Tầm nhìn mới trong kế hoạch thích ứng quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa cập nhật Kế hoạch quốc gia thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 19/11/2024). Trong đó, mục tiêu lớn nhất là giảm mức độ tổn thương và rủi ro trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công công trình kè đê biển Tây (Cà Mau) ở khu vực thường sạt lở, giúp giảm cấp sóng bảo vệ đất liền. Ảnh: Phương Bằng
Thi công công trình kè đê biển Tây (Cà Mau) ở khu vực thường sạt lở, giúp giảm cấp sóng bảo vệ đất liền. Ảnh: Phương Bằng

Kế hoạch mới đã cập nhật và xác định rõ hơn 162 nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên theo ba mục tiêu chính, gồm: nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, bảo đảm sinh kế bền vững; giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan, góp phần giảm tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực nhằm thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Thiên tai ngày càng khắc nghiệt

Theo Phó Cục trưởng Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Tiến, tính từ đầu năm đến nay, tại Việt Nam đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai. Sau những tháng đầu năm hạn hán tại khu vực phía nam do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino là bão mạnh, mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét trên diện rất rộng tại Bắc Bộ; mưa lũ lớn ở Trung Bộ. Trong tháng 9/2024, bão số 3 (Yagi) - cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, đã ảnh hưởng tới nước ta. Bão và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Theo thống kê, thiên tai trong năm 2024 đã làm 514 người chết, mất tích, 2.207 người bị thương. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 88.748 tỷ đồng.

Những thiệt hại lớn này cho thấy, tác động tiêu cực ngày càng gia tăng từ hiện tượng thời tiết cực đoan. Biến đổi khí hậu khiến các cơn bão mạnh hơn, trong bối cảnh diện tích rừng suy giảm, tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích ao hồ bị lấp dần hoặc xóa sổ… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra, việc ngập lụt diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, trên diện rộng tại nhiều địa phương, kể cả đô thị miền núi do quá trình đô thị hóa, xây dựng công trình, lấn chiếm làm giảm khả năng thoát lũ các tuyến sông, suối gây ngập úng kéo dài... Song với sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị các cấp; công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó thiên tai được thực hiện xuyên suốt, kịp thời, quyết liệt từ sớm, từ xa, thống nhất, thông suốt từ Trung ương tới cơ sở với phương châm chỉ đạo là “chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng ứng phó các tình huống xấu nhất” và “bốn tại chỗ”.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng chỉ rõ, những hạn chế trong phòng chống thiên tai năm qua ở nước ta là: Các kịch bản, phương án phòng, chống tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt... còn chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế; việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể, khiến người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn nên dẫn đến tư tưởng chủ quan; công tác lồng ghép phòng, chống thiên tai vào phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng công trình cũng chưa được thực hiện tốt nên còn nguy cơ xảy ra sự cố khi có thiên tai...

Trong khi đó, theo đánh giá của ông Thái Bá Ngọc, chuyên gia về địa chất môi trường, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tại các sông hoặc sườn dốc có độ dốc cao và các mái dốc chịu tác động bởi hoạt động của con người như phá rừng và cắt xẻ dốc có khuynh hướng phổ biến xảy ra tai biến địa chất. Điều này cũng lý giải nguyên nhân kích hoạt lũ quét, sạt lở tại Làng Nủ (Lào Cai) cũng như các tỉnh vùng núi.

Liên vùng, liên ngành chủ động tăng cường khả năng chống chịu

Theo Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam tiếp tục thực hiện phương án chi 1,5% GDP cho thích ứng biến đổi khí hậu thì bình quân mỗi năm cần huy động vốn ngoài ngân sách khoảng 2,75-6,42 tỷ USD, tương đương khoảng 27,5-64,16 tỷ USD cho giai đoạn 2021-2030. Cùng với việc huy động nguồn lực, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước, nguồn lực hỗ trợ về tài chính, công nghệ từ quốc tế là rất quan trọng để thực hiện các hoạt động thích ứng.

Cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, công nghệ, năng lực, kinh nghiệm và kinh phí cho thích ứng biến đổi khí hậu của Việt Nam chủ yếu huy động từ ngân sách nhà nước, do đó còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của cộng đồng. Theo Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, các nhiệm vụ ưu tiên xác định trong Kế hoạch quốc gia thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cập nhật đều mang tính liên ngành, liên vùng và yêu cầu nguồn lực kỹ thuật, tài chính rất lớn để triển khai hiệu quả. Việt Nam kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nhằm chuyển giao công nghệ tiên tiến, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Trong đó, ưu tiên triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường tính chống chịu tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng, lĩnh vực dễ bị tổn thương ở Việt Nam.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Kế hoạch tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật về thích ứng biến đổi khí hậu; thực hiện lồng ghép nội dung thích ứng biến đổi khí hậu vào chiến lược và quy hoạch. Theo yêu cầu của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ xây dựng và định kỳ cập nhật báo cáo về thích ứng biến đổi khí hậu.

Và để thực hiện mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả tại Việt Nam trong thời gian tới, GS, TS Huỳnh Thị Lan Hương, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất triển khai một số giải pháp như: Nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế-xã hội, bảo đảm sinh kế bền vững… trong việc trồng rừng giúp ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái. Phục hồi các nguồn tài nguyên rừng và hệ sinh thái, chú trọng phát triển ngành nông nghiệp và an ninh lương thực, đầu tư xây dựng hạ tầng phù hợp thích ứng biến đổi khí hậu. Thiết lập các hệ thống dự báo, cảnh báo sớm; xây dựng các công trình phòng chống thiên tai và di dời dân ở khu vực có rủi ro cao trước tác động của biến đổi khí hậu.

Theo quan điểm của ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy hoạch vùng là cơ sở cho các địa phương rà soát các quy hoạch, kế hoạch của địa phương để điều chỉnh phù hợp gắn với thúc đẩy liên kết vùng. Nội dung về liên kết vùng trong quy hoạch đều nhấn mạnh việc xử lý các vấn đề môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu. Việc lồng ghép các nội dung về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên vùng và bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hoàn thiện chính sách, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư ứng phó biến đổi khí hậu.

Còn theo PGS, TS Trần Lê Lựu - điều phối viên Chương trình thạc sĩ Công nghệ, Tái sử dụng và Quản lý nước (Trường đại học Việt Đức), cơ quan chức năng cần làm tốt quy hoạch nhà ở lưng chừng núi và thung lũng, cần trồng rừng phủ kín đồi núi trọc; lắp đặt các rọ đá, lưới sắt ở các lưng chừng núi để chống sạt trượt và rửa trôi đất. Trước mỗi mùa mưa bão, các cơ quan chuyên môn cần làm khảo sát, đánh giá khả năng lũ quét và có kế hoạch chuẩn bị diễn tập, sơ tán khi cần thiết.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, hiện tượng thời tiết dị thường xuất hiện không theo quy luật là mối đe dọa thường xuyên, trực tiếp đến việc vận hành an toàn các công trình thủy điện, cũng như chống lũ cho khu vực hạ lưu hồ chứa. Việc dự báo chính xác thời tiết, lượng mưa theo từng thời điểm trong cả năm sẽ giúp cho việc vận hành các công trình thủy điện an toàn, hiệu quả. Cần xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa tại 11 lưu vực sông có nhiệm vụ cắt, chống lũ mùa lũ và điều tiết, chống mùa hạn; xây dựng quy hoạch tổng thể về tài nguyên nước, qua đó, có thể đánh giá các chỉ số và khả năng phản ứng của nước tại các lưu vực sông, hồ,… Quy hoạch tài nguyên nước cần chú ý đến khả năng điều tiết, phân phối, khai thác và sử dụng nước, góp phần bảo vệ tài nguyên, phòng ngừa và chống lại các tác hại từ xã hội hóa, công nghiệp hóa gây ra. Các vấn đề cần giải quyết ở từng lưu vực sông và vùng kinh tế nên được xác định rõ cho từng khu vực.

Về giải pháp bền vững và dài hạn, các chuyên gia thống nhất, để có được nền kinh tế chủ động thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, cần phải thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu .

Việc lồng ghép các nội dung về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch vùng sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên vùng và bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hoàn thiện chính sách, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư ứng phó biến đổi khí hậu.