Xây cơ chế để huy động tốt mọi nguồn lực

Chung quanh vấn đề cần có những giải pháp gì để thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh, tác động khó lường, phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ảnh: Thành Đạt
Bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ảnh: Thành Đạt

- Thưa ông, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách trong thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai áp dụng ở nhiều bộ, ngành, từ cấp Trung ương đến địa phương. Vậy chúng ta đã đạt được kết quả như thế nào và còn hạn chế, yếu kém gì trong lĩnh vực này?

- Là một nước ở vị trí có tính dễ bị tổn thương cao trước các tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, đề ra và ban hành nhiều chủ trương, chính sách, điển hình như Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước... Trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định về thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW đã chỉ ra một số kết quả chính như sau:

Thứ nhất, năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu được nâng lên. Năng lực giám sát biến đổi khí hậu đã có tiến bộ; mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn được bổ sung và hiện đại hóa; năng lực và công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thiên tai khí tượng thủy văn đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á và dần tiếp cận trình độ các nước tiên tiến ở châu Á. Kịch bản biến đổi khí hậu đã được cập nhật qua các năm 2016, 2020.

Thứ hai, các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu được quan tâm, đẩy mạnh. Chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai; một số giống lúa thích nghi điều kiện úng ngập, chịu mặn, chịu phèn… đã được nghiên cứu, ứng dụng. Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 đã được phê duyệt và thực hiện. Chúng ta đã triển khai nhiều hoạt động tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai. Nhiều công nghệ mới thích ứng biến đổi khí hậu đã được nghiên cứu, ứng dụng trong xây dựng, giao thông, vật liệu xây dựng, thoát nước. Các dự án phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng được triển khai tích cực ở Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền trung.

Thứ ba, hạ tầng phòng chống thiên tai được quan tâm đầu tư, thiệt hại do thiên tai từng bước được hạn chế. Đến nay, hơn 1.500 hồ chứa lớn được sửa chữa; 134 hồ chứa, đập dâng lớn trên 11 lưu vực sông được theo dõi, giám sát; 100% số hồ chứa thủy điện lớn, quan trọng đã được kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu hằng ngày. Các chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam được thực hiện từ năm 2006, từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang từ năm 2009. Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020 được triển khai; diện tích rừng ngập mặn ven biển trên cả nước đã tăng từ 168.688 ha năm 2012 lên gần 178.777 ha năm 2022. Đến năm 2022, đã có 83/146 khu neo đậu tàu thuyền tránh bão được quan tâm đầu tư. Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc chủ động di dời, sắp xếp dân cư ở các vùng có nguy cơ thiên tai; đã xây dựng được hơn 900 cụm, tuyến dân cư và hơn 132.000 căn nhà cho nhân dân ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long; đã hỗ trợ khoảng 14.000/23.500 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền trung. Bên cạnh các kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế như: cơ sở vật chất và trang thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; công tác dự báo, cảnh báo đối với một số loại hình thiên tai xảy ra trong thời gian ngắn, phạm vi hẹp như mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất chưa đáp ứng yêu cầu.

Xây cơ chế để huy động tốt mọi nguồn lực ảnh 1
TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường.

Ngoài ra, năng lực thích ứng biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế. Công tác bảo vệ, phục hồi, trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển còn chậm. Việc củng cố, xây dựng mới các công trình cấp, thoát nước của các đô thị, nhất là vùng ven biển dù đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu chủ động ứng phó ngập lụt đô thị do mưa lớn, kết hợp triều cường. Xói lở bờ sông, bờ biển tiếp tục xảy ra nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, một số nơi ở các tỉnh ven biển miền trung. Sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long đang xảy ra nhanh với tốc độ cao gấp 3-4 lần, có nơi tới 10 lần so tốc độ nước biển dâng.

Cùng đó, hạ tầng ứng phó thiên tai ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Đến năm 2023, vẫn còn 17% số hồ đập chưa được nâng cấp, gần 50% khu tránh trú tàu thuyền chưa được đầu tư; 91 điểm sạt lở nguy hiểm chưa được xử lý. Công tác quy hoạch, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao chưa hoàn thành. Thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn còn lớn, ước tính trong giai đoạn 2013-2022 thiệt hại do thiên tai gây ra trung bình hằng năm khoảng 23.000 tỷ đồng (1 tỷ USD). Đặc biệt, cơn bão Yagi năm 2024 vừa qua để lại thiệt hại năng nề, ước tính khoảng 3,3 tỷ USD, riêng tỉnh Yên Bái có 54 người chết, 42 người bị thương, thiệt hại khoảng 5.738,2 tỷ đồng.

- Theo ông, đâu là nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này?

- Về khách quan, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, gây tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế-xã hội, tài nguyên môi trường, trong khi nước ta nằm ở vị trí địa lý có tính dễ bị tổn thương cao, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việc tăng cường khai thác tài nguyên nước, phát triển thủy điện ở các quốc gia thượng nguồn, đặc biệt là sông Mê Công, gây ảnh hưởng đến tài nguyên nước, phù sa gây sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn.

Về chủ quan, nguồn lực phục vụ công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn thiếu, dàn trải, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là cho hạ tầng phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, một bộ phận người dân, doanh nghiệp về công tác ứng phó biến đổi khí hậu chưa đầy đủ. Tổ chức bộ máy quản lý, năng lực thực thi, cơ chế điều phối, phối hợp liên vùng, liên ngành, chưa đáp ứng yêu cầu.

- Việt Nam cần có những giải pháp gì để thực hiện thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai trong thời gian tới, thưa ông?

- Biến đổi khí hậu là một trong ba khủng hoảng lớn về môi trường hiện nay trên toàn cầu, được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, tác động mạnh trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần triển khai thực hiện thành công Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030.

Thứ nhất, cần nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế-xã hội, bảo đảm sinh kế bền vững. Tập trung ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái tài nguyên; phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu; quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và các hệ sinh thái; phát triển hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe; bảo đảm an sinh xã hội và bình đẳng giới.

Thứ hai, cần phải nâng cao hơn nữa năng lực để phòng chống, giảm thiệt hại thiên tai. Cần tiếp tục tăng cường năng lực dự báo và cảnh báo sớm; đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình phòng chống thiên tai. Thực hiện di dời, tái định cư người dân ở các khu vực có rủi ro thiên tai cao. Xây dựng và thực hiện giải pháp tổng thể về phòng chống xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún vùng Đồng bằng sông Cửu Long; ứng phó sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du.

Về các giải pháp, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị-xã hội; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp. Cần thực hiện thành công cuộc cách mạng về sắp xếp lại, tinh giản tổ chức bộ máy, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáp nhập với Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thống nhất quản lý về khí tượng thủy văn và phòng chống thiên tai, tăng cường hơn nữa công tác thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực trong nước, quốc tế. Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; ứng dụng khoa học, công nghệ... Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế; đặc biệt là trong hợp tác về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Hồng, sông Mê Công.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thiệt hại do thiên tai trong giai đoạn 2008-2017 đã giảm 38% về người và 29% về vật chất so giai đoạn 1998-2007; giai đoạn 2018-2022 giảm 18% về người, 34% về vật chất so giai đoạn 2013-2017.