PHÓNG SỰ - KÝ SỰ

Sự thật lẩn khuất giữa rừng Yok Đôn

NDO - Cuộc chiến giữa các lực lượng bảo vệ rừng với lâm tặc chưa bao giờ khốc liệt như bây giờ. Là Vườn Quốc gia (VQG) lớn nhất Việt Nam với nhiều loài động thực vật hiếm quý, Yok Đôn không có lấy một ngày yên tĩnh...
Cơ quan điều tra giám định xác đôi voi rừng bị bắn tháng 8-2012.
Cơ quan điều tra giám định xác đôi voi rừng bị bắn tháng 8-2012.

ĐẢO XANH GIỮA BIỂN RỪNG KHỘP

Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, từ năm 1979, xác định rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn hệ sinh thái lẫn ý nghĩa an ninh quốc phòng của vùng rừng rộng lớn trên cao nguyên phía tây nam Trung Bộ, Bộ Lâm nghiệp (trước đây) đã họp bàn quyết định thành lập khu rừng cấm Yok Đôn, thuộc Liên hiệp Lâm công nông nghiệp Ea Soup. Năm 1992, VQG Yok Đôn được thành lập với diện tích 58.200 ha, nằm gọn trên địa bàn hành chính xã Krông Na, huyện Ea Soup, tỉnh Đác Lắc.

Sau mười năm xây dựng và phát triển, Thủ tướng Chính phủ cho sáp nhập hai lâm trường Buôn Đôn và Buôn Đrăng Phôk vào VQG Yok Đôn, nâng tổng diện tích Vườn lên tới 115.545 ha, mở rộng diện tích vùng đệm tương ứng lên 133.890 ha, bao gồm 6 xã, 3 huyện của 2 tỉnh Đác Lắc, Đác Nông. Tính đến tháng 9-2012, cả nước có 20 VQG, gồm 14 VQG thuộc tỉnh và sáu VQG do Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN) quản lý. Trong số đó, Yok Đôn là VQG rộng lớn nhất thuộc quyền quản lý của TCLN.

Gọi theo tiếng M’Nông: Yok là núi, Đôn là đảo. Yok Đôn là tên của ngọn núi cao 482 m, đứng một mình như hòn đảo giữa biển rừng Buôn Đôn, được dùng làm tên chung cho VQG duy nhất trong hệ thống 76 khu rừng đặc dụng của cả nước về mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái rừng khô cây họ Dầu lá rộng, còn gọi là rừng Khộp. Đây là loại rừng rụng trụi lá vào mùa khô, xanh mướt về mùa mưa, đặc biệt phù hợp với điều kiện sinh trưởng của các loài động vật quý hiếm đang bị đe dọa toàn cầu như voi, vượn đen má hung, bò tót, bò rừng, công, ngan cánh trắng, thậm chí cả Bò Xám Kouprey, loài động vật đặc hữu chỉ có ở các nước vùng Đông-Nam Á, từ lâu rồi không tìm ra dấu vết nhưng chưa có tổ chức nào kết luận Kouprey đã tuyệt chủng.

BẢO VỆ VOI, SÁU NĂM - TỪ “KHẨN TRƯƠNG” ĐẾN “KHẨN CẤP”!

Tháng 5-2006, thực hiện Quyết định số 733 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch “Hành động khẩn trương đến năm 2010 để bảo tồn voi ở Việt Nam”, cả ba tỉnh được giao nhiệm vụ là Nghệ An, Đồng Nai, Đác Lắc đều hăng hái lập dự án bảo tồn, tổ chức nghiệm thu, thông qua, báo cáo kỹ lưỡng. Nhưng đến nay, toàn bộ lộ trình hành động của dự án vẫn... nằm trên giấy.

Ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc than phiền tỉnh chờ hoài vẫn chưa được cấp khoản kinh phí 61 tỷ đồng để triển khai dự án. Mỗi lần tỉnh gửi văn bản nhắc nhở lại được khuyên chịu khó... chờ! Bộ máy hành chính chờ... bao lâu cũng được, nhưng voi lại liên tục bị bắn giết chỉ vì khúc ngà hoặc chỏm đuôi lơ thơ mấy sợi lông.

Trong khi chờ đợi Chính phủ duyệt gói ngân sách triển khai dự án, giữa năm 2011, tỉnh Đác Lắc đã tạm trích ngân sách thành lập Trung tâm Bảo tồn voi.

Sau hơn một năm chờ đợi, Trung tâm mới nhận được Công văn số 2672 do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn ký ngày 21-8-2012, gửi UBND ba tỉnh Đác Lắc, Đồng Nai, Nghệ An về việc “Thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi”. Nội dung đề nghị ba tỉnh rà soát hoàn thiện các dự án bảo tồn voi để thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt; giao Tổng cục Lâm nghiệp tham mưu cho Bộ NN&PTNT tổ chức Kế hoạch khẩn cấp bảo tồn voi, xây dựng dự án tổng thể trước ngày 30-9-2012.

Nhẩm tính, chuyện bảo tồn voi Việt Nam, từ kế hoạch “Hành động khẩn trương” tháng 5-2006 cho tới kế hoạch “Hành động khẩn cấp” tháng 9-2012 trên giấy, sáu năm ba tháng đã trôi qua...

CHỢ LÂM SẢN GIỮA VƯỜN QUỐC GIA

Vườn Quốc gia Yok Đôn ngoài bảy xã vùng đệm còn có một buôn Đrăng Phôk nằm ngay giữa vùng lõi. Từ thời xa xưa, đồng bào M’Nông bản địa vẫn chung sống hòa bình với rừng bằng cách đánh bắt cá, săn thú, chăn thả gia súc, thu hái cây thuốc, rau dại, đánh bắt cá sông.

Hai mươi năm trước, những phiên chợ tự nhóm giữa rừng Yok Đôn còn phong phú các mặt hàng lâm nông thổ sản. Nhiều loại đặc sản được mua bán, trao đổi với giá rất rẻ như chai cục, măng, nấm, tê tê, ba ba, kỳ đà, rắn độc, thỏ, mang, nai, heo rừng, chồn, nhím, khỉ, ếch, tắc kè, nhồng, bìm bịp, vẹt, gà rừng, đa đa, cá lăng, cá mõm trâu... Các quán nhậu quanh VQG thường sẵn sàng đáp ứng rất nhiều món thịt rừng tươi sống.

Nhiều năm sau khi VQG đã hình thành, các làn sóng dân di cư tự do từ tứ xứ đổ về làm mật độ dân số hai huyện Ea Soup, Buôn Đôn tăng vọt. Các xã vùng đệm đều có hệ thống đường thôn buôn cấp phối. Trong đó, quan trọng nhất là tỉnh lộ 1A từ Buôn Ma Thuột đi Ea Soup và đường nhánh đến các đồn biên phòng. Mạng lưới giao thông này tạo điều kiện cho lâm tặc dễ dàng ra vào VQG và tuồn gỗ lậu đi mọi nẻo. Mức thu nhập bình quân quá thấp của đồng bào trở thành kẽ hở để đầu nậu vung tiền mua chuộc, lôi kéo họ vào đường dây khai thác gỗ quý trái phép.

Các trạm, hạt kiểm lâm quanh Vườn vào thời điểm nào trong năm cũng chất chồng đủ loại phương tiện khai thác, vận chuyển gỗ bị tịch thu như xe đạp, xe máy, máy cưa máy nổ... do đầu nậu trang bị cho người làm thuê. Suốt hai mươi năm qua, chưa từng có đầu nậu cỡ bự nào phải đứng trước vành móng ngựa, dù năm nào cũng có tới hàng nghìn mét khối gỗ quý bị kéo trộm ra khỏi VQG Yok Đôn.

SỰ THẬT CHỜ... VÉN MÀN

Đầu tháng 8-2012, một nhóm phóng viên được thổ dân dẫn đường vào sâu vùng lõi VQG đã tận mắt chứng kiến cảnh hàng trăm cây gỗ căm xe, gỗ giáng hương bị cưa cắt ngay tại tiểu khu 477 và 484, thậm chí gỗ đổ ngay trên đường tuần tra của kiểm lâm. Hàng loạt phóng sự nóng bỏng về VQG Yok Đôn bị tàn phá nghiêm trọng phơi bày trên mặt báo. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đác Lắc chấn chỉnh công tác quản lý bảo vệ rừng Yok Đôn. Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Đỗ Trọng Kim bay vào tận nơi kiểm tra, kết luận đủ điều kiện khởi tố. Công an còn đang lần manh mối bọn trộm gỗ thì lại bùng lên vụ sát hại cả đôi voi rừng để lấy ngà.

Chiều ngày 28-8-2012, tại trụ sở UBND huyện Buôn Đôn, ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo huyện, Cục Kiểm lâm và các ngành liên quan về tình hình quản lý VQG. Thông tin giữa cuộc họp cho biết, các đợt truy quét vừa qua phát hiện nhiều trường hợp công chức vi phạm luật bảo vệ rừng, trong đó có cả kiểm lâm, công an, bộ đội biên phòng, xã đội trưởng. Sắp tới lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo truy quét triệt để, dẹp hết các xưởng cưa trái phép.

Tháng 8 hết. Tháng 9 qua. Và giờ đang là tháng 10. Không hiểu sao các xưởng cưa lậu vẫn hoạt động rầm rộ, cưa xẻ xoèn xoẹt khắp đêm ngày từ quanh VQG lên tới nội thành Buôn Ma Thuột...

* Năm 1980 đàn voi nhà của Đác Lắc có 502 con. Dự án bảo tồn voi nhà do GS Lê Huy Bá lập năm 2007 đếm được 64 con. Trong năm năm chờ cấp kinh phí đã có thêm 13 con voi nhà bị chết. Đến giữa tháng 9-2012, số voi nhà toàn tỉnh chỉ còn 51 con.

Còn voi rừng, ước tính có mười đàn với khoảng 110 con, chỉ trong ba năm qua đã có tới 14 con bị giết hại và nguyên nhân chết không rõ, trong đó có mười voi con. Mới nhất, vụ đôi voi bị bắn chết thảm giữa tháng 8-2012 tại tiểu khu 257 rừng Yok Đôn, một lần nữa lại gây chấn động dư luận về mức độ xuống tay bạo tàn của bọn tội phạm giết voi cướp ngà.