Sự cảnh tỉnh gay gắt và cấp thiết

Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Kỳ họp thứ 41 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Quang cảnh Kỳ họp thứ 41 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ quan điểm của Đảng ta như vậy tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 30/6/2022. Tinh thần ấy ngày càng được thực hiện quyết liệt hơn và trở thành xu thế không thể đảo ngược. Như thế mới bảo vệ được sức mạnh, danh dự của Đảng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ.

Ðau xót nhưng không thể không làm

Có lẽ chưa bao giờ nhiều cán bộ, cả ở cấp chiến lược, bị kỷ luật, hoặc phải từ chức vì có sai phạm hay để cho cấp dưới sai phạm, thậm chí bị xử lý hình sự, như thời gian gần đây. Mới qua nửa nhiệm kỳ khóa XIII đã có gần 100 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó nhiều trường hợp phải xử lý hình sự; đặc biệt là năm trường hợp được Trung ương cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị và nhiều chức danh khác.

Vì sao lại có tình trạng đau lòng như thế? Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV, trung tuần tháng 3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm".

Những thói hư, tật xấu của cán bộ trong các cơ quan công quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo ngay từ khi cách mạng vừa mới giành chính quyền; đó là "Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân" (Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện, làng, tháng 10/1945- Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị quốc gia, H. 1995, tr. 57).

"Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Thấm nhuần lời căn dặn đó của Người, Đảng ta luôn coi trọng công tác cán bộ. Song thực tế là, trình độ, năng lực đội ngũ "công bộc" của dân được nâng cao, nhưng đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ lại suy thoái, thậm chí là xuống cấp. Đây là căn nguyên làm cho cán bộ hư hỏng, không ít trường hợp ăn tiền của dân, doanh nghiệp một cách trắng trợn.

Mặc dù cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành rất quyết liệt, nhưng không ít cán bộ ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương, vẫn tỏ ra coi thường pháp luật. Thật nguy hiểm "Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân" (Sđd, tập 5, tr 254). Thực trạng này nếu không được ngăn chặn thì gây nên những nguy cơ khôn lường đối với Đảng, Nhà nước.

Ngăn chặn từ sớm, từ xa

Tiền của, tài sản của Nhà nước bị thất thoát là mất mát lớn, song vẫn có thể làm ra, nhưng niềm tin nếu bị đánh mất thì rất khó để lấy lại. Vì thế, việc xử lý cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược là không thể không làm.

Trước hết, việc xử lý cán bộ vi phạm là để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; đưa ra khỏi bộ máy những đối tượng tha hóa, biến chất; đồng thời cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên khác tránh sa vào "vết xe đổ" của đồng chí mình; xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự vì dân, vì nước. Việc kỷ luật một vài người để cứu muôn người là thế. Điều đó hoàn toàn trái ngược với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cho rằng chúng ta chống tham nhũng là "thanh trừng nội bộ", "đấu đá nhau".

Cách xử lý cán bộ sai phạm thời gian vừa qua của Trung ương, Bộ Chính trị thể hiện rõ tính quyết liệt mà cũng rất nhân văn. Điều đó rất đúng với chủ trương về công tác cán bộ và tinh thần Quy định 41, ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Song, giải pháp tối ưu vẫn phải là chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, không để xảy ra sai phạm mới đi xử lý. Đó là mục tiêu, yêu cầu hàng đầu trong công tác cán bộ; không để bổ nhiệm, đề bạt rồi mới phát hiện sai phạm của cán bộ từ trước, thậm chí là nhiệm kỳ trước.

Muốn thế thì phải đổi mới mạnh mẽ quy trình giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm cán bộ theo hướng công khai, minh bạch và dân chủ thật sự; đánh giá cán bộ một cách toàn diện cả về năng lực công tác và khả năng đảm đương cương vị mới qua nhiều kênh thông tin. Đặc biệt là đánh giá đúng về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ được giới thiệu bầu cử hoặc bổ nhiệm; khắc phục bằng được biểu hiện phe cánh, lợi ích nhóm trong công tác này. Vừa đề cao vai trò, trách nhiệm, vừa có hình thức xử lý đúng mức đối với người đứng đầu, nếu giới thiệu cán bộ bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan; không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác.

Cùng với đó là xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, chặt chẽ, công khai minh bạch để những đối tượng quen thói chạy chọt, xin cho cũng không có "cửa"; đồng thời xử lý nghiêm mọi cán bộ vi phạm; xây dựng một cơ chế để cán bộ không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng.

Công tác cán bộ đang có nhiều vấn đề đặt ra, nhất là khi chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng. Nhưng đây cũng là cơ hội để nhìn nhận đánh giá lại toàn bộ nhiệm vụ then chốt này; là dịp để sàng lọc cán bộ, lựa chọn những người đủ đức, tài, điều kiện để tham gia cấp ủy khóa mới. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy cán bộ bản lĩnh chính trị không vững vàng, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tham nhũng, lợi ích nhóm, v.v. Công tác cán bộ là công tác về con người, vô cùng khó, nhạy bén, phức tạp. Nhưng khi đã đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, thì tin rằng việc khó mấy cũng làm tốt.