Chọn tên cho đơn vị hành chính mới

Tham vấn cộng đồng để tạo đồng thuận

Theo kế hoạch, giai đoạn 2023-2025, cả nước có 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, cả nước sẽ giảm 14 đơn vị hành chính cấp huyện và 619 cấp xã. Điều này đồng nghĩa sẽ có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới và 14 đơn vị hành chính cấp huyện mới sau khi sáp nhập.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc của khu đô thị trung tâm mới thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Một góc của khu đô thị trung tâm mới thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Đặt tên các đơn vị hành chính mới như thế nào tưởng như chỉ là chuyện hình thức, nhưng lại không hề nhỏ, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ này.

Lo… mất tên

Có ba hình thức đặt tên mới cho các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập: đặt tên mới hoàn toàn, giữ tên một trong các đơn vị sáp nhập và ghép tên các đơn vị sáp nhập với nhau. Trong đó, cách đặt tên đơn vị hành chính mới theo công thức lấy mỗi đơn vị một chữ ghép lại để thành tên mới là cách làm rất phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố sau khi chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính. Cách làm này dễ nhận được sự đồng tình của người dân hơn cả, vì họ được an ủi bởi tâm lý "hòa nhập nhưng không hòa tan", xã ta giữ vị thế ngang hàng xã bạn. Thế nhưng cách làm này lại rất dễ tạo ra những chuyện… dở khóc dở cười.

Những ngày gần đây nổi bật lên câu chuyện người dân Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) không đồng tình ghép tên với xã Quỳnh Hậu thành Đôi Hậu sau khi sáp nhập. Thực ra ban đầu huyện đưa phương án giữ lại tên của một trong hai xã sáp nhập nhằm giảm áp lực cho người dân trong việc thay đổi thông tin trên giấy tờ cá nhân. Tuy nhiên, người dân xã nào cũng muốn giữ tên gọi xã mình. "Tranh cãi rất căng thẳng", theo lãnh đạo huyện. Đến thời điểm này, vấn đề vẫn chưa ngã ngũ.

Đây không phải chuyện hiếm gặp, nhưng do có liên quan đến Quỳnh Đôi, một xã vốn có truyền thống hay chữ, quê hương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương nên được nhiều người biết đến hơn. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu còn đang "đau đầu" với phương án ghép tên xã Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ thành tên xã mới Hoa Mỹ.

Tại Khánh Hòa, thị trấn Diên Khánh dự kiến đổi tên thành phường Phú Thành, khiến nhiều người tiếc nuối khi tên thị trấn Diên Khánh, gắn liền với di tích thành cổ Diên Khánh có tuổi đời 230 năm tuổi không còn tồn tại. Hơn thế, Diên Khánh là một cái tên đẹp và ý nghĩa. Theo PGS, TS Bùi Xuân Đính (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), "Diên Khánh" thể hiện niềm hân hoan của nhân dân vùng đất này, ghi dấu một chiến công chống giặc ngoại xâm; niềm vui được mùa; đất nước thái bình…

Tại Hà Nội, xã Chàng Sơn (Thạch Thất) vốn nổi tiếng với nghề mộc, nhất là trong các công trình kiến trúc cổ sẽ sáp nhập với xã Thạch Xá, tạo thành đơn vị hành chính mới mang tên Thạch Xá.

Hai xã Liên Phương và Hà Hồi của huyện Thường Tín sáp nhập xong có tên là Hà Liên; xã Vạn Điểm sáp nhập xã Vạn Nhất thành xã Vạn Nhất. Trong khu vực nội thành, hai phường Quốc Tử Giám và Văn Miếu thuộc quận Đống Đa sau sáp nhập dự kiến có tên mới là Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Nếu như tên phường mới được ghép nguyên xi này được cho là khiên cưỡng, dài dòng, thì nhiều tên xã đã gắn liền với lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc như Hà Hồi, Hòa Xá, Chàng Sơn, Cầu Dền, Quỳnh Lôi, Tích Giang,… sẽ không còn trên bản đồ sau khi sáp nhập.

Giải pháp nào mới thuận?

Cũng tại Nghệ An, giai đoạn 2019-2021, ba xã Thanh Hưng, Thanh Văn và Thanh Tường của huyện Thanh Chương được tiến hành sáp nhập để hình thành một xã mới với tên gọi là Đại Đồng. Việc sáp nhập ba xã nói trên, bao gồm cả tên gọi mới, nhận được sự đồng tình cao của nhân dân địa phương. Tên đơn vị hành chính mới cũng là tên gọi cũ của tổng Đại Đồng trước đây. Tại huyện Nam Đàn, toàn bộ diện tích và dân số xã Vân Diên và một phần xã Nam Thượng được sáp nhập vào thị trấn Nam Đàn, lấy tên mới là thị trấn Nam Đàn. Việc sáp nhập thị trấn Nam Đàn và xã Vân Diên có thể xem như "châu về Hợp Phố", vì trước đây thị trấn Nam Đàn và xã Vân Diên vốn là một đơn vị hành chính, sau này mới tách ra.

Tại tỉnh Hải Dương, dự kiến giai đoạn 2023-2025, có 38 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp sáp nhập. Trong đó, ở huyện Ninh Giang, xã Kiến Quốc được sáp nhập với xã Hồng Phúc (Ninh Giang) và tên xã mới ban đầu được đề xuất là Kiến Hồng, sau thảo luận được đổi thành Kiến Phúc, được hầu hết ý kiến đảng viên, người cao tuổi, cử tri nhân dân hai xã đồng thuận.

Xét một cách thực tế thì so việc nhập hai đơn vị hành chính thành một đơn vị và giữ nguyên tên gọi của một đơn vị hành chính cũ thì việc ghép tên hoặc đổi tên mới sẽ làm tăng gấp hai lần khối lượng công việc để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho tổ chức, cá nhân ở các đơn vị chịu sự tác động, có thể gây lãng phí.

Thế nhưng, để tôn trọng, giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng cư dân làng xã, việc đặt tên quả thật là việc khó, không thể tiến hành một cách nóng vội, duy ý chí.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, trước khi đặt tên cho một địa danh mới thì cần tìm hiểu rõ về lịch sử, văn hóa, và các sự kiện quan trọng trong khu vực đó qua tham khảo tư liệu lịch sử, tìm kiếm thông tin từ các nhà nghiên cứu địa phương hoặc dân cư địa phương.

Bên cạnh đó, cần tham vấn cộng đồng địa phương, bao gồm cả các nhóm dân tộc, văn hóa, dòng họ, và các lãnh đạo địa phương qua cuộc họp cộng đồng, hoặc các cuộc thăm dò ý kiến, kể cả thảo luận trên mạng.

Tuy nhiên, công tác truyền thông cũng cần được thực hiện một cách tinh tế, hợp lý, hợp tình, để nhân dân hiểu không nhất thiết phải giữ lại một phần tên địa phương mình trong tên chung, tạo ra những cái tên vô nghĩa hoặc dễ bị suy diễn không hay.

Theo quy định tại Điều 129, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015: việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, cơ quan chức năng phải tiến hành đúng quy trình, trong đó có việc xin ý kiến nhân dân.