Thời tiết khắc nghiệt, nhiều biến động
Phạm vi lập Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là toàn bộ địa giới hành chính vùng trung du và miền núi phía bắc, gồm 14 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, với tổng diện tích là 9.518.414 ha.
Việc quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc được yêu cầu phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch), trong đó phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng như: vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của vùng; hiện trạng phát triển kinh tế-xã hội; tài nguyên thiên nhiên, môi trường; hệ thống đô thị, nông thôn; kết cấu hạ tầng; liên kết nội vùng,…
Tại nhiều tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc như Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên…, biến đổi khí hậu đã thể hiện tương đối rõ nét. Đặc biệt, tác động của nó đã làm gia tăng tần suất và cường độ các hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng tiêu cực đời sống và sản xuất của người dân. Nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá đã trở nên thường xuyên hơn trong mùa mưa trên khu vực dãy núi Hoàng Liên Sơn. Các đợt rét đậm, rét hại, mưa đá, dông sét, băng giá, sương muối xảy ra với tần suất ngày một nhiều hơn tại các vùng núi.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất về mùa khô xảy ra cục bộ tại một số địa phương. Sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa làm thay đổi diện tích và chất lượng rừng, hạn hán và thiếu nước cũng tạo ra nguy cơ cháy rừng cao trên địa bàn trung du và miền núi phía bắc. Điều này đòi hỏi việc ứng phó, trong đó lồng ghép biến đổi khí hậu vào quy hoạch, nhằm góp phần phát triển bền vững về kinh tế-xã hội, hài hòa với thiên nhiên, tạo môi trường xanh, an toàn cho cư dân vùng này.
Lồng ghép các nội dung ứng phó thiên tai
Để tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, theo chuyên gia của Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, các địa phương cần sớm thúc đẩy các kế hoạch, giải pháp cụ thể chủ động về nguồn nước, năng lượng trong mùa khô hạn. Chú trọng hạ tầng kỹ thuật an toàn ở các hồ chứa, đồng thời cũng phải lồng ghép quản lý, tổ chức lập, công bố bản đồ vùng dễ bị tổn thương do khí hậu để cập nhật quy hoạch vùng, tỉnh, giảm các thiệt hại về cơ sở hạ tầng và con người. Đặc biệt là sự chung tay, quyết tâm nâng cao diện tích cây xanh trong đô thị và tăng tỷ lệ trồng rừng kinh tế, tăng độ che phủ rừng.
Việc nghiên cứu lồng ghép các nội dung ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu ngay từ giai đoạn lập quy hoạch sẽ mang lại những hiệu quả cao trong việc thích ứng biến đổi khí hậu. Nguyên lý chung là dành chỗ cho nước, quy hoạch và quản lý dựa trên chu trình tuần hoàn tự nhiên của yếu tố nước, quy hoạch và thiết kế nông thôn chung với nước. Kết hợp quản lý dòng chảy đầu nguồn với quản lý thoát nước hạ lưu, thiết kế và quản lý hành lang thoát lũ, nâng cấp đê điều, bờ kè; thiết kế kênh dẫn nước ra khỏi vùng trọng điểm trong trường hợp lũ lụt. Tránh các giải pháp kiên cố hóa quy mô lớn vừa khó khăn trong tìm kiếm nguồn lực đầu tư mà có thể dẫn đến chỉ một vị trí bị hư hại sẽ làm cả hệ thống tê liệt. Phát triển các cấu trúc nhỏ đơn lẻ và linh hoạt, có khả năng thích nghi cao và chịu thiệt hại thấp nhất trong trường hợp rủi ro. Quy hoạch tái định cư cho những khu vực có khả năng bị ảnh hưởng. Bảo vệ những cấu trúc và công trình ở vùng bị đe dọa, nghiên cứu các mô hình định cư, các giải pháp kiến trúc nhà ở chống chịu thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đi cùng là xây dựng năng lực, đầu tư nguồn lực cho các cấp, ngành chủ động ứng phó trước thiên tai, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Cần xây dựng chính sách huy động các nguồn lực nhằm tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đặc biệt đối với ngành y tế, trước, trong, sau thiên tai.
Cũng cần xây dựng năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trong cộng đồng như xem xét thiết kế, ứng dụng các công trình, mẫu nhà cộng đồng đa năng để bảo đảm nơi trú tránh thiên tai. Đi đôi với đó là giáo dục, tuyên truyền ở cộng đồng, nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân về biến đổi khí hậu gắn với đặc điểm từng địa phương.
Vùng trung du và miền núi phía bắc chiếm hơn 35% diện tích và khoảng hơn 15% dân số cả nước, với 30 dân tộc cùng sinh sống. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; cửa ngõ phía tây và phía bắc của quốc gia, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.