Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt

Đó là chủ đề của cuộc tọa đàm và trưng bày chuyên đề diễn ra sáng nay (1/11) tại Toà nhà Hội nhà báo Việt Nam, Hà Nội. Sự kiện nhằm hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2025), và đúng dịp 100 năm ngày sinh nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (5/11/1924 – 5/11/2024).
0:00 / 0:00
0:00
Phần trưng bày giới thiệu nhiều kỷ vật, tư liệu phong phú về nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu. (Ảnh H.Hoàng)
Phần trưng bày giới thiệu nhiều kỷ vật, tư liệu phong phú về nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu. (Ảnh H.Hoàng)

Đến dự sự kiện có đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; PGS, TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản,… cùng nhiều đại biểu, nhà báo và gia đình cố nhà báo Lý Văn Sáu.

Lý Văn Sáu (1924-2012) là một trong những nhà báo thuộc lớp trí thức đã dành trọn những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và dựng xây đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông tham gia sáng lập Báo Thắng khi mới 22 tuổi (năm 1946); góp phần gây dựng Đài Tiếng nói Nam Bộ và Đài Tiếng nói Miền Nam ngay từ thời kỳ đầu; trở thành người phát ngôn xuất sắc của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Paris (1968-1973). Đất nước thống nhất, ông gắn bó với công tác quản lý báo chí, với hoạt động nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam, là một trong những lãnh đạo kỳ cựu của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và tiếp tục có nhiều đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao.

Trong kỷ yếu về văn nghệ sĩ Liên khu V, nhà báo Lý Văn Sáu luôn để lại nhiều ký ức tốt đẹp trong lòng bạn bè, đồng nghiệp. Cố nhà văn, thiếu tướng Nguyễn Chí Trung từng chia sẻ: “Trên quê hương Liên khu V, sự cống hiến, tấm lòng và ý chí của anh Lý Văn Sáu, một người anh lớn trong đội ngũ báo chí, văn nghệ Việt Nam, mãi mãi còn đó với non song, đồng bào, đồng chí. Không sao quên được những ngày kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà ngòi bút và tiếng nói của anh đã góp phần làm nên thắng lợi. Những người làm báo, làm văn, làm nghệ thuật ở chiến trường Liên khu V nhớ thương, kính trọng anh mãi mãi”.

Sự kiện lần này nhằm tôn vinh nhà báo Lý Văn Sáu - một trong những gương mặt tiêu biểu, có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Suốt cuộc đời ông làm báo và có nhiều cống hiến trên lĩnh vực thông tin-tuyên truyền đối ngoại và xây dựng ngành phát thanh và truyền hình, thống tấn; để lại nhiều dấu ấn quan trọng trên mặt trận chính trị-ngoại giao phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Phát biểu khai mạc phần toạ đàm, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Hôm nay chúng ta cùng nhau tưởng nhớ và tôn vinh một nhà báo xuất sắc, một nhà ngoại giao tài năng, một tấm gương sáng của báo chí cách mạng Việt Nam - nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu. Sự kiện được chọn tổ chức đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 100 của ông. Dù ở vị trí, công việc nào, nhà báo Lý Văn Sáu cũng dành nhiều tâm huyết, hiến dâng trọn vẹn những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Lý Văn Sáu đã minh chứng cho phẩm chất cao quý của một nhà báo cách mạng, một nhà báo chiến sĩ, sống và cầm bút vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Đây cũng là sự kiện giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những đóng góp, những di sản to lớn của các thế hệ đi trước để lại cho mai sau, đồng thời cũng là sự nhắc nhở, khơi gợi, khích lệ cho thế hệ trẻ hôm nay với niềm tự hào, nhân lên những khát vọng, những nỗ lực, vươn lên mạnh mẽ trong hành trình đổi mới và hội nhập.

Tại tọa đàm, PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cung cấp thêm thông tin: Với vốn tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha điêu luyện và năng lực làm báo, làm tuyên truyền, làm đối ngoại xuất sắc, ông được tổ chức bố trí hẳn sang lĩnh vực ngoại giao - làm ngoại giao mà vẫn gắn kết với báo chí. Ông là thành viên quan trọng của ta tham gia Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam từ năm 1968-1973 trên các cương vị Cố vấn, người phát ngôn của Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, người trợ thủ đắc lực của bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris lúc đó. Ông Lý Văn Sáu ở mặt trận cam go, nhiều thử thách này suốt 5 năm, chủ trì gần 100 cuộc họp báo lớn nhỏ và cái tên Lý Văn Sáu nổi tiếng ở cả Việt Nam và thế giới từ đó.

Phần trưng bày giới thiệu hàng trăm tài liệu, hiện vật, hình ảnh được bố trí trên 10 vách và 5 tủ hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo-nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, nêu bật những đóng góp của nhà báo-nhà ngoại giao Lý Văn Sáu đối với sự nghiệp báo chí cách mạng và sự nghiệp ngoại giao Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Tiêu biểu như tài liệu, hiện vật, hình ảnh trong thời gian nhà báo Lý Văn Sáu hoạt động tại Cuba, tại Hội nghị Paris 1968-1973, sổ ghi chép và quá trình hoạt động báo chí,…

Đến dự sự kiện, đông đảo bạn bè, gia đình và khách mời tham dự toạ đàm cũng đã chia sẻ niềm xúc động, những tình cảm tốt đẹp, bày tỏ lòng ngưỡng mộ về con người và sự nghiệp của nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu.

Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt ảnh 1

Các đại biểu tham dự toạ đàm. (Ảnh H.Hoàng)

Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt ảnh 2

Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc toạ đàm. (Ảnh H.Hoàng)

Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt ảnh 3

Đông đảo các đại biểu, nhà báo quan tâm đến sự kiện. (Ảnh H.Hoàng)