Cải cách cần được thường xuyên, thực chất

Chính phủ đã chính thức khôi phục Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Điều này được trông đợi tiếp tục tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Với ngành lương thực, thực phẩm, doanh nghiệp trong nước đang trông chờ hệ thống chính sách hỗ trợ giảm bớt áp lực trước xu hướng chuyển nhượng, hợp tác với các đối tác nước ngoài. Ảnh: NGUYỄN KIỂM
Với ngành lương thực, thực phẩm, doanh nghiệp trong nước đang trông chờ hệ thống chính sách hỗ trợ giảm bớt áp lực trước xu hướng chuyển nhượng, hợp tác với các đối tác nước ngoài. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

Doanh nghiệp gặp thêm khó khăn, rủi ro

Dù được gửi gắm nhiều kỳ vọng, song trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp phản ánh, dường như việc cải cách thể chế và môi trường kinh doanh theo tinh thần của Nghị quyết số 02/NQ-CP đang có xu hướng… chậm lại. Thậm chí, có lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết khiến doanh nghiệp gặp thêm khó khăn; niềm tin và động lực kinh doanh suy giảm.

Trong bối cảnh đó, theo TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sự trở lại của Nghị quyết số 02/NQ-CP mang theo thông điệp cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp.

Bày tỏ kỳ vọng, Nghị quyết số 02/NQ-CP sẽ tháo gỡ một cách căn cơ, dứt điểm các rào cản, tồn tại về thể chế đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp trong năm 2024, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cộng đồng doanh nghiệp mong chờ và đặt nhiều hy vọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, theo bà Lý Kim Chi, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp phản ánh, dường như việc cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại. Thậm chí, có lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết, khiến doanh nghiệp gặp thêm khó khăn, đối mặt rủi ro, niềm tin và động lực kinh doanh suy giảm. Minh chứng rõ nét là chỉ trong hai tháng đầu năm 2024, cả nước đã có đến 62.980 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi con số gia nhập và tái gia nhập chỉ là gần… 41.090 doanh nghiệp.

Với quan điểm, việc tổ chức thực thi hiệu quả nghị quyết là điều doanh nghiệp đang mong đợi, trông chờ, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM thẳng thắn chỉ rõ, theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, đến trước thời điểm ngày 20/1/2024, các bộ, ngành, địa phương phải ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Tuy nhiên, đến hết ngày 28/2 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới nhận được kế hoạch hành động của 16/26 bộ, cơ quan và 48/63 địa phương.

Để Nghị quyết số 02/NQ-CP thật sự khơi dậy động lực, tinh thần cải cách rất cần đến sự chủ động và tham gia trực tiếp của người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan. Bởi đây là yếu tố quan trọng quyết định thành công.

Tháo gỡ vướng mắc ngay, chứ không chỉ… lắng nghe

Từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhận xét, môi trường kinh doanh đã có những mặt thuận lợi hơn như tài liệu được đơn giản hóa, thời gian giải quyết thủ tục rút ngắn, phương thức thực hiện qua điện tử phổ biến hơn, nhiều quy định vướng mắc liên quan điều kiện kinh doanh được kịp thời sửa đổi. Trong thực hiện thủ tục hành chính, đã có tinh thần phân cấp mạnh mẽ.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ, kỳ vọng của doanh nghiệp vào Nghị quyết là chất lượng thực thi, hiệu quả, thực chất. Trong khi đó, một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa còn mang tính hình thức, đề xuất cắt giảm thiếu đột phá. Một số tính toán về chi phí được cắt giảm còn chưa chính xác.

Theo bà Lý Kim Chi, thực tế có nhiều vướng mắc doanh nghiệp phản ánh nhưng chưa được cấp có thẩm quyền xem xét. Bên cạnh rà soát cắt giảm văn bản hiện hành, có hiện tượng văn bản đang soạn thảo lại thêm các rào cản mới. Doanh nghiệp chưa thuận lợi trong cách thức tiếp cận, tham gia vào hoạt động rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh. Đơn cử, với ngành lương thực, thực phẩm nên có hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ, nhất quán để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, giảm bớt áp lực trước xu hướng chuyển nhượng, hợp tác với các đối tác nước ngoài đang ngày càng gia tăng. Đã đến lúc cần thay đổi cách thức thực hiện cải cách, bổ sung cơ chế giám sát, xử lý người thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia để tạo ra kết quả đột phá.

Để thực thi Nghị quyết số 02/NQ-CP có chất lượng, hiệu quả cao hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương hiện chưa ban hành chương trình, kế hoạch hành động, sẽ cần khẩn trương ban hành và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, kế hoạch hành động cần xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ và lộ trình. Đồng thời, phân công trách nhiệm rõ ràng đối với cá nhân, đơn vị.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan thúc đẩy các nỗ lực cải cách thể chế. Từ đó, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn giúp chuyển biến nhanh trong phục hồi và phát triển kinh tế. Trong phạm vi thẩm quyền, các bộ, ngành, địa phương cần giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp chứ không chỉ dừng lại ở… lắng nghe, theo đó cũng cần đối thoại với người dân, doanh nghiệp thực chất hơn, thường xuyên hơn.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2024 diễn ra vào ngày 19/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định:

"Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, tôn trọng, chia sẻ với các doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển. Việt Nam luôn bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và bảo đảm cho doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển ổn định, phát triển theo hướng xanh và xu thế của thời đại".