Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Bước sang tuần làm việc thứ ba của kỳ họp thứ tám, tình hình kinh tế-xã hội và một số dự án luật được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi cả trong Phòng họp Diên Hồng và bên hành lang Quốc hội. Trong đó đáng chú ý, Luật Đầu tư công được đưa ra thảo luận sửa đổi tại hội trường sáng 6/11, chỉ sau chưa đầy 5 năm luật hiện hành có hiệu lực, gây nhiều băn khoăn.
Đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) góp ý cho dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), sáng 6/11. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) góp ý cho dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), sáng 6/11. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Những năm qua, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 là một bước tiến lớn, bảo đảm công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng xin - cho trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần và tạo điều kiện để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, Luật đã bộc lộ không ít hạn chế, vướng mắc, đòi hỏi phải sửa đổi cho phù hợp thực tiễn, nhất là làm rõ các nội dung về phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội đã trao đổi về bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm vừa công bố ngày 5/11 về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Trong bài viết, ở phần giải pháp, Tổng Bí thư đề nghị: “Tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp”.

Đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) đánh giá cao dự thảo Luật trình lần này đã hiện thực hóa được những chủ trương nêu tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII và quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm liên quan đến tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Cụ thể, dự thảo Luật gồm 7 Chương, 109 Điều với các nội dung chủ yếu ở 5 nhóm chính sách lớn.

Theo đó, về phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội trong Báo cáo tóm tắt Thẩm tra về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) cho rằng, việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý là thay đổi lớn. Bên cạnh đó, việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án là vấn đề quan trọng của địa phương, nên Luật Đầu tư công hiện hành giao Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương đầu tư dự án, Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực, hạn chế việc lạm quyền. Vì vậy, hầu hết ý kiến đề nghị đối với dự án nhóm A do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, phân cấp Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư dự án nhóm B, C. Bên cạnh đó, đối với cấp huyện, cần bổ sung giao Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, phân cấp Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm C.

Về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, phần lớn các ý kiến ủy viên cơ quan thẩm tra dự án Luật cho rằng, việc nghiên cứu, quy định rõ trình tự, thủ tục trong xây dựng, thực hiện kế hoạch ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, phù hợp tính chất, đặc thù của nguồn vốn này là cần thiết, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện giải ngân kế hoạch vốn. Tuy nhiên, về các nội dung sửa đổi cụ thể, cần rà soát để quy định phù hợp và bảo đảm tính thống nhất về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công tại Luật này và quản lý, sử dụng nợ công theo quy định tại Luật Quản lý nợ công năm 2017.

Một nội dung cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội là việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Phần lớn ý kiến thành viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án thành phần độc lập trong tổng thể dự án đối với tất cả các nhóm dự án. Tuy nhiên, đề nghị quy định chặt chẽ tại các điều, khoản để bảo đảm công tác đền bù, tái định cư gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí và tổng thời gian bố trí vốn thực hiện hai dự án thành phần độc lập để hoàn thành các chương trình, dự án không được vượt quá quy định về thời gian thực hiện dự án.

Liên quan quy định cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án, nhiều đại biểu đồng tình cho rằng quy định này tạo sự linh hoạt cho các bộ, cơ quan, địa phương trong việc sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác của bộ, cơ quan trung ương, địa phương cho công tác chuẩn bị đầu tư.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, các đại biểu cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng, giải trình một cách thuyết phục khi sửa đổi một số chính sách, đặc biệt là chính sách thay đổi phân cấp, phân quyền cần lưu ý đến tính khả thi, năng lực tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị được phân cấp, lấy ý kiến của các cơ quan, Hội đồng nhân dân địa phương, các quy định về phân công giám sát, kiểm soát quyền lực, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, bảo đảm chặt chẽ, nhất là chuyển thẩm quyền của Hội đồng nhân dân sang Ủy ban nhân dân, giữa cơ quan dân cử sang cơ quan quản lý hành chính và rà soát kỹ các điều khoản quy định chuyển tiếp. Đề nghị tập trung vào một số vấn đề cần thiết, cấp bách và khả thi, lược bớt một số nội dung cụ thể không thuộc thẩm quyền quy định của luật, giao Chính phủ hướng dẫn và lưu ý việc kịp thời ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để luật nhanh chóng đi vào thực tiễn.