Tạo sinh kế cho người dân để giữ rừng

Thời gian qua, công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, tình trạng xâm lấn đất rừng, phá rừng vẫn còn xảy ra tại một số địa phương, đòi hỏi cần có các giải pháp để cải thiện sinh kế cho người dân sống được bằng nghề rừng, tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Tạo việc làm cho đồng bào H’Mông, bản Sam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, Sơn La từ trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.
Tạo việc làm cho đồng bào H’Mông, bản Sam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, Sơn La từ trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.

TRAO đổi ý kiến với chúng tôi, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Sơn La Lương Ngọc Hoan cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới rừng vẫn bị xâm lấn là công tác thực thi pháp luật còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, các đơn vị quản lý còn thụ động trong việc nắm bắt, ngăn chặn và xử lý các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhất là việc quản lý các đối tượng thường xuyên vi phạm. Cùng với đó, công tác xử lý của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn thiếu kiên quyết, chưa triệt để. Trong khi phạm vi quản lý của một kiểm lâm viên quá rộng, địa hình đồi núi, sông suối chia cắt phức tạp, có những khu vực để đến được phải mất từ ba đến bốn ngày đường đi bộ, khó khăn trong việc kiểm tra thường xuyên để phát hiện vi phạm và xử lý. Đặc biệt tình trạng thiếu thông tin về những cộng đồng mà sinh kế phụ thuộc vào rừng, đó là các hộ nghèo sống gần rừng. Do vậy, cần phải có số liệu rõ ràng về số lượng, cách thức người nghèo kiếm sống bằng rừng và thực trạng cuộc sống của họ, cung cấp những kỹ năng và kiến thức về quản lý, bảo vệ, làm giàu rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ người dân trong việc phát triển kinh tế dựa vào rừng thông qua hoạt động sinh kế như trồng trọt, chăn nuôi, nông lâm kết hợp.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên Hờ A Mang, cùng với các giải pháp mà tỉnh Sơn La đã và đang triển khai góp phần giảm đáng kể các vụ phá rừng, khai thác lâm sản trái phép tại những địa bàn trọng điểm trước đây, thì cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp trong thời gian dài để đồng bào các dân tộc vùng khó khăn xây dựng được mô hình trồng rừng, chăn nuôi gia súc và trồng các loài cây ăn quả, cây công nghiệp đặc sản, đặc trưng của từng vùng. Nghiên cứu những loài cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế có thể kết hợp canh tác dưới tán rừng hoặc những loại cây ngắn ngày trồng xen trong giai đoạn vườn rừng chưa khép tán như các loại cây dược liệu thảo quả, sa nhân…

Thực tế cho thấy, việc bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La đang đặt ra nhiều thách thức, trong đó quan trọng nhất là làm sao để vừa bảo vệ rừng, vừa bảo đảm sinh kế cho người dân. Vì họ chính là những người sống trực tiếp và gần với rừng. Thậm chí, có nơi người dân còn sinh sống trong vùng lõi của rừng đặc dụng. Do vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay là làm sao để có đất canh tác mà không phải chặt phá rừng, gây ảnh hưởng đến rừng. Ngày trước người dân tự do khai phá rừng làm nương rẫy hay khai thác lâm sản trái quy định…, nhưng hiện nay các diện tích rừng đã được đưa vào quy hoạch các loại rừng, bắt buộc người dân phải chuyển sang canh tác ruộng nước, trả lại diện tích đất lâm nghiệp đã xâm lấn nhiều năm. Tuy nhiên, diện tích ruộng nước tại nhiều vùng khó khăn, vùng cao của Sơn La lại quá thiếu cho nên hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân không được bảo đảm, ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày. Khi cuộc sống khó khăn thì người dân sẽ đi khai phá đất rừng, chặt phá rừng lấy lâm sản đem đi bán, dù biết rằng đó là trái quy định, thậm chí là chấp nhận vi phạm Luật Lâm nghiệp... Do vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng chỉ đạt hiệu quả khi có sự phối hợp tốt giữa các cấp, ngành, chứ không chỉ riêng trách nhiệm này của lực lượng kiểm lâm.

CHIA sẻ về các giải pháp giúp người dân vùng cao sống được với rừng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên Phan Quý Dương nhấn mạnh, cần quan tâm đào tạo và phát triển thêm một số nghề, đặc biệt là các nghề sử dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, như mây, tre, đan lát, các nghề truyền thống kết hợp du lịch sinh thái như dệt thổ cẩm; nhân rộng mô hình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng; xem xét tăng nguồn kinh phí để tăng thêm mức thu nhập cho người dân, cộng đồng đang nhận quản lý, bảo vệ rừng; đầu tư, quy hoạch và xây dựng hệ thống đường giao thông để thuận lợi cho việc vận chuyển lâm sản sau khai thác từ rừng trồng, góp phần giảm chi phí cho vận chuyển, bảo đảm tăng thêm nguồn thu nhập cho đồng bào các dân tộc vùng cao, khó khăn… Bởi khi người dân sống ổn định được từ rừng thì việc xâm lấn, làm ảnh hưởng tới rừng sẽ không xảy ra.

Muốn vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần phải xem đây là nhiệm vụ của mình, phải tham gia giải quyết các vấn đề đất đai, sinh kế, an sinh xã hội, có biện pháp răn đe, giáo dục, phòng ngừa hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; đào tạo và phát triển thêm một số nghề để người dân có thể chuyển đổi nghề khai thác rừng sang một số ngành nghề khác.