Khai mạc sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024

Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số

Luôn nhất quán với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số, hoạt động chuyển số ngành Ngân hàng đã ghi nhận những thành tựu rõ nét. Minh chứng là nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn như: tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền...; nhiều ngân hàng tại Việt Nam có tỷ lệ hơn 90% số giao dịch thực hiện trên kênh số.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự sự kiện tham quan các gian trưng bày, giới thiệu dịch vụ số ngân hàng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự sự kiện tham quan các gian trưng bày, giới thiệu dịch vụ số ngân hàng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Ngày 8/5, tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội), Thời báo Ngân hàng, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024.

Tham dự sự kiện có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, các đồng chí trong Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành. Sự kiện có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số vụ, cục thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), các công ty trung gian thanh toán, tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài…

Xác định chuyển đổi số là đột phá quan trọng

Đảng ta đã xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương mới, đột phá quan trọng, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thực hiện chủ trương đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020, phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Phát biểu khai mạc sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương lớn, là hướng đi tất yếu để bảo đảm thích ứng bối cảnh mới, ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số.

Việc ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN có thể xem là cột mốc quan trọng giúp xác định rõ định hướng, kế hoạch triển khai của ngành ngân hàng trong xu thế chuyển đổi số. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã chủ động, nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các mặt, bao gồm chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và bảo đảm an ninh, an toàn.

Hoạt động chuyển số ngành Ngân hàng đã ghi nhận những thành tựu rõ nét. Về khuôn khổ pháp lý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nghiên cứu, ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng. Từ năm 2020-2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xếp thứ hạng cao trong các bộ, ngành về chỉ số kiến tạo thể chế chuyển đổi số.

Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khuyến khích các tổ chức tín dụng triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa. Các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng; đồng thời, đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong các lĩnh vực. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền...), nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ hơn 90% số giao dịch thực hiện trên kênh số.

Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt

Tiếp nối thành công năm 2023, sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 nhằm lan tỏa những kết quả tích cực của ngành Ngân hàng trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, cũng như đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chủ đề năm nay là “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” - có sự tiếp nối với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” của Ngày Chuyển đổi số ngân hàng năm 2023.

Chủ đề này khẳng định quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) cũng như Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đồng thời góp phần hiện thực hóa các mục tiêu tại Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), hướng đến nền kinh tế số, xã hội số.

Chia sẻ tại sự kiện, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an cho biết, các tổ chức tín dụng đang tích cực phối hợp các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip để tổ chức triển khai giải pháp xác thực khách hàng. Trong đó, có nhiều tổ chức tín dụng đã ký kết hợp đồng, đang triển khai thực tế: 48 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua ứng dụng điện thoại; 60 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua thiết bị tại quầy. Về làm sạch dữ liệu: 24 tổ chức tín dụng đã ký kết với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng theo phương thức offline; 19 tổ chức tín dụng đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng; 7 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai giải pháp chấm điểm khả tín.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số trong ba tháng đầu năm 2024 so cùng kỳ năm 2023 tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh internet tăng tương ứng 48,81% và 25,73%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 58,70% và 33,12%.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền, chuyển đổi số, trong đó có Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng; hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản, thông tư hướng dẫn Luật Các Tổ chức tín dụng, Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền.

Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, tổ chức triển khai ngày chuyển đổi số ngân hàng năm 2024 và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN (giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; trong đó tập trung triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép các tổ chức tín dụng có thể xác minh thông tin nhận biết khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ khách hàng trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội.

Thứ năm, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; phối hợp xử lý tội phạm công nghệ cao, triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng...

Đánh giá cao và biểu dương nỗ lực, quyết tâm cũng như những kết quả về chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là nỗ lực lớn, quyết tâm cao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc hiện thực hóa chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số ngân hàng, chuyển đổi số quốc gia. Thực tiễn đời sống cho thấy, chuyển đổi số không còn là một vấn đề xa lạ, mà chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, nhận thức của chúng ta, của đông đảo người dân đã thay đổi. Chính vì vậy, với vai trò tiên phong, dẫn dắt, Chính phủ kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt và gia tăng các tiện ích để phục vụ người dân tốt hơn.