Tài sản tinh thần quê hương Đồng Khởi

NDO - Lý giải phong trào Đồng khởi ở miền nam trong thập niên 60 thế kỷ trước, người ta thường đưa ra nguyên lý: “Có áp bức thì có đấu tranh. Áp bức càng khốc liệt thì đấu tranh càng mạnh”. Cũng có ý kiến, trước sự tấn công của kẻ thù lúc bấy giờ, thì cách mạng “không còn con đường nào khác”. Nhưng trong kết luận của Đại tướng Hoàng Văn Thái tại Hội nghị tổng kết chiến tranh B2, sau giải phóng vài năm có đoạn, “Bến Tre xứng đáng được gọi là quê hương Đồng Khởi”. Vậy thì đồng khởi ở Bến Tre chắc chắn có khác.

Ngược dòng lịch sử của vùng đất cù lao này, thấy có không ít cái lạ. “Ông Gốc”, được người dân các xã vùng trên của huyện Bình Đại truyền miệng cho đến nay, nhưng không phải huyền thoại, mà là một người có thật, tên là Võ Hữu Vai, sinh năm 1815, một nông dân miền trung, thuộc phủ Quy Nhơn (Bình Định) - đến lập nghiệp ở vùng đất cạnh sông Vàm Cỏ Đông dưới thời Tự Đức, một con người nghĩa khí. Quân Pháp ở Giao Hòa rào đường, ông cãi lý: “Sông rạch của người Việt thì người Việt có quyền tự do đi lại” và tìm mọi cách để đi cho bằng được, thuyền đến Bến Tre bị gốc cây đâm thủng, buộc phải lên bờ dừng chân, thấy đất tốt nên khai hoang kiếm sống. Đến khi lập ấp thì hết lòng bảo vệ dân làng. Cảm kích chuyện xưa, người dân tôn trọng nhưng kiêng nể húy danh, nên gọi ông là Ông Gốc là vậy.

Đến Bến Tre còn vang tiếng “ông già Ba Tri” - một thành ngữ đã từ lâu đi vào đời sống dân gian, trong sử sách và đã vượt khỏi địa giới Bến Tre, trở thành một giai thoại sống động ngợi ca tinh thần cương trực, tôn trọng sự thật, dám đấu tranh cho lẽ phải. Câu chuyện gắn liền với việc đắp đập, ngăn sông liên quan đến phát triển kinh tế giữa hai làng trên cùng con rạch Ba Tri. Mâu thuẫn giữa hai làng ở nơi đây không giải quyết được, phải kiện lên quan huyện, quan tỉnh nhưng vẫn không làm họ hài lòng. Kết cục các bô lão bất chấp đèo cao, thú dữ và giặc cướp dọc đường mang đơn ra triều đình Huế để vua phân xử, và cuối cùng các cụ thắng cuộc.

Ba Tri còn có Phan Ngọc Tòng, vốn là ông giáo làng, vì có lòng căm thù giặc Pháp mà nghĩa quân tôn ông làm đốc binh để đứng ra lãnh đạo đuổi giặc. Vừa nhận chức có vài ngày thì giặc Pháp mở cuộc hành quân vào Ba Tri. Đêm đến chúng cụm lại, dừng quân trên một gò cát tên là Giồng Gạch, không có cây nên gọi là gò Trụi. Lợi dụng tình thế ấy ông chủ trương tấn công. Trong trận đánh giáp lá cà này, Phan Ngọc Tòng hy sinh cùng với một số nghĩa quân. Nguyễn Đình Chiểu cám cảnh người chỉ huy nghĩa quân đầu tiên của Bến Tre, đồng thời cũng là người bạn tâm giao, đã ngã xuống một cách oanh liệt vì nước, vì dân viết: “Tinh thần hai chữ phau sương tuyết/Khí phách ngàn thu rỡ núi sông”.

Trong lúc vận mệnh của Tổ quốc đang trải qua những tháng ngày đen tối, những vần thơ của Nguyễn Đình Chiểu như một lời hiệu triệu, một bản tuyên ngôn của nhân dân Nam Bộ chống chiến tranh phi nghĩa của thực dân phương Tây. Nó cũng gieo mầm và mở đường cho sự ra đời một dòng văn học yêu nước anh hùng sau này.

Những chữ Trung - Hiếu - Nghĩa - Tài cùng với ý chí không cam chịu số phận, không chịu khuất phục trước áp bức, cường quyền lại hội tụ trong đất và người Bến Tre mới lý giải được vì sao Lê Quang Quan đứng lên chống Pháp và bị giặc bắt chặt đầu ở vùng đất Ba Châu thuộc huyện Giồng Trôm, sau ba ngày mà mắt vẫn còn mở trừng trừng.

Không có truyền thống soi rọi, thì khó lòng hiểu nổi trên một vùng đất cù lao gió lặng, sóng êm, đi lại trở ngại, ít thông tin nhưng lại có đến năm người: Lê Văn Phát - Ba Tri, Trần Ngọc Giải, Lê Hoàng Chiếu, Nguyễn Trung Nguyệt - Bình Đại và Nguyễn Văn Ngọc - Thị xã Bến Tre tham gia các khóa học để chuẩn bị thành lập Đảng ở Quảng Châu do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện. Khi thấy rõ bản chất cao ngạo của kẻ thù, cùng với con đường độc đạo đi vào đầm lầy và rừng rậm, Đồng Văn Cống đã tung ra một lá thư: “Bộ đội ông Cống đóng ở Bàu Dơi. Thằng nào muốn chơi vào đây chơi. Đừng đốt nhà dân, đốt nhà dở ẹt”. Bị kích động, giặc dẫn quân vào và đành phải phơi xác 30 tên, bỏ lại 32 cây súng. Lại khó giải thích khi Nguyễn Thị Định - người con gái năm 1946 chỉ mới 26 tuổi đầu, nhận nhiệm vụ của Đảng giao, xuống tàu đánh cá, vượt Biển Đông, về Trung ương báo cáo tình hình và xin chi viện vũ khí để vào nam đánh giặc, để rồi sau đó trở thành một trong những lãnh tụ lãnh đạo Đồng khởi năm 1960 long trời lở đất và là một nữ tướng của cả nước. Vì sao Trần Hữu Nghiệp quê ở Ba Tri, tốt nghiệp Bác sĩ ở Pari lại từ bỏ tương lai sáng lạn trước mắt mà xin vào chiến khu tham gia kháng chiến. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát quê ở Bình Đại, từ bỏ cuộc sống giàu sang để về với quê hương, với cách mạng. Điều đáng nói về ông là tấm lòng, nhân cách, đức độ, tác phong sống của một trí thức chân chính. Người đời kính trọng ông, một trí thức lớn sẵn sàng vứt bỏ mọi vinh hoa, phú quý để lao vào cuộc chiến đấu khó khăn gian khổ vì độc lập, tự do,... Nhà báo Thép Mới nhận xét về ông trong bài viết đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 14-10-1989: “Phong thái anh không lẫn với ai khác được. Anh dấn thân trường kỳ, dấn thân đến cùng, sống cách mạng một cách chân thật, tự nhiên, trong trẻo”.

Đồng khởi ở Bến Tre thành công là nhờ có đường lối đúng, có Đảng lãnh đạo và một truyền thống, một tinh thần được hun đúc từ ngàn xưa của dân tộc, từ khí phách của những con người đến đây mở cõi, lập làng, lập ấp. Ngày nay tinh thần Đồng khởi vẫn được phát huy cao độ, cùng với không khí sôi động để xây dựng quê hương. Bến Tre có hẳn một nghị quyết về phát huy tinh thần đồng khởi trong thời kỳ mới - đồng khởi để phát triển kinh tế vườn, kinh tế biển, kinh tế công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng.

Từ chỗ gần như con số không, nay có hơn 98% hộ dân trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia; có cả bệnh viện vùng, bệnh viện chuyên khoa, trạm y tế; gần 50 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia, trường tiểu học và mẫu giáo ấp nào cũng có. Từ ốc đảo của cả nước, đường đi trắc trở trong cả ba cù lao, nay ấp liền ấp, xóm liền xóm, cầu Hàm Luông và cầu An Hóa đã nối liền ba cù lao, cầu Rạch Miễu và rồi đây cầu Cổ Chiên hoàn thành, thì Bến Tre nối liền cả vùng,...

Tinh thần Đồng khởi ăn vào máu thịt con người Bến Tre, để trở thành niềm trăn trở, là động lực để tìm tòi, đổi mới, xóa đi những tàn tích của đói nghèo, lạc hậu, bất công, cho một ngày mai tốt hơn.