Xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh"

Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.
0:00 / 0:00
0:00
Một trang trại lợn ở Cư Jút (Đắk Nông) theo mô hình tuần hoàn giảm phát thải khí nhà kính.
Một trang trại lợn ở Cư Jút (Đắk Nông) theo mô hình tuần hoàn giảm phát thải khí nhà kính.

Khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc đến từ ngành nông nghiệp. Trong đó, phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn chiếm tỷ lệ lớn.

Những hệ lụy đối với môi trường

Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bao gồm hai nguồn chính: Khí methane từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, chỉ tính tổng lượng chất thải chăn nuôi năm 2022 đã lên đến 81,8 triệu tấn/năm, trong đó chăn nuôi heo chiếm 44,9%, bò thịt chiếm 26,7%, trâu chiếm 15,3%, gia cầm 8,1%, bò sữa 4,9% trong tổng lượng chất thải chăn nuôi. Ngoài ra, chất thải lỏng phát sinh từ hoạt động chăn nuôi năm 2022 ước đạt 379 triệu mét khối. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chăn nuôi công nghiệp là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường cũng như đã và đang chiếm đáng kể trong tổng phát thải khí nhà kính Việt Nam. Kết quả kiểm kê cho thấy, phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bò và chăn nuôi lợn luôn giữ phần lớn nhất trong tổng phát thải khí nhà kính của ngành. Phát thải khí methane từ phân động vật gây ra trong điều kiện yếm khí trong các hầm khí sinh học (biogas) hoặc ở những nơi chứa phân động vật số lượng lớn nhưng điều kiện thông khí kém. Do vậy, phát thải khí methane lớn nhất thường xảy ra đối với các động vật chăn nuôi tập trung và sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại như chăn nuôi lợn thịt.

Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nên chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật. Một kết quả kiểm tra mức độ nhiễm khuẩn trong chuồng nuôi gia súc cho thấy, tổng số vi khuẩn trong không khí ở chuồng nuôi cao gấp 30-40 lần so không khí bên ngoài.

Đơn cử như tại Đồng Nai, nơi được xem là "thủ phủ" chăn nuôi của cả nước với hơn 2,5 triệu con lợn và hơn 26 triệu con gia cầm, có gần 1.500 cơ sở chăn nuôi tập trung và hơn 22.200 cơ sở chăn nuôi nông hộ, chủ yếu là lợn và gà. Phần lớn các cơ sở này là các nông hộ hoặc trang trại quy mô vừa và nhỏ. Những năm qua, ngành chăn nuôi nơi đây phát triển khá mạnh về cả số lượng lẫn quy mô. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, thiếu quy hoạch, nhất là các vùng dân cư đông đúc đã gây ra ô nhiễm môi trường không nhỏ. Vì vậy người chăn nuôi tại Đồng Nai đang đồng loạt đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình xử lý chất thải đạt chuẩn để chăn nuôi thân thiện với môi trường.

Doanh nghiệp chủ động đáp ứng yêu cầu từ Net Zero

Sau cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đối với ngành chăn nuôi, Việt Nam đã có văn bản quy phạm pháp luật rất đầy đủ bao gồm Luật Chăn nuôi, các nghị định, thông tư. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt "Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045"; bốn đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030…

Theo TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội đã đề xuất với Chính phủ ba nội dung để phát triển chăn nuôi bền vững. Thứ nhất, trong Luật Đất đai phải có đất chuyên dùng cho chăn nuôi nhằm tránh tình trạng trại chăn nuôi nằm trong khu dân cư sau 5 năm đến 10 năm đầu tư. Thứ hai, phải quản lý được sản phẩm chăn nuôi, xây dựng hàng rào chặt chẽ kiểm soát nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, nhất là tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm sống. Vì không kiểm soát được, nguy cơ về dịch bệnh là điều cực kỳ nguy hiểm cho ngành chăn nuôi. Thứ ba, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, đặc biệt là về thuế, tài chính để khuyến khích thay đổi sản xuất theo chuỗi và theo hướng tuần hoàn để chăn nuôi phát triển bền vững.

Có một thực trạng là ngành chăn nuôi đang sử dụng đạm thô quá nhiều. Như bà Trần Đào Hồng Ngọc, Giám đốc kinh doanh Công ty Vietnam Food nhận định, thức ăn và chất thải chăn nuôi là hai nhân tố quan trọng trong tổng phát thải khí nhà kính. Do đó khi kiểm soát tốt hai nhân tố này sẽ giảm đáng kể phát thải carbon ra môi trường. Theo bà Ngọc, ngành chăn nuôi đang chạy theo đạm thô quá nhiều, phải đạt ngưỡng theo quy định của Nhà nước, do đó nếu sử dụng đạm thô không hiệu quả, vật nuôi không tiêu hóa được sẽ phát thải ra môi trường.

Cũng quan tâm đến bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Lâm Thành Sơn, đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, vì giải pháp dinh dưỡng thô gây phát thải cao nên doanh nghiệp đã áp dụng dinh dưỡng tinh nhiều năm nay. Doanh nghiệp cũng áp dụng máy móc, thiết bị theo hướng tiết kiệm năng lượng, hầu như không còn sử dụng than đá trong quá trình sản xuất. Trang trại chăn nuôi của C.P. cũng đã ứng dụng biogas xử lý chất thải.

Còn theo ông Nguyễn Đình Hải, đại diện Công ty TNHH Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi CJ Việt Nam (chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh), việc giới hạn lượng đạm trong khẩu phần ăn góp phần giảm carbon phát thải ra môi trường. Vì thế, trước đây Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc đưa ra quy định giới hạn lượng đạm tối thiểu trong thức ăn chăn nuôi. Song sau khi ký hiệp ước để đưa phát thải khí carbon về 0, Hàn Quốc đã thay đổi luật từ quy định mức tối thiểu lên giới hạn ngưỡng đạm tối đa. "Có thể áp dụng khẩu phần ăn đạm thấp nhưng vẫn bảo đảm được năng suất của vật nuôi, vừa giảm phát thải. Đây là một trong những giải pháp chúng ta có thể hành động để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050", ông Hải khẳng định.

Cùng đó, để chủ động trong việc chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững cũng như đồng hành cùng Chính phủ đưa mức phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050, còn đòi hỏi các tập đoàn, doanh nghiệp ngành chăn nuôi có những thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề giảm phát thải trong sản xuất.

Việc kiểm kê phát thải carbon trong chăn nuôi sắp được thực hiện. Muốn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu giảm phát thải carbon, ngành chăn nuôi Việt Nam phải chú trọng chuyển đổi để tạo ra sản phẩm chăn nuôi phát thải thấp.