Bảo đảm mục tiêu cung cấp điện mùa cao điểm

Mới chỉ là đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè năm 2024, trong những ngày cuối tháng 4/2024, cả công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ điện ngày trên quy mô toàn quốc tăng cao với những con số đạt kỷ lục mới của hệ thống điện quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ, không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống điện chịu sức ép lớn trước nhu cầu điện tăng trưởng vượt kế hoạch. Nguồn: Điện lực miền bắc
Hệ thống điện chịu sức ép lớn trước nhu cầu điện tăng trưởng vượt kế hoạch. Nguồn: Điện lực miền bắc

Theo đó, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, các chủ thể có liên quan được Thủ tướng yêu cầu, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất; xây dựng nhiệm vụ, giải pháp kịp thời, linh hoạt, hợp lý, hiệu quả đáp ứng mục tiêu đề ra.

Nắng nóng kéo dài và nỗi lo thiếu điện

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong những ngày cuối tháng 4/2024, thời tiết nắng nóng gay gắt diễn ra ở cả ba miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục. Cụ thể, vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 27/4/2024: công suất cực đại toàn quốc đã lên tới 47.670 MW. Sản lượng tiêu thụ toàn quốc ngày 26/4/2024 đã lên tới 993 triệu kWh.

Riêng đối với khu vực miền bắc, do đây mới chỉ là đợt nóng gay gắt đầu tiên nên mức tiêu thụ điện mặc dù tăng cao so trước đó nhưng vẫn chưa tới mức đỉnh đã từng được ghi nhận trong quá khứ. Song, tiêu thụ điện ở khu vực này khả năng cao còn tăng lên trong những đợt nóng sắp tới của mùa hè năm nay.

Là người từng trải qua sự khó khăn và chịu thiệt hại không nhỏ do cắt điện luân phiên suốt mùa hè năm 2023, ông Kim Ngọc Quang - Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Hoàng cho biết, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh phụ thuộc nhiều sự ổn định của nguồn điện, tôi thật sự quan ngại trước những thông tin về thời tiết năm nay. Dù đã có những phương án dự phòng, song nếu tái diễn việc cắt điện luân phiên, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Mai sống ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) thì chưa thể quên cảnh hằng ngày dù chẳng mua bán gì, nhưng để tránh nóng bà vẫn bế cháu đi quanh siêu thị ở gần nhà - nơi duy nhất có điện và điều hòa trong đợt cao điểm hè năm 2023.

Theo bà Mai, trong giai đoạn nắng nóng từ tháng 3 đến tháng 7/2024, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao, dẫn đến tiền điện tăng cao so trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt trong gia đình. Dẫu vậy, thà chấp nhận chi phí bị đội lên còn hơn chịu cảnh mất điện giữa cái nắng oi ả!

Tại các địa phương thuộc khu vực miền nam, dù mới bắt đầu bước vào cao điểm mùa khô nhưng tình hình cung cấp điện đã rất căng thẳng. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, có khả năng xảy ra khô hạn kéo dài trong các tháng mùa khô của năm 2024, đặc biệt là tại các tỉnh khu vực Nam Bộ. Cao điểm mùa khô thường diễn ra từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5/2024, nhưng nắng nóng lại xuất hiện khá sớm từ cuối tháng 1/2024, có khả năng kết thúc muộn với thời kỳ nắng nóng kéo dài hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt, ngay trong tháng 4/2024, sản lượng điện tiêu thụ của Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp tăng cao và đã vượt đỉnh năm 2023 (94,8 triệu kWh ngày 6/5/2023).

Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo dự báo, sản lượng điện nhận bình quân ngày của tháng 4, 5, 6/2024 sẽ tiếp tục tăng cao, đạt từ 84,30 đến 87,60 triệu kWh/ngày và đỉnh điểm trong tháng 4 và tháng 5. Dự báo sẽ có một số ngày điện nhận vượt hơn 95 triệu kWh/ngày, là mức cao nhất chưa từng có trong lịch sử điện nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sẵn sàng các phương án cung cấp điện an toàn

Năm nay dự báo thời tiết nắng nóng sẽ đến sớm, nhiệt độ toàn quốc duy trì mức cao, đặc biệt ở khu vực phía nam, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng cao. Dự báo việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 4, 5, 6, 7) sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với hệ thống điện miền bắc. Chính vì vậy, việc bảo đảm cung ứng điện được nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn và trở nên cấp bách.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội Nguyễn Anh Dũng, để bảo đảm cấp điện an toàn, liên tục trong năm 2024, trong đó có các tháng cao điểm mùa nắng nóng sắp tới, ngay từ tháng 9/2023, Tổng công ty đã xây dựng kế hoạch với nhiều phương án, kịch bản cấp điện mùa hè năm 2024, đưa ra các dự báo phụ tải sát thực tế để xây dựng kịch bản, giải pháp cấp điện phù hợp tại đơn vị với mục đích cao nhất là bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục cho khách hàng.

Đối với khu vực phía nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Trung Kiên cho biết, để bảo đảm sẵn sàng và đồng bộ trong khâu quản lý, vận hành lưới truyền tải, phân phối điện để cung ứng đủ điện cho phục hồi và phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và đời sống nhân dân, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các phương án bảo đảm cung cấp điện mùa khô năm 2024 và cả năm 2024.

Thực tế, ngay từ cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan chuẩn bị phương án cung cấp điện cho năm 2024 kể cả phương án phụ tải tăng cao.

Theo ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), với việc nền kinh tế từng bước được phục hồi, đồng thời dự báo nền nhiệt độ tăng cao, nên nhu cầu điện tăng trưởng cao hơn so kế hoạch đầu năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cập nhật tính toán Kế hoạch cung ứng điện và vận hành hệ thống điện năm 2024 và Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) của năm 2024 và đã được Bộ Công thương phê duyệt điều chỉnh. Mục tiêu tiên quyết mà ngành điện lực đặt ra là bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân ■