, tránh ra đường, thậm chí họ yêu cầu người lao động nghỉ phép vào thời điểm diễn ra Olympic. Do lượng khách du lịch quá lớn, nhu cầu về đi lại, phương tiện công cộng và các dịch vụ khác tăng chóng mặt. Phòng khách sạn gần như không còn, với giá cao gấp 3 lần so với mọi khi. Cuộc sống Paris xáo trộn đến nỗi, vé tàu điện nội thành cũng tăng lên gấp đôi. Olympic thật sự làm Paris quay cuồng đến tội nghiệp.

Paris hối hả, sắc màu và rộn ràng ảnh 1

Người Paris bản địa phần lớn đều đi du lịch vào thời điểm diễn ra Olympic vì không thích sự đông đúc. (Ảnh: LT)

2. Bất kể tổ chức một sự kiện lớn, mang tầm cỡ thế giới nào thì những điều đó là không thể tránh khỏi. Bù lại, cả thế giới sẽ được chứng kiến những màn đối đầu thể thao đỉnh cao, những màn trình diễn mãn nhãn.

Dọc bờ sông Seine, Ban tổ chức cấm toàn bộ các khu vực chung quanh từ trước lễ khai mạc 1 tuần. Sở dĩ như vậy bởi sông Seine là “bối cảnh” chính cho lễ khai mạc chứ không phải trong sân vận động như thông thường. Các màn trình diễn chính, các VĐV sẽ diễu hành trong lễ khai mạc trên sông Seine. Sự sáng tạo đặc biệt tiêu tốn rất nhiều thứ, từ chi phí đến công sức. Những chiếc thuyền chở VĐV trong Lễ khai mạc, các diễn viên lái thuyền... đều tập trước cả tháng vào buổi sáng sớm trên sông Seine. Đầu tháng 7, Ban tổ chức lắp đặt ghế ngồi dọc bờ sông Seine, lắp hàng chục màn hình Led cỡ lớn, hàng trăm máy quay, các tổ ghi hình để truyền hình trực tiếp lễ khai mạc, cũng như các môn thi đấu. Người dân Paris đều sẽ nhận được email, hoặc thư mời đăng ký chỗ ngồi xem lễ khai mạc vào ngày 2 và 3/7. Mỗi người được đăng ký kèm theo 3 người nữa và họ đều có chỗ ngồi để xem lễ khai mạc. Mọi thứ được lên kế hoạch chi tiết, cụ thể và thực hiện từng bước vô cùng chỉn chu.

Bên cạnh khâu tổ chức, Paris còn đối mặt với rất nhiều vấn đề, đặc biệt là tranh cãi về những di sản đứng trước nguy cơ tổn thương vì Olympic. Ngoài những cây cầu nổi tiếng sẽ bị đóng cửa trong thời gian diễn ra Olympic, những cửa hàng sách, tạp hóa nằm dọc sông Seine cũng từng đối mặt với việc bị dỡ bỏ. Những cửa hàng sơn xanh nằm ven đường bên bờ sông Seine không chỉ đơn giản là những cửa hàng thông thường mà đó là di sản văn hóa của Paris, tồn tại hàng trăm năm qua. Có nhiều ý kiến muốn giải tỏa hệ thống sạp hàng này, nhưng cuối cùng không thể làm được vì giá trị văn hóa, lịch sử của nó và đặc biệt là sự phản đối của người dân Paris.

Paris hối hả, sắc màu và rộn ràng ảnh 2

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 sẽ tổ chức trên sông Seine. (Ảnh: Getty)

3. Trong tất cả những hạng mục chuẩn bị cho một kỳ Đại hội thể thao, việc gìn giữ nguyên trạng các giá trị văn hóa, mà vẫn phải bảo đảm môi trường và dịch vụ du lịch là điều cực kỳ khó khăn. Ở Paris, điểm du lịch lớn nhất thế giới với lượng khách tới 37 triệu người mỗi năm, việc bảo đảm mọi yêu cầu cơ bản là điều không dễ. Ngay như việc tổ chức tập luyện của các diễn viên thôi cũng là câu chuyện dài. Họ được bố trí tập trong một khu vực khá khó tìm, đó là một khu vực nhà chứa máy bay. Khoảng 50 vũ công tập luyện dưới sự chỉ đạo của biên đạo múa hàng đầu Maud Le Pladec, cũng là đạo diễn mảng khiêu vũ cho Lễ khai mạc. Đúng ra, nhóm múa này bao gồm 400 diễn viên, nhưng họ tập tách biệt sau đó ghép lại. Thậm chí họ không biết các bạn mình ở nhóm khác tập cái gì. Tổng cộng sẽ có hơn 3.000 nghệ sĩ tham gia biểu diễn tại Lễ khai mạc Olympic và Paralympic 2024. Nguyên việc trang bị trang phục cho 3.000 diễn viên này cũng đã là vấn đề cực lớn.

Euro kết thúc, mọi con mắt lại hướng về Paris. Và tôi cũng trở lại Paris để tận hưởng bầu không khí thể thao lớn nhất thế giới.