Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV

Gỡ các "điểm nghẽn" thể chế của nền kinh tế

Với quan niệm, xây dựng, hoàn thiện thể chế và kịp thời tháo gỡ "điểm nghẽn" trong thể chế là giải quyết được "điểm nghẽn của điểm nghẽn", đại diện cơ quan soạn thảo Dự án 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính tin tưởng: Những nội dung trình Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp này sẽ góp phần giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Trong phiên họp toàn thể sáng 29/10, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án 1 luật sửa 7 luật liên quan lĩnh vực tài chính. Ảnh: Nghĩa Đức
Trong phiên họp toàn thể sáng 29/10, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án 1 luật sửa 7 luật liên quan lĩnh vực tài chính. Ảnh: Nghĩa Đức

Theo chương trình Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, trong phiên họp toàn thể sáng 29/10, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày trước Quốc hội tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (gọi chung là Dự án 1 luật sửa 7 luật liên quan lĩnh vực tài chính).

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế

Gỡ các "điểm nghẽn" thể chế của nền kinh tế ảnh 1

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày trước Quốc hội tờ trình Dự án 1 luật sửa 7 luật liên quan lĩnh vực tài chính. Ảnh Nghĩa Đức

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, đây là Dự án Luật quan trọng, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vấn đề lớn, mang tính cấp bách, "điểm nghẽn" của nền kinh tế. Do đó, ngày 18/10 vừa qua, Chính phủ trình Quốc hội dự án luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn, tập trung vào các vấn đề mà thực tế đòi hỏi, yêu cầu và sẽ có hiệu lực ngay sau khi được phê chuẩn.

Điển hình, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, dự thảo luật đã đề xuất sửa đổi, bổ sung để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công đối với một số quy định. Cụ thể như: việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, thẩm quyền quyết định mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công; xử lý vật tư, vật liệu thu hồi từ thanh lý phá dỡ, hủy bỏ tài sản công mà còn sử dụng được…

Bên cạnh đó, dự thảo luật còn cập nhật hình thức "chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý" đối với tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Dự thảo luật đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Trình bày báo cáo Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết: Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật. Qua đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kỳ vọng có thể thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính-ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực Nhà nước, ngoài Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 39 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công tại cơ quan nhà nước, theo ông Lê Quang Mạnh, hầu hết ý kiến nhất trí với dự thảo luật. Theo báo cáo của Cơ quan chủ trì soạn thảo, tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị rất đa dạng, phong phú về chủng loại, giá trị. Tần suất sử dụng tài sản ở mỗi cơ quan, đơn vị cũng như điều kiện thời tiết, môi trường ở mỗi vùng là khác nhau, ảnh hưởng tới khả năng duy trì công năng, thời gian sử dụng của tài sản.

Công nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp "ngoại"

Về Luật Chứng khoán, theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó, Chính phủ bổ sung hành vi cấm trong giao dịch chứng khoán, gồm: thao túng thị trường chứng khoán, không công bố thông tin dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng trước khi giao dịch của người nội bộ và liên quan.

Đáng chú ý, dự thảo trình Quốc hội đã bỏ đề xuất: Nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân không được mua trái phiếu riêng lẻ. Thay vào đó, quy định nhà đầu tư cá nhân được mua bán, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ, khi doanh nghiệp phát hành có xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm và bảo lãnh của ngân hàng. Dự thảo luật quy định siết chặt hơn khi yêu cầu cá nhân đầu tư chuyên nghiệp cần bảo đảm điều kiện về thời gian tham gia đầu tư, tần suất giao dịch. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp…

Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, ông Lê Quang Mạnh cho biết: Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ quy định nhà đầu tư được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí việc bổ sung nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Việc này nhằm tăng thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán, đồng thời thúc đẩy thị trường này thành kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát điều kiện với doanh nghiệp phát hành, phù hợp tình hình thị trường và bảo vệ nhà đầu tư cá nhân.

Về hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch chứng khoán, ông Mạnh cho hay: Các ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát, bổ sung quy định các hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán khi được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền. Việc này nhằm tránh trường hợp quy định tại luật các dấu hiệu về hành vi bị nghiêm cấm có tính chất tương đồng với các hoạt động nghiệp vụ thông thường của các công ty chứng khoán, các thành viên thị trường, nhà đầu tư khi tham gia thị trường.

Theo dự kiến Chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo luật này tại hội trường ngày 7/11 và xem xét thông qua ngay tại kỳ họp này.

Các chính sách lớn mà Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung tập trung giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn trong cơ chế chia sẻ, phân bổ, huy động nguồn lực ngân sách nhà nước, tài sản công; tập trung vào các chính sách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, đúng như tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Tổng Bí thư là phân cấp mạnh, để "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" - Thứ trưởng Tài chính NGUYỄN ĐỨC CHI.