Đằng sau những khó khăn của doanh nghiệp

Bên cạnh nhiều khó khăn từ thị trường, những khó khăn từ thủ tục hành chính, từ môi trường kinh doanh đang ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch đầu tư mở rộng của nhiều doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn: PCI 2023
Nguồn: PCI 2023

Mức độ lạc quan xuống thấp

Theo thông tin vừa được nhóm nghiên cứu của Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) công bố, mức độ lạc quan của doanh nghiệp đang rất thấp, thậm chí thấp hơn cả mức đáy trước đây là năm 2012-2013, khi nền kinh tế Việt Nam chịu tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nghiên cứu này dựa trên khảo sát kế hoạch kinh doanh hai năm tới của hơn 9.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin, chỉ 27% số doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh trong hai năm tiếp theo, giảm đáng kể nếu so con số 35% của năm 2022. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 18 năm PCI thực hiện khảo sát về vấn đề này.

Tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp trong khảo sát năm 2023 lên tới 16,2%. Con số này cao hơn đáng kể so mức 10,7% được ghi nhận trong khảo sát năm 2022 và gần bằng mức cao kỷ lục 16,6% của khảo sát năm 2021 khi Việt Nam còn trong dịch Covid-19.

Cũng phải nói thêm, khảo sát của VCCI được thực hiện vào cuối năm 2023, song với các số liệu về đăng ký kinh doanh trong các tháng đầu năm 2024, mức độ lạc quan thấp không chỉ còn là nhận định. Ngay trong bốn tháng đầu năm 2024, cả nước có 81.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động; nhưng có tới 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường…

"Nguyên nhân chính khiến niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp giảm mạnh là khó khăn trong tiếp cận tín dụng (hơn 57% số doanh nghiệp gặp phải tình trạng này); tiếp sau là tìm kiếm khách hàng (49%) và biến động thị trường (34,5%), biến động chính sách (14,5%)… Đây cũng là thông tin chúng tôi gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước để có sự theo dõi tình hình kịp thời và thực hiện hiệu quả hơn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển", ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Đằng sau những khó khăn của doanh nghiệp ảnh 1

Nguồn: PCI 2023

Quyền được bình đẳng trong ứng xử với doanh nghiệp

Nếu nhìn sâu hơn, các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn lại có mức độ lạc quan tương đối cao. Cụ thể, 38,2% số doanh nghiệp quy mô từ 50-200 tỷ đồng dự kiến mở rộng sản xuất, kinh doanh trong hai năm tới; 39,5% số doanh nghiệp có quy mô từ 200 tỷ đồng trở lên có dự định tương tự.

Xét theo lĩnh vực, doanh nghiệp trong một số ngành tỏ ra khá lạc quan. Theo khảo sát của PCI, ba ngành có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất, kinh doanh cao nhất là sản xuất thiết bị điện (50%), sản xuất hóa chất (42,2%) và sản xuất cao su, nhựa (35,7%).

Cụ thể hơn, khảo sát PCI đang cho thấy các địa phương ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất, kinh doanh tập trung ở các tỉnh phía bắc, gồm Bắc Giang (48,5%), Hòa Bình (43,4%), Bắc Ninh (41,4%), Vĩnh Phúc (41%) và Phú Thọ (39,9%). Trong số các địa phương này, Bắc Giang tiếp tục được các doanh nghiệp xếp hạng trong top 5 địa phương đầu Bảng xếp hạng PCI, Phú Thọ lần đầu có mặt trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước.

Rõ ràng, những cải thiện về thứ hạng PCI đang là trợ lực cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

"Khảo sát của PCI năm 2023 ghi nhận chi phí không chính thức có chiều hướng giảm, thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn, cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, các doanh nghiệp đánh giá mức giảm ấn tượng nhất về thủ tục là lĩnh vực thuế và phí", ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, lý do kéo lùi các kế hoạch kinh doanh cũng bắt nguồn từ thủ tục hành chính và cách ứng xử của chính quyền địa phương. Có tới 73% số doanh nghiệp cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Hai năm trước, con số này chỉ là 42,9-53,9%.

Đặc biệt, trong lần khảo sát này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy rõ hơn mong muốn được "bình đẳng". Có tới 56-60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa cảm nhận thấy chính quyền địa phương ưu ái doanh nghiệp lớn hơn trong nhiều việc, từ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp đến hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai. Thậm chí, có tới 32,9% số doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng tiếp cận thông tin là đặc quyền cho các doanh nghiệp lớn…

Áp lực đặt lên vai chính quyền

Thêm một lần nữa, khảo sát PCI cho thấy, sự năng động, tiên phong của chính quyền các tỉnh, thành phố sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh cũng như tìm lại niềm tin kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Lãnh đạo nhiều địa phương có mặt trong top 30 của PCI cùng chia sẻ quan điểm này. Trong bài phát biểu ở vị trí đứng đầu Bảng xếp hạng PCI 2023, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã nhắc đến phương châm cùng chung tay, cùng thắng (win-win), cùng phát triển đã làm nên thành công của Quảng Ninh trong đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp. "Phương châm này làm cho tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp trở thành lẽ tự nhiên, bổn phận, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức; tạo nên những không gian mở, thân thiện, tăng độ tương tác giữa chính quyền và người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp", ông Huy cho biết.

Tuy vậy, không phải chính quyền địa phương nào cũng thực hiện được mong muốn này. Khảo sát PCI 2023 cho thấy, điểm trung bình của chỉ số thành phần Tính năng động tiên phong của bộ máy chính quyền địa phương năm 2023 có dấu hiệu giảm sút so với các năm trước. 82,1% số doanh nghiệp cho biết Ủy ban nhân dân tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân (con số này giảm nếu so con số 86% của năm 2022); 77,1% số doanh nghiệp cho biết Ủy ban nhân dân tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh (năm 2022, con số này là 79,7%).

Đáng lưu ý, 51,5% số doanh nghiệp đồng ý với nhận định "các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố" (tăng nếu so con số 50,4% của năm 2022). Chỉ 40,8% số doanh nghiệp quan sát thấy "chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định và nhất quán" vào năm 2023, giảm đáng kể nếu so con số 50% năm 2022 và 53,4% năm 2021…