Tăng năng lực, tạo kết nối

Phát triển thương mại điện tử là một trong những giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, tăng thu nhập cho chủ thể. Nhưng theo ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vẫn cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng sản phẩm, chủ thể tham gia vào sàn thương mại điện tử.
0:00 / 0:00
0:00
Tăng năng lực, tạo kết nối

-Ông đánh giá thế nào về các nội dung trong hợp phần hỗ trợ phát triển thương mại điện tử sản phẩm OCOP? Thời gian qua, số lượng giao dịch có được như kỳ vọng?

- Phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP là một giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường, nó không trở thành một hợp phần gắn với các nội dung hỗ trợ riêng. Các hỗ trợ về phát triển thương mại điện tử dựa trên hai nguồn lực: Chính sách hỗ trợ của các địa phương, chính sách hỗ trợ của các sàn thương mại điện tử.

Từ năm 2020, chúng tôi đã chủ động phối hợp các sàn thương mại điện tử để xây dựng các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các ưu tiên về hướng dẫn, hỗ trợ hồ sơ, logistics, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử lớn. Bên cạnh đó, là các giải pháp hỗ trợ chủ thể bán hàng trên kênh của mạng xã hội.

Kết quả đến nay cho thấy, có hơn 50% số chủ thể tham gia kênh thương mại điện tử. Trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp các địa phương và TikTok Việt Nam tổ chức hơn 800 phiên bán hàng trực tuyến gắn logo Chợ phiên OCOP, thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu lên tới hơn 100 tỷ đồng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về sản phẩm OCOP Việt Nam đối với người dân.

Nhìn chung, sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử đã đạt được những kết quả khá tốt, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn: khả năng tham gia và thích ứng của chủ thể còn hạn chế như kỹ năng, năng lực sử dụng công nghệ thông tin yếu; quy mô sản xuất nhỏ và theo thời vụ ảnh hưởng đến khả năng duy trì của các đơn hàng.

Tăng năng lực, tạo kết nối ảnh 1

Thu hoạch nếp nương tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ảnh: Đăng Khoa

- Ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức của người dân chưa cao, khi hỗ trợ bà con tham gia sàn thương mại điện tử sẽ khó thông suốt, gây lãng phí, cơ quan chức năng có giải pháp gì?

- Thứ nhất, sàn thương mại điện tử yêu cầu khá cao về năng lực, đặc biệt là công nghệ thông tin và xử lý đơn hàng. Bởi vậy, khi hỗ trợ các chủ thể tham gia sàn thương mại điện tử luôn cần cả một quá trình, trong đó chú trọng về câu chuyện nâng cao năng lực, kỹ năng, chứ không phải là có sản phẩm thì cứ đưa lên sàn. Do đó rất cần tập huấn, hướng dẫn, nâng cao năng lực, từng bước để thay đổi tư duy, suy nghĩ và kỹ năng cho các chủ thể.

Thứ hai, cần có sự chọn lọc để lựa chọn sản phẩm, chủ thể phù hợp tham gia. Không phải sản phẩm nào, chủ thể nào cũng đưa lên sàn thương mại điện tử.

Thứ ba, cần có sự hợp tác, kết nối để chủ thể tham gia sàn thương mại điện tử gắn với một tổ chức trung gian (hợp tác xã, doanh nghiệp) để giúp xử lý các vấn đề kỹ thuật.

- Thưa ông, những năm qua việc kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP ra sao, cơ quan chức năng có giải pháp gì để cải thiện tình trạng sản phẩm na ná, giống nhau?

- Kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP là một yêu cầu bắt buộc trong quản lý sản phẩm OCOP, việc kiểm tra, thu hồi sản phẩm không bảo đảm, không đúng hồ sơ sản phẩm là việc làm thường xuyên của các cơ quan quản lý Chương trình OCOP các cấp (trung ương, tỉnh, huyện). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Chương trình) đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát sản phẩm, thu hồi các sản phẩm không bảo đảm chất lượng và các yêu cầu như công bố theo hồ sơ.

Đối với vấn đề sản phẩm na ná, giống nhau, việc phát triển sản phẩm và tham gia thị trường là trách nhiệm và khả năng của các chủ thể OCOP, các cơ quan quản lý chương trình cần hỗ trợ cho chủ thể, cụ thể:

Phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế và điều kiện của từng địa phương, bao gồm: Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu địa phương, giá trị văn hóa địa phương.

Hình thành các tổ chức liên kết của cộng đồng để thống nhất về sản phẩm, gắn với chất lượng, nhận diện và khai thác sự khác biệt về sản phẩm của cộng đồng.

Xây dựng câu chuyện sản phẩm riêng dựa trên chất lượng, đặc trưng và khả năng nhận diện của từng sản phẩm.

Thương mại sản phẩm OCO P gắn với các giá trị truyền tải thông điệp đặc thù như tương tác trực tiếp (Shop TikTok); các kênh hàng quà tặng, quà biếu; du lịch nông nghiệp, nông thôn...

- Có ý kiến cho rằng, nếu chương trình mỗi xã một sản phẩm phối hợp ngành du lịch, sẽ có thể tạo nên sự tương hỗ hiệu quả, ông có nhận định gì về vấn đề này?

- Đây là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm, triển khai nhiều giải pháp để thực hiện. Hiện nay có rất nhiều sản phẩm OCOP đã hình thành, gắn bó chặt chẽ với du lịch, trở thành sản phẩm du lịch: chè Suối Giàng (Yên Bái), chè Tân Cương (Thái Nguyên), sen Đồng Tháp... Sản phẩm OCOP đã xuất hiện và được xúc tiến thương mại ở các điểm, trung tâm du lịch ở các địa phương. Về cơ bản, các điểm du lịch nông thôn đều đã bán sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên các hoạt động lồng ghép, xây dựng sản phẩm du lịch từ sản phẩm OCOP chưa đạt kết quả cao. Thêm nữa, sản phẩm OCOP chưa được phát triển hướng đến mục tiêu tiêu dùng du lịch. Các điểm tập trung sản phẩm OCOP chưa nhiều, điểm phục vụ khách du lịch lại càng hiếm. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục có những phối hợp các địa phương để triển khai, thực hiện.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!