Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV

Định danh và tôn vinh nhà giáo

Quốc hội khóa XV đã sắp xếp dành thời lượng phù hợp để các đại biểu cho ý kiến về Luật Nhà giáo, một dự án luật mới, quan trọng, góp phần định vị nhà giáo hiện đại. Dự thảo Luật đã được lấy ý kiến lần đầu tại tổ vào ngày 9/11, và sẽ thảo luận tại hội trường Diên Hồng đúng ngày 20/11 tới đây.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà giáo tích cực sẽ khơi dậy tinh thần học tập, rèn luyện của học sinh. Ảnh: Văn Học
Nhà giáo tích cực sẽ khơi dậy tinh thần học tập, rèn luyện của học sinh. Ảnh: Văn Học

Dự thảo Luật Nhà giáo gồm chín chương, 50 điều, quy định về những nội dung cơ bản, cụ thể hóa các chính sách, bao gồm: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo...

Đây là một dự án luật mới, xây dựng lần đầu, thời gian qua đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo - cơ quan soạn thảo đưa ra lấy ý kiến toàn dân và nhiều lần tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm tham vấn được tối đa ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhất là chính các thầy giáo, cô giáo - đối tượng trực tiếp chịu tác động và thụ hưởng luật.

Tại phiên thảo luận ở tổ (ngày 9/11) vừa qua, dự thảo luật đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo, định hướng công tác xây dựng luật với mong muốn Luật Nhà giáo ra đời sẽ được các thầy cô chào đón. “Phải làm sao tạo cho người thầy đón nhận Luật này thực sự phấn khởi, thực sự là tôn vinh, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho nhà giáo. Chứ không để Luật ban hành ra, các giáo viên lại thấy khó khăn hơn. Thầy tốt sẽ kéo được trò tốt theo. Người thầy là đầu tầu cho giáo dục”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Thảo luận các vấn đề cụ thể, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng gợi mở thêm một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn đời sống, như việc hoàn thiện chính sách phổ cập giáo dục, giải quyết bài toán nơi thừa nơi thiếu giáo viên, cho đến chế độ nhằm khuyến khích, đãi ngộ những người công tác trong ngành giáo dục.

Quan tâm đến các địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa, người đứng đầu Đảng ta cho rằng, khu vực này cần được coi là đặc biệt, bởi các thầy cô ở đây chẳng những dạy học mà còn phải dỗ dành, động viên học sinh đến trường. Do đó cần có chính sách vừa cụ thể, vừa bao quát khuyến khích cho nhà giáo làm việc trong môi trường đặc biệt này. Bởi ở vùng khó khăn về kinh tế-xã hội, cũng là vùng trũng về giáo dục-đào tạo, khó khăn về phát triển nguồn nhân lực.

Trình bày báo cáo thẩm tra luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: Việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Cơ quan thẩm tra nhất trí với quy định trong dự thảo luật về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo cũng như các chính sách ưu tiên, hỗ trợ, thu hút giáo viên.

Về chính sách đặc thù, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm: “Với việc ban hành Luật Nhà giáo, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt, được hưởng mọi quyền lợi và chính sách đối với viên chức trong hệ thống pháp luật, đồng thời có một số chính sách đặc thù để có cơ hội phát triển tốt hơn”.

Chung mối quan tâm, một số đại biểu Quốc hội cũng nêu ý kiến, tập trung vào chính sách tiền lương và cơ chế tuyển dụng. Theo đó, chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được đề xuất xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng, theo quy định của pháp luật. Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Dự thảo Luật Nhà giáo giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) cho rằng: Một trong những lợi ích quan trọng của việc giao quyền chủ động này là bảo đảm việc phân bổ biên chế cho các sinh viên sư phạm tốt nghiệp. Khi các sinh viên này được bảo đảm đầu ra, họ sẽ có động lực học tập tốt hơn, đồng thời ngành giáo dục cũng có thể kiểm soát được chất lượng giáo viên một cách hiệu quả. Điều này không chỉ giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên ở các địa phương, mà còn tạo cơ hội nghề nghiệp ổn định, lâu dài cho những người đã hoàn thành chương trình đào tạo sư phạm. Những sinh viên sư phạm này, khi có cơ hội được tuyển dụng chính thức vào biên chế, sẽ đóng góp trực tiếp vào công cuộc nâng cao chất lượng giáo dục.

Cùng với luật, có ý kiến chuyên gia cho rằng, những quy định liên quan việc tuyển dụng nhà giáo cần bảo đảm phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp theo từng cấp học, trình độ đào tạo, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.